(vhds.baothanhhoa.vn) - Những NVH thôn mới, nếu đáp ứng được sinh hoạt cho người dân sau sáp nhập phải đáp ứng được 2 yếu tố đó là về diện tích và khoảng cách. Nếu không đáp ứng được thì buộc phải di chuyển ra một vị trí mới để có được một NVH trung tâm. Vấn đề ở chỗ, NVH thôn mới và ngay cả NVH thôn cũ, nếu được phép bán thì bán có dễ dàng còn để có được một NVH trung tâm sau sáp nhập thì lấy đâu kinh phí để xây dựng?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện về nhà văn hóa sau sáp nhập (Bài cuối): Dời cũng dở, ở cũng khó...

Những NVH thôn mới, nếu đáp ứng được sinh hoạt cho người dân sau sáp nhập phải đáp ứng được 2 yếu tố đó là về diện tích và khoảng cách. Nếu không đáp ứng được thì buộc phải di chuyển ra một vị trí mới để có được một NVH trung tâm. Vấn đề ở chỗ, NVH thôn mới và ngay cả NVH thôn cũ, nếu được phép bán thì bán có dễ dàng còn để có được một NVH trung tâm sau sáp nhập thì lấy đâu kinh phí để xây dựng?

NVH đáp ứng được nơi sinh hoạt cho người dân sau sáp nhập thôn là vấn đề đang được các địa phương quan tâm, trăn trở...

Nỗi niềm đi - ở

Xã Thọ Phú (Triệu Sơn), trước sáp nhập có 11 NVH đã đạt chuẩn NTM (8/11 NVH được xây mới). Sau sáp nhập, Thọ Phú còn 6 thôn, tương đương với giảm 5 NVH. Tuy nhiên, hiện nay, 6 thôn thành lập mới cũng không có NVH phù hợp để cho bà con sinh hoạt. Theo như chia sẻ của ông Phạm Như Huấn, Bí thư Đảng ủy xã Thọ Phú: Trong 6 thôn này chỉ có 3 thôn là mở rộng được diện tích NVH, 3 thôn còn lại chỉ có thể di dời đến địa điểm khác chứ không thể mở rộng. Nhưng dời đi đâu là cả vấn đề vì địa phương phải có quỹ đất hợp lý nhất.

Không chỉ là câu chuyện về quỹ đất mà còn liên quan đến cả giá đất. Vì nếu có đất mà không có kinh phí thì cũng khó để hình thành nên một NVH vừa nằm trung tâm lại vừa có đủ diện tích. Vậy nên, giá đất đang đề cập đến ở đây là giá đất của NVH thôn cũ và NVH thôn mới. Vì nếu được phép bán những NVH không phù hợp này thì sẽ dùng số tiền này để xây dựng NVH trung tâm. Nhưng ở Thọ Phú, cái khó ở chỗ: Có NVH bán được thì lại không có giá, có NVH bán rẻ cũng khó có ai mua. Hơn nữa, người dân Thọ Phú đã có đến 2 lần đóng góp để xây dựng NVH thôn, lần 1 từ năm 2012 - 2015, lần 2 từ năm 2015 - 2016 (đây là giai đoạn xây dựng NVH NTM). Với 2 lần đã đóng góp này và với những “trắc trở” trong việc bán đất ở NVH thì liệu người dân có phải đóng góp lần 3 để xây dựng NVH thôn sau sáp nhập?

Tại xã Mỹ Lộc (Hậu Lộc), sau khi sáp nhập 4 thôn thành 2 thôn mới, xã tạm thừa 2 NVH. Dù vậy, 2 NVH thôn mới cũng không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người dân. Quan điểm của đảng ủy, chính quyền xã Mỹ Lộc đó là để lại cho nhân dân NVH thôn cũ còn bán NVH thôn mới để xây dựng 2 NVH mới. Ông Nguyễn Huy Tập, chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc cho biết: “Khó ở chỗ, hiện người dân của 2 thôn mới thành lập lại không muốn bán 2 NVH, họ muốn giữ lại để làm nhà truyền thống, có nghĩa là nhân dân vừa muốn giữ lại vừa muốn có nhà mới. Nếu vậy cũng rất khó cho xã vì nếu dân đã thống nhất như vậy thì không ai dám mua mà để xây 2 NVH mới cho 2 thôn mới sau sáp nhập thì phải cần khoảng 5 tỷ đồng (kể cả tiền giải phóng mặt bằng)”.

Đi cũng dở mà ở cũng khó. Một tâm trạng của nhiều địa phương dành cho NVH sau sáp nhập. Khi NVH thôn mới không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt thì buộc các xã lại phải lo quỹ đất, lo kinh phí để xây dựng một NVH mới. Nhưng ngay cả khi đặt ra giả thiết, nếu được phép bán cả NVH thôn mới, NVH thôn cũ thì có đủ để xây một NVH trung tâm? Quả là điều không đơn giản.

Gỡ rối...

Trong khi đang chờ một cơ chế, chính sách của tỉnh về giải quyết những NVH tạm thời gọi là dư thừa và cả những NVH thôn mới không đảm bảo sau sáp nhập, nhiều địa phương đã đưa ra những phương án phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương mình. Tại huyện Yên Định, đối với 77 NVH thôn không còn phù hợp với quy mô dân số, vị trí địa lý do sáp nhập, huyện này đã có chủ trương cho phép các xã cần thiết phải xây dựng quy hoạch, kế hoạch trình UBND huyện thống nhất để chuyển đổi, xây dựng hoặc nâng cấp các NVH. Tại huyện Nga Sơn, huyện hỗ trợ 20% kinh phí cho những NVH thôn mới sau sáp nhập nếu không còn phù hợp. Tại TP. Thanh Hóa, địa phương này cũng đang có phương án đó là rà soát lại các NVH, đối với NVH thừa sẽ xin ý kiến nhân dân và bán đấu giá, một phần tiền nộp về ngân sách thành phố, một phần sẽ để đầu tư các thiết chế văn hóa cho NVH phố mới...

Trong quá trình đi lấy thông tin để phục vụ bài viết này, chúng tôi nhận thấy rõ quan điểm của nhiều địa phương đưa ra, đó là cố gắng không để nhân dân phải đóng góp thêm một lần nữa trong việc xây dựng NVH thôn, phố mới sau sáp nhập. Tuy nhiên, nếu như gặp phải một số bất cập như đã nêu ở trên thì liệu có bị rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”? Vậy nên, nhiều địa phương vẫn đang chờ một cơ chế, chính sách phù hợp để gỡ rối một cách thuận tình, hợp lý để sớm có một NVH đảm bảo hơn cho nhu cầu sinh hoạt của người dân sau sáp nhập, để tránh tình trạng trong khi người dân đang thiếu NVH để sinh hoạt thì lại có những NVH đã “cửa đóng then cài”...

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]