(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong những năm gần đây, hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) văn hóa văn nghệ (VHVN) quần chúng trên địa bàn tỉnh ngày càng đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Đáng chú ý, nhiều CLB đã có những đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền các sự kiện văn hóa, chính trị của địa phương.

Đa dạng hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng

Trong những năm gần đây, hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) văn hóa văn nghệ (VHVN) quần chúng trên địa bàn tỉnh ngày càng đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Đáng chú ý, nhiều CLB đã có những đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền các sự kiện văn hóa, chính trị của địa phương.

Đa dạng hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúngCLB chèo Phú Lai, xã Thiệu Long (Thiệu Hóa) tích cực tham gia các hoạt động giao lưu, biểu diễn văn nghệ do địa phương tổ chức.

Huyện Thiệu Hóa hiện có gần 160 CLB VHVN quần chúng, trong đó chủ yếu là các CLB văn hóa truyền thống như: múa đèn xếp chữ, chèo, dân ca... Trong những năm gần đây, hoạt động của các CLB tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện ngày càng đi vào chiều sâu. Đặc biệt, nhiều CLB đã chú trọng đổi mới cả nội dung và hình thức hoạt động như: CLB múa đèn xếp chữ Thiệu Quang, chèo Thiệu Nguyên, chèo Thiệu Long, Bến Quê Thiệu Thịnh...

Là một trong những xã phát triển mạnh phong trào VHVN quần chúng của huyện Thiệu Hóa, hiện xã Thiệu Long có tới 6 CLB chèo, hoạt động thường xuyên, sôi nổi. Được biết, nhiều bài hát chèo hấp dẫn đã tạo nên “tên tuổi” cho một số CLB như: Phú Lai, Minh Đức, Phú Hưng, Đông Lỗ, Tiên Nông... Các tiết mục biểu diễn chủ yếu do những hạt nhân văn nghệ của thôn sưu tầm, sáng tác và tập luyện cho thành viên trong các CLB. Trong đó nội dung tập trung vào ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, mừng quê hương đổi mới, phê phán thói hư tật xấu trong xã hội... được đông đảo người dân đón nhận và đánh giá cao. Trong đó, CLB chèo Phú Lai được xem là nhân tố mới của xã, mặc dù mới được thành lập và đi vào hoạt động hơn 1 năm, song tác phẩm chèo “Thiệu Long đổi mới” đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân.

Phó Chủ nhiệm CLB chèo Phú Lai Nguyễn Thị Hoa cho biết: “Hiện CLB chèo Phú Lai có hơn 20 thành viên, từ 30- 70 tuổi. Chúng tôi rất phấn khởi khi CLB thu hút được đông đảo thành viên ở các độ tuổi khác nhau. Mặc dù mỗi người một công việc song có cùng niềm đam mê với nghệ thuật chèo. Từ đầu năm đến nay, nhiều tiết mục đặc sắc được chúng tôi tự dàn dựng, tập luyện và tham gia biểu diễn tại một số sự kiện như: Giao lưu các CLB chèo xã Thiệu Long, mừng thọ, hội làng... Đặc biệt, tại buổi lễ công bố thôn Phú Lai đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2023, CLB đã biểu diễn tiết mục “Thiệu Long đổi mới” được Nhân dân đón nhận và cổ vũ nhiệt tình. Đây chính là nguồn động lực để CLB duy trì và phát triển trong thời gian tới”.

Nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, các CLB VHVN còn tích cực tổ chức các hoạt động truyền dạy cho thế hệ trẻ và các tầng lớp Nhân dân. Nhờ đó, số lượng thành viên của các CLB VHVN huyện Thiệu Hóa ngày càng phát triển, thu hút người dân ở nhiều lứa tuổi tham gia.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thiệu Hóa Trần Ngọc Tùng cho biết: “Trong những năm gần đây, hoạt động của các CLB VHVN trên địa bàn huyện ngày càng đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân. Để thúc đẩy phong trào, cùng với việc tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ, hằng năm huyện còn tổ chức Liên hoan tiếng hát các làng văn hóa, qua đó tạo điều kiện cho các CLB giao lưu, học hỏi, đồng thời tìm ra những hạt nhân tiêu biểu để xây dựng lực lượng tham gia các chương trình liên hoan, hội diễn văn nghệ của tỉnh. Trong tháng 3 này, nhân kỷ niệm 702 năm Ngày mất Nhà Sử học Lê Văn Hưu (23/3/1322 - 23/3/2024) huyện Thiệu Hóa sẽ tổ chức liên hoan văn nghệ quần chúng. Hy vọng liên hoan sẽ mang đến cho công chúng nhiều tiết mục đặc sắc, với sự tham gia của nhiều CLB VHVN tiêu biểu trên địa bàn huyện”.

Còn đối với địa phương phát triển mạnh sản phẩm du lịch cộng đồng như huyện Bá Thước, đến nay toàn huyện đã thành lập được gần 90 CLB VHVN, nòng cốt là hội viên hội nghệ nhân dân gian các xã, thị trấn. Trong đó, tại các xã phát triển du lịch như Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng... nhiều CLB văn hóa dân gian như: khặp Thái, xường Mường, múa Pồn Pôông, múa sạp, khua luống... cũng được duy trì hoạt động hiệu quả. Bắt kịp xu hướng phát triển, huyện Bá Thước đã, đang tập trung đẩy mạnh bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, đồng thời tạo điều kiện và có cơ chế khuyến khích để các CLB VHVN hoạt động hiệu quả, tích cực tham gia vào quá trình xây dựng thương hiệu điểm đến thân thiện, giàu bản sắc.

Với việc tổ chức đa dạng hoạt động, các CLB VHVN trên địa bàn tỉnh ngày càng góp phần quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Cũng từ đó khuyến khích cộng đồng cùng tham gia bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa trong đời sống xã hội hiện đại và chung tay “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế” - một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]