Nhảy sạp, vũ điệu mừng chiến thắng trong lễ hội Nàng Han
Nhảy sạp là một trong số những loại hình dân vũ đặc sắc của đồng bào Thái có từ xa xưa, nếu có dịp tham dự lễ hội Nàng Han ở mường Trịnh Vạn (nay thuộc bản Lùm Nưa, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân) người dự hội sẽ bắt gặp truyền thuyết nói về sự ra đời và chứng kiến nhảy sạp - loại hình dân vũ khá phổ biến của đồng bào nơi đây.
Nhảy sạp trong lễ hội Nàng Han ngày mùng 5 tháng Giêng - 2024.
Lễ hội Nàng Han không chỉ bó hẹp ở cộng đồng người Thái tỉnh Thanh mà còn lan truyền tới cả những địa phương, vùng miền khác có người Thái sinh sống. Song Lùm Nưa, Trịnh Vạn ở xứ Thanh là quê hương của liệt nữ. Theo cố GS Vũ Ngọc Khánh cho biết: “Nàng Han, người nữ anh hùng các dân tộc Tây Bắc, có sự tích chôn rau cắt rốn ở quê Thanh”. Truyền thuyết về Nàng Han luôn được người Thái mường Chiềng Ván truyền lại với lòng cảm phục, biết ơn và thương yêu vô hạn người con gái tài sắc của bản mường.
Theo truyền thuyết: Đã lâu lắm rồi, ở đất Chiềng Ván, trong một gia đình có hai chị em rất xinh đẹp. Cô em đẹp người, ngoan nết, nàng có mái tóc đen chảy dài như dòng suối và hương thơm lạ khiến đâu đâu cũng nức tiếng ngợi khen, tên là Nàng Tóc Thơm. Người chị không chỉ đẹp người, ngoan nết mà còn rất thông minh và có tài võ nghệ hơn người, tên là Nàng Han. Một ngày kia cuộc sống đang yên bình bỗng chốc bị đảo lộn bởi bọn giặc đến cướp phá, hãm hại dân lành. Triều đình chọn tìm người hiền tài ra giúp nước, Nàng Han, cô gái có tài kiếm cung giả trai gia nhập quân đội và được nhà vua xung vào đội tiên phong dẹp giặc. Do lập được nhiều công lớn, nàng được triều đình ban thưởng rất hậu và giao cho viên tướng vùng sơn cước này nhiệm vụ trấn ải miền biên viễn ngay trên vùng đất quê nhà. Nàng đã nhiều phen cùng quân sĩ tả xung hữu đột đánh tan quân giặc quấy nhiễu vùng biên giới, bảo vệ dân lành. Trong một trận đánh lớn, thây giặc chất chồng cao như núi, máu chảy thành sông, đám tàn binh thua chạy. Sau khi đánh tan quân giặc nàng ra bờ sông tắm, nước mát trong làm để lộ đôi bồng đảo tròn đầy của người thiếu nữ tuổi độ trăng rằm, bỗng đâu đám tàn binh của giặc phát hiện ra vị võ tướng oai phong lẫm liệt kia lại là gái, chúng hò reo rồi xông tới. Nàng Han vừa căm tức vừa cả thẹn vung gươm diệt giặc rồi nhảy lên con ngựa chiến phi thẳng lên đỉnh núi bay về trời. Từ ấy đến nay, dòng sông Nhồng (tiếng Thái gọi là sông máu, do máu giặc chảy mà thành) vẫn chảy bên núi Hang Mường, trong hang có nhũ đá hình thiếu nữ thanh thản đang ngồi nghỉ sức, kế bên là hình voi, ngựa chiến hóa đá đứng chầu, tương truyền đó chính là Nàng Han đã hóa thân hiển hiện. Cách Hang Mường về phía Tây một quãng là hình con ngựa chiến trong ánh tà dương đang tung vó, lướt nhanh trên núi đá nhấp nhô đưa người anh hùng của đất mường Chiềng Ván về với Mường Trời.
Cảm phục, biết ơn người thiếu nữ của đất mường Trịnh Vạn quả cảm, dâng hiến tuổi xuân vì cuộc sông bình yên, hạnh phúc của bản mường, hằng năm vào dịp đầu xuân, bà con dân tộc Thái tưng bừng mở hội tri ân công đức của nàng, cũng là dịp vui chơi giải trí, gặp gỡ trao duyên, trao tình, cầu cho mùa màng tươi tốt, nhân khang, vật thịnh.
Trong ngày hội lễ, thay mặt dân bản chủ lễ là bà Tày gốc kính cáo mời các vị thần linh về dự lễ và phù hộ cho bản mường bình yên, no đủ: “Tôi xin mời, xin mời !/ Mời người có tên trên núi đá Hang/ Nàng xứng danh anh hùng ở núi đá Lớn/ Mời Nàng Trời ra khỏi vách rộng/ Mời Nàng Han ra khỏi núi lớn/ Mời hai Nàng có tăm có tiếng/ Ngồi vào mâm cơm/ Xin mời hai Nàng/ Nàng Han và Nàng Tóc Thơm/ Phù hộ cho dân bản vững dạ/ Có thiên tai địch họa cũng không lo...”.
Trong lời khấn của bà Tày kèm theo những động tác múa quạt, loan kiếm và những động tác múa uyển chuyển với các dải lụa ngũ sắc, người dự hội lễ tưởng như Nàng Han đang cùng với quân sĩ luyện tập binh đao, tả xung hữu đột, dẹp yên giặc dã bảo vệ cho mường xa bản gần mãi mãi có cuộc sống ấm êm hạnh phúc. Sau khi lễ tất ở hang Mường, bản trên mường dưới kéo nhau ra bãi đất rộng bên kia sông Nhồng đối diện với Hang Mường để cùng tham gia các trò chơi, trò diễn mang đậm sắc thái văn hóa dân tộc Thái.
Trò diễn trong phần hội gồm có múa Cá Sa (hát múa quanh cây hoa). Cây hoa làm thành nhiều tầng, nhiều màu sắc. Trên cây hoa gắn các hình nông cụ đan bằng tre nứa và hình con chẫu chàng, con cá, ve sầu. Cây hoa là biểu tượng của cây vũ trụ có nhiều tầng mong ước cho vạn vật sinh sôi nảy nở. Rồi các hoạt động diễn tấu trống chiêng (cổng giàm), khua luống, ném còn, hát đối đáp... Nhưng đặc sắc nhất trong hội lễ vẫn là múa sạp còn gọi là nhảy sạp.
Múa sạp vừa là trò diễn lại vừa là trò chơi cổ truyền không thể thiếu đối với đồng bào Thái nói chung, người “Tày Dọ” mường Trịnh Vạn nói riêng trong các kỳ hội lễ. Theo đồng bào Thái nơi đây truyền lại thì nhảy sạp có từ xa xưa gắn liền với Nàng Han và các binh tướng của người nữ anh hùng. Những bậc cao niên cho biết, Nàng Han không chỉ giỏi chiến trận mà còn biết sáng tạo ra nhiều trò chơi để vừa rèn luyện, tăng sức dẻo dai cho quân sĩ, vừa tạo nên những sinh hoạt vui nhộn khích lệ, động viên quân sĩ phấn khởi diệt thù. Bởi vậy, sau mỗi lần thắng trận trở về, dưới sự chỉ huy của Nàng Han, binh mường lại cùng nhau tụ họp, bên ánh lửa bập bùng nhảy múa hát ca mừng chiến thắng. Các chiến binh mang trống chiêng ra đánh, mang luống ra khua, rồi họ lấy đòn khiêng trống, chày khua luống đặt xuống đất theo chiều dọc, lấy giáo mác gậy gộc đặt lên theo chiều ngang ngay ngắn, sau đó cứ từng đôi tướng lĩnh cùng binh sĩ nắm chặt tay nhau cùng nhảy múa theo nhịp cồng chiêng, khua luống ngân lên vang vọng, tạo nên không khí náo nhiệt tưng bừng của ngày chiến thắng. Hòa cùng khí thế mừng vui náo nức đó, các cụ già, trai mường gái bản cũng háo hức chung vui. Không đủ đòn kê và gậy, kiếm, họ chặt vội những cây vầu, cây trúc ngay cạnh bìa rừng để cho nhiều người khác cùng chung vui. Không có nhạc đệm thì dập các dóng trúc xuống đòn kê, chạp hai đoạn trúc lại khi từng đôi nhảy qua để tạo ra âm thanh, cả quân tướng và bản mường say trong điệu vũ mừng chiến thắng của lòng người của đất trời và tình quân dân keo sơn gắn bó. Từ đó nhảy sạp ra đời và những nơi nào đoàn binh đi qua tiễu trừ quân giặc thì ở đó đều được Nàng Han và binh tướng của nàng truyền dạy cho vũ điệu nhảy sạp mừng chiến thắng.
Lễ hội Nàng Han kết thúc, cũng là lúc các bà Tày làm lễ tạ ơn trời đất và các vị thần linh, Nàng Han... và ban lộc, buộc chỉ ngũ sắc cầu cầu phúc cho những người dự lễ.
Thời gian qua mau, dẫu vật đổi sao dời, nhưng trong tâm thức của cộng đồng người Thái mường Trịnh Vạn, sự nghiệp và công đức của Nàng Han mãi trường tồn cùng với người và đất, dòng sông, ngọn núi nơi đây. Đã trở thành mỹ tục, hằng năm cứ đến mùng 5 tết, lễ hội Nàng Han của đồng bào Thái mường Trịnh Vạn lại tổ chức cùng với vũ điệu nhảy sạp để tưởng nhớ Nàng Han và những chiến binh mường năm xưa, để mỗi người mở rộng tâm hồn, nối rộng vòng tay cùng thăng hoa, nhân lên niềm vui cộng cảm của cả cộng đồng, chung tay gắng sức làm đẹp bản mường, quê hương, đất nước.
Lễ hội Hang Mường tri ân và tưởng nhớ Nàng Han và mỹ tục nhảy sạp vào dịp đầu năm mới ở bản Lùm Nưa là một trong những lễ hội cổ truyền đặc sắc của đồng bào Thái, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam nói chung, đồng bào Thái nói riêng đối với Nàng Han và những người anh hùng lập nên chiến công hiển hách và đã ngã xuống vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc của mọi người. Với những giá trị đặc sắc, lễ hội và vũ điệu nhảy sạp mừng chiến thắng của Nàng Han cùng binh mường đã được Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch công nhận và ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bài và ảnh: Hoàng Minh Tường (CTV)
- 2024-09-13 15:00:00
Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch tại “Vịnh Hạ Long trên cạn của xứ Thanh”
- 2024-09-13 13:22:00
Khắc đi... Khắc đến - Bản lĩnh vững vàng của một người từng trải
- 2024-03-11 04:40:00
Lan tỏa phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở Thọ Xuân
Phát triển du lịch nông thôn: Hướng đi bền vững trong xây dựng nông thôn mới
Nắng cuối đông
Thiền ngữ thức tỉnh cho người bận rộn
Phó bảng Nguyễn Đôn Tiết – “Thủ lĩnh” phong trào Cần Vương trên đất Hoằng Hóa
Đặc sắc trang phục truyền thống các dân tộc xứ Thanh
Đồ cũ và hiện thực
Tháng ba yêu thương
Lục tìm ký ức
Phải kiên trì với giá trị cũ