(vhds.baothanhhoa.vn) - Tục ngữ Việt có câu Mưa không qua ngọ, gió chẳng đến mùi. Từ điển từ và ngữ Việt Nam (GS.NL) đưa ra dị bản “mưa không qua ngọ, gió không qua mùi” và giải thích: “Đây là kinh nghiệm của Nhân dân trong các trận bão, nhưng không hoàn toàn đúng”, đồng thời chú giải “Giờ ngọ và giờ mùi là vào buổi trưa”.

Mưa không qua ngọ, gió chẳng qua mùi

Tục ngữ Việt có câu Mưa không qua ngọ, gió chẳng đến mùi. Từ điển từ và ngữ Việt Nam (GS.NL) đưa ra dị bản “mưa không qua ngọ, gió không qua mùi” và giải thích: “Đây là kinh nghiệm của Nhân dân trong các trận bão, nhưng không hoàn toàn đúng”, đồng thời chú giải “Giờ ngọ và giờ mùi là vào buổi trưa”.

Mưa không qua ngọ, gió chẳng qua mùi

Cách giải thích này có mấy điểm đáng bàn:

- Thứ nhất: Giờ ngọ là từ 11 giờ đến 13 giờ, đúng là “vào buổi trưa”, tuy nhiên, giờ mùi từ 13 giờ đến 15 giờ, đã sang nửa chiều, thì không thể gọi là “buổi trưa” được.

-Thứ hai: Đây không phải kinh nghiệm về “các trận bão”, mà là nhận định về quy luật mưa gió thông thường trong một ngày.

Vế một, “mưa không qua ngọ”, được hiểu nếu cơn mưa bắt đầu từ buổi sáng thì thường không kéo dài quá trưa; tục ngữ gần nghĩa: Sáng ướt áo, trưa ráo thóc; Sáng mưa, trưa tạnh; Sáng mưa, trưa nắng; Mưa sáng mai, mài rựa đi rú. Câu nói quen thuộc trên các bản tin dự báo thời tiết “trưa chiều giảm mây trời nắng” chính là phản ánh quy luật của những cơn mưa sáng.

Không chỉ người Việt, mà người Tày cũng có những đúc kết tương tự: “Mưa sớm thì ở nhà giặt chăn” [Phân dạu giú rườn rắc và]; “Mưa buổi sớm thì thóc đổ ra phơi ở dàn.” [Phân dạu khẩu thác dàn], đều có nghĩa: mưa buổi sáng thì trưa sang chiều sẽ tạnh nắng, nên vẫn còn thời gian phơi chăn, phơi thóc. Câu tục ngữ Việt này còn được diễn đạt bằng chữ Hán là Vũ bất quá ngọ - (Mưa thường không kéo dài quá giờ ngọ).

Vế hai, “gió chẳng đến Mùi”, thì “gió” đây không phải “các trận bão” (vì bão tan phụ thuộc vào tốc độ di chuyển và thời điểm “đổ bộ” vào đất liền chứ không căn cứ vào giờ nào, sáng hay chiều), mà là gió mùa Đông Bắc: Sáng sớm gió lạnh thổi mạnh hun hút qua buổi trưa, nhưng đến nửa chiều thì bắt đầu sẽ lặng dần, bởi thế, có câu Bấc lặng hôm, nồm lặng mai. Ngược lại với gió Bấc là gió Nồm: “Gió Đông nồm chiều hôm thổi lại” - Đại Nam Quấc âm). Như vậy, “gió” và “mưa” trong câu tục ngữ hoàn toàn không phải “kinh nghiệm” dự đoán thời tiết “trong các trận bão” như tác giả Từ điển từ và ngữ Việt Nam giảng.

Trong số các cuốn từ điển chúng tôi có trong tay, thì Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Vũ Dung - Vũ Thúy Anh - Vũ Quang Hào) giảng cơ bản là đúng: “mưa chẳng qua ngọ, gió chẳng quá mùi [Sáng mưa trưa nắng; Sáng mưa trưa tạnh; Sáng ướt áo trưa ráo thóc] Gngh: Nắng sớm thì đi trồng cà, mưa sớm thì ở nhà phơi thóc. (giờ ngọ: từ 11 giờ đến 13 giờ; mùi: từ 13 giờ đến 15 giờ). Một kinh nghiệm về thời tiết: buổi sáng có mưa cũng không kéo dài quá trưa, gió không kéo dài quá hai ba giờ chiều”(*).

Hoàng Trinh Sơn (CTV)

(*) Về mặt văn bản, Từ điển thành ngữ tục ngữ - ca dao Việt Nam (Việt Chương - NXB Đồng Nai - 1998), đưa ra bản “Mưa không qua ngọ, gió không qua mùi”; Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Vũ Dung - Vũ Thúy Anh - Vũ Quang Hào - NXB Văn hóa Thông tin, 2000), đưa ra bản “Mưa chẳng qua ngọ, gió chẳng đến mùi”. Tuy nhiên, bản chính xác phải là “Mưa KHÔNG qua Ngọ, gió CHẲNG đến Mùi”. Bởi vì dân gian thường chọn cách nói có vần điệu, đăng đối chặt chẽ để đặt nên thành ngữ tục ngữ, tạo hiệu quả khi truyền đạt và dễ thuộc dễ nhớ. Trong câu tục ngữ đang bàn, thì “mưa” đối với “gió”, “không” đối với “chẳng”, “qua” đối với “đến”, “Ngọ” đối với “Mùi”. Cuối cùng, cũng cần nói thêm, “Mưa không qua ngọ, gió chẳng đến mùi” là tục ngữ (đúc kết kinh nghiệm về thời tiết), chứ không phải “thành ngữ” như từ điển của Việt Chương chú thích.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]