(vhds.baothanhhoa.vn) - Lễ hội Chá Mùn là một trong những lễ hội tín ngưỡng dân gian đặc sắc, tiêu biểu nhất của tộc người Thái đen ở xã Yên Thắng (Lang Chánh).

Đặc sắc Lễ hội Chá Mùn

Lễ hội Chá Mùn là một trong những lễ hội tín ngưỡng dân gian đặc sắc, tiêu biểu nhất của tộc người Thái đen ở xã Yên Thắng (Lang Chánh).

Đặc sắc Lễ hội Chá MùnLễ hội Chá Mùn ở xã Yên Thắng. Ảnh: TƯ LIỆU

Theo lời kể của các bậc cao niên xã Yên Thắng, từ xa xưa con người ở trần gian (Mường Lúm), thường xuyên bị dịch bệnh, ốm đau, không có thuốc cứu chữa. Để cứu giúp dân làng, đồng bào dân tộc Thái đen đã cử người lên Mường Trời cầu cứu. Pó Then - người cai quản Mường Trời, có đầy đủ tài năng tạo ra đất, nước và muôn loài, trong đó có loài người. Lời kêu cứu của người Mường Lúm đã làm Pó Then động lòng thương xót và ra lệnh mở cổng trời cho quân lính, thần y xuống trần gian diệt trừ ma quái, chữa bệnh cứu người. Sau khi được Pó Then cứu sống, tổ tông người Thái đen đã cử mo Mùn lên Mường trời tạ ơn và xin học bí quyết chữa bệnh. Sau khi mo Mùn học xong các bài thuốc, Pó Then yêu cầu, nếu chữa trị 120 người khỏi bệnh, phải làm lễ tạ ơn ông. Ghi nhớ lời căn dặn, hàng năm mo Mùn tổ chức Lễ hội Chá Mùn để tạ ơn Pó Then và cầu mong cho Nhân dân trong vùng khỏe mạnh, mùa màng bội thu, mọi nhà hạnh phúc.

Vào tháng 10 (âm lịch) hằng năm, mo chủ chọn ngày đẹp nhất để tổ chức Lễ hội Chá Mùn và cho người đến nhà Lúc May (người bệnh được các mo Mùn chữa khỏi bệnh) báo tin. Bằng lòng thành kính, biết ơn người đã cứu mình thoát khỏi bệnh tật, Lúc May chuẩn bị đồ lễ, cùng với gia đình mo chủ tổ chức lễ hội. Để tiến hành các nghi lễ, mo chủ mời từ 4 - 6 người là các mo Mùn đến giúp mình tổ chức. Đúng ngày làm lễ, Lúc May từ các bản, trang phục sặc sỡ, đầu đội lễ đến nhà mo chủ làm lễ tạ ơn Pó Then. Khi Lúc May và Nhân dân trong bản tập trung đông đủ, mo chủ cử hành nghi lễ nhận đồ lễ và báo cáo lên Pó Then. Lễ vật cúng phải chuẩn bị đủ 31 mâm cỗ, trong đó, một mâm cỗ chính đặt gần cửa sổ gian giữa ngôi nhà, 30 mâm phụ gồm các loại hoa quả như chuối, mía, khoai lang, khoai sọ, cá nướng, xôi, thịt gà, thịt lợn, rượu...

Lễ hội Chá Mùn gồm nghi lễ mời Pó Then và linh hồn các thầy mo Mùn quá cố, gọi vía người bệnh về tham dự; đón người cai quản địa phương, khách tham dự; tổ chức các trò chơi, trò diễn. Cuối cùng là tiễn Pó Then, các linh hồn mo Mùn trở về Mường trời, chia tay và hẹn gặp nhau vào mùa lễ hội sau.

Ông Lương Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Yên Thắng, cho biết: “Lễ hội Chá Mùn có từ lâu đời, là nét văn hóa truyền thống mang đặc trưng sắc thái văn hóa dân tộc Thái đen, xã Yên Thắng. Từ năm 1945 do ảnh hưởng của chiến tranh, đời sống Nhân dân đói khổ, khiến lễ hội bị lãng quên. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, cấp ủy, chính quyền xã Yên Thắng khuyến khích các mo Mùn tổ chức Lễ hội Chá Mùn để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái đen. Năm 2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Lang Chánh phục dựng thành công lễ hội này. Năm 2019, xã Yên Thắng đã tổ chức Lễ hội Chá Mùn với quy mô cấp xã và quy định 3 năm tổ chức một lần. Với những giá trị nhân văn sâu sắc, xã Yên Thắng đã làm hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận Lễ hội Chá Mùn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm nay, xã Yên Thắng có chủ trương tổ chức Lễ hội Chá Mùn vào tháng 11. Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, vì vậy việc tổ chức lễ hội sẽ lùi lại thời gian thích hợp”.

Ông Vi Văn Đín, Mo chủ trong Lễ hộ Chá Mùn ở bản Vần Ngoài, xã Yên Thắng, chia sẻ: Trước kia, địa điểm tổ chức Lễ hội Chá Mùn là ở nhà của mo Mùn, không gian chật hẹp, khiến cho các hoạt động nghi lễ và phần hội bị hạn chế. Từ khi xã Yên Thắng tổ chức lễ hội tại sân vận động, không gian rộng rãi nên việc cử hành các nghi lễ thuận lợi hơn, thu hút đông đảo Nhân dân trong xã, các vùng lân cận tới tham gia. Đến với lễ hội, ngoài việc cầu an, cầu phúc, bà con còn được tham gia các trò chơi, trò diễn dân gian như múa cây bông, ném còn, nhảy sạp, chơi cù, khua luống, bắn nỏ... Đáng chú ý là trò diễn múa xung quanh cây bông đã tái hiện sinh động những hoạt động sản xuất, sinh hoạt của đồng bào Thái đen, thu hút đông đảo người dân hào hứng tham gia.

“Lễ hội Chá Mùn xã Yên Thắng là một trong những lễ hội văn hóa tín ngưỡng của người Thái đen. Lễ hội còn là dịp để đồng bào các dân tộc cùng hội tụ giao lưu, hiểu biết lẫn nhau, khơi dậy niềm tự hào truyền thống văn hóa, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong thời gian tới, huyện Lang Chánh tiếp tục chỉ đạo xã Yên Thắng tổ chức Lễ hội Chá Mùn, nhằm giáo dục ý thức, trách nhiệm cho các thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa của ông cha. Đồng thời đưa lễ hội này trở thành sản phẩm du lịch tâm linh độc đáo của huyện Lang Chánh, thu hút ngày càng đông đảo du khách đến tham quan và trải nghiệm”, bà Lê Thị Thiết, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lang Chánh cho biết.

Bài và ảnh: Xuân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]