(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Năm lại năm, cứ vào dịp mùng 7 tháng Giêng là lễ hội văn hóa Mường làng Lú Khoen, mường Rặc, xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc lại mở hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đánh thức lễ hội dân gian Mường ở làng Lú Khoen

(VH&ĐS) Năm lại năm, cứ vào dịp mùng 7 tháng Giêng là lễ hội văn hóa Mường làng Lú Khoen, mường Rặc, xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc lại mở hội.

Vùng văn hóa với truyền thuyết nơi có đồi Dâu (tiếng Mường là Tô), nữ thần Dạ Dần dạy trồng dâu, nuôi tằm, làm khung cửi, cách thức dệt go, ươm tơ, kéo kén, làm nên bao nhiêu tấm lụa tơ óng vàng với nhiều hoa văn tạc hình cây quả, chim muông, hoa lá truyền từ đời xưa đến ngày nay cho rực rỡ hoa văn Mường lộng lẫy và hấp dẫn. Vùng núi đồi làng quê trồng dâu nuôi tằm, dệt cửi Lú Khoen lại rậm rịch du khách đến từ các làng bản như Ngù, Chẹ, Riếng, Bèo, Mạ, Ràm, Vong, Zuộng, Ro, Phống, Giao, Ti Ti, Lim, Đồi Đỏ, Chiềng, Me của Mường Rặc và người các Mường Lập, Yến, Ngòn, Tạ góp mặt và người ở Kim Ơi, Zồ huyện Cẩm Thủy cũng kéo đến, họ mang theo những quả còn, cái ná, cồng chiêng với những làn điệu dân ca Mường: Xường, Rang, Pộ mẹng, những bài ca mới cangợi quê hương đổi mới, giàu đẹp để thi tài, góp vui cùng hoan ca mừng mùa xuân mới. Tiếng trống chiêng ngân vang lên chóp núi Tô, núi Riếng, núi Tam, núi Háo loan tin vui đến trời đất rằng có ngày thiêng để dân làng Lú Khoen đón khách.

Đường xa lộ Hồ Chí Minh hôm nay có phần nhộn nhịp và đông nghịt người qua lại. Từng đoàn ô tô xuyên Việt nối đuôi nhau dừng tốc độ nhường đường cho những giàn cồng, cây hoa, cùng những tà áo khóm, váy Mường tha thướt. Thiếu nữ Mường rạng rỡ trong những tua xanh, tua vàng, đỏ tím của chiếc khăn rặng để tung ra khi nhập vào vòng xòe của hội múa vờn hoa quanh cây bông tạo tác nên chín tầng, mười hai, mười lăm tầng.

Sân bãi khu vực nhà văn hóa làng rộng thoáng chừng năm mẫu đất đã dần kín trai thanh, nữ tú và những nhóm đô vật, gà chọi, cà kheo, đánh mẳng, kéo co… từ nhiều hướng đường mòn tràn về háo hức và thách thức các đội hình chủ cuộc. Cờ hội, cờ đỏ sao vàng như những bông hoa đỏ tung bay báo tin vui và linh thiêng. Giàn cồng chiêng phường chúc, phường bùa râm ran, rạo rực thôi miên lòng người và những nóc nhà tỏa khói lan tỏa hương cơm nếp đồ. Các khu vực phân chia ranh giới được ước lệ bằng những tràng vỗ tay của đám người cổ động viên vây quanh vòng trong, vòng ngoài. Sân thi cà kheo hừng hực tiếng hò reo “Tiến! Tiến! Vượt lên nào! Kìa cà kheo đổ dốc ”. Hai người cà kheo đối phương chạm trán nhau rồi đổ ễnh trên sân bãi. Khi kheo thủ nào đá trúng đích vào lưới đối phương thì tiếng trống ghi điểm lại vang lên. Bên tán cây si choãi cành để làm chỗ giăng giàn cồng lên thì những cồng thủ hăm hở ghi tên vào thử sức, thử tài. Nhiều hơn là những cồng thủ phụ nữ, các mẹ, các chị, các thiếu nữ Mường sẵn sàng múa lượn dùi cồng như chớp, như cánh chim bay để trổ tài đan cài nhịp cồng luyến láy. Có giàn cồng đôi đánh theo nhịp bổ rìu giấm dẳng. Giàn cồng ba chiếc gõ lên róng riết nhịp của sấm, chớp, tiếng ve ran, suối thác đổ hồi. Du khách cũng ghi tên và được nhập vào đội hình thi đánh cồng chiêng. Cô gái từ thành phố Hồ Chí Minh vừa thi mặc váy áo Mường được bà con vỗ tay khen mặc đẹp và rỡ ràng như cô gái Mường thực thụ đã lại ào sang đám trò trống chiêng, cùng múa dùi cồng, cũng miệng hò cồng, hô chiêng ú òa. Bà Phạm Thị Bông 78 tuổi, nghệ nhân đã từng giật giải thi đánh cồng chiêng nhiều năm, nhiều cuộc thi đang uốn nắn từng nhịp phách cho cồng thủ khách. Thế là tiếng cồng dỏn, cồng nài, cồng mời, cồng ướm, cồng thách lần lượt rung reng dồn thúc và hứng khởi từ nhịp dùi cồng thiêng liêng mà du khách gửi trao. Bên kia sân cỏ là tiếng reo hối hả, dồn thúc của đám trò đánh mẳng. Vẫn là những tà váy áo Mường xen lẫn quần phăng, áo tân thời cùng chia tốp thay nhau liệng đồng mẳng, co chân, múa tay, hít hà khi đồng mẳng văng ra xa tầm tim đích tung hứng. Hai tốp thi kéo co với trang phục đỏ và vàng cuộn dây song dài trong tay. Tiếng hô của chủ trò kéo co vừa dứt thì cả hai bên chùng chân, bậm môi, cười tóa lóa, cật lực kéo và kéo cho đối phương ngã gục. Loa vang vọng với cuộc thi tài hát dân ca Mường Xường, Rang, Pộ mẹng. Nghệ nhân dân gian các vùng mường khách chen vai, xếp nón đợi đến lượt trổ tài ứng vận, đối đáp xường thăm, xường nài, xường thách, xường cu nhu, cóp nhóp, xường đố, rồi xường chào, xường hẹn hò sang năm lại gặp nhau.

Phụ nữ Mường vui đánh cồng chiêng, múa cây bông.

Còn đám chọi gà, thi bắn nỏ đan cài trong tiếng cồng thúc, loa hô, người hú reo hò càng như thôi miên cặp gà chọi đang gồng mình dương oai, diệu võ. Những ná thủ lăm lăm hướng mũi tên, hướng nỏ về phía giàn bia. Mỗi khi có mũi tên xuyên tâm vòng 9, vòng 10 là những tràng cồng, trống lại rúc lên rộn rã. Trò bịt mắt vào thi đập trã đất thu hút nhiều đám trai làng, du khách nữ cũng nhập cuộc.Bịt thủ nào loạng quạng đập choang vào chỗ trống không là trọng tài thổi còi báo dừng. Bịt thủ có vung dùi đập trúng trã đất là dậy sấm tiếng hò reo tán thưởng.

Sân tung còn lại thu hút những còn thủ thập phương chen vai, sát cánh để vung tay đón bắt lấy những quả còn của người bên kia tung lại. Quả còn uốn lượn như rồng bay, chim lượn. Khi thì quả còn lạng lách vượt vòng ngoài, khi thì quả còn lao trúng tâm tròn vòng đích. Ai đón bắt quả còn của ai thì đã nhắm vào phía đối phương “chọn mặt, gửi còn” rồi biết ý, trao lời hẹn ước.

Lễ hạ nêu của bản Mường vào dịp mùng 7 tháng giêng quả là rước đón mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, an khang thịnh vượng và năm tới bản Mường sẽ hoan ca trong nhịp sống đổi mới và hội nhập. Cây nêu Mường hôm nay tầm cao là tột cùng của cây song, cây luồng may hoặc bằng cây hóp đã khoác thêm màu sắc mới. Lá cờ đỏ sao vàng treo chếch 45 độ thay chiếc áo nhà Phật Bà hay còn gọi là Mệ Vua Woàng Bà cùng con dân đất mường muôn nơi gia nhập các đội quân đánh ma quỷ. Đội quân nào cũng có cồng chiêng, tấu lên náo động, ma quỷ thua chạy tán loạn. Dưới lá cờ Tổ quốc là những linh vật đời thường như công cụ, chim thú đẽo từ gỗ mềm, hoặc đan từ nan tre, nan giang, như: cày, bừa, cuốc, dao, liềm, súng, nỏ, chim quạ, công, cò,... đó là những thứ từ dân gian truyền lại có ý để báo hiệu cho ma quỷ đừng đến quấy phá cuộc sống con người. Vớiý niệm rằng: “Hãy coi chừng, nơi đây sẵn sàng đánh tan những mưu mô tàn phá, tàn độc…”.

Ngày hội làng văn hóa Lú Khoen đánh thức những vốn văn hóa truyền thống dân tộc Mường cần được bảo lưu, giữ gìn truyền dạy từ đời xưa đến hôm nay và cho muôn đời sau cùng hòa nhịp với truyền thống văn hóa của 54 dân tộc anh em trong cả nước. Nguyện giữ bền, phát huy, phát triển nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc xứng đáng là vườn hoa trăm sắc ngàn hương của Tổ quốc Việt Nam.

Vương Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]