(vhds.baothanhhoa.vn) - Họ là những cán bộ ở các đội chiếu phim lưu động của Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) lọc cọc chiếc xe máy với đống đồ đạc để đưa những bộ phim - món ăn tinh thần đến với Nhân dân vùng sâu, vùng xa.

Dấu ấn cán bộ văn hóa cơ sở ở miền núi: Cõng phim lên bản

Họ là những cán bộ ở các đội chiếu phim lưu động của Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) lọc cọc chiếc xe máy với đống đồ đạc để đưa những bộ phim - món ăn tinh thần đến với Nhân dân vùng sâu, vùng xa.

Dấu ấn cán bộ văn hóa cơ sở ở miền núi: Cõng phim lên bảnNhững thước phim về lãnh tụ giúp bà con hiểu hơn về sự nghiệp cách mạng của Đảng và công cuộc đấu tranh gìn giữ quê hương, đất nước. (Ảnh tư liệu)

"Hành quân tối chiếu"

Theo chân Đội chiếu phim số 3 của Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thanh Hóa, chuyến đưa phim về với huyện Quan Sơn thật vất vả, chiếc xe máy rìn rìn gằn gặt không còn đủ sức để leo dốc. Anh Trịnh Ngọc Đỉnh, Đội trưởng nói: “Đường sá giờ “ngon” đấy, chứ chục năm về trước thì thôi rồi, đi bộ còn khó, nói gì đến xe”.

Anh nhớ lại câu chuyện vào khoảng thời gian năm 2013 - 2014, khi đội chiếu phim của anh về với bản Khà, cách trung tâm xã Sơn Thủy (Quan Sơn) khoảng 20km. 3 cái xe máy cà tàng chỉ lên được đến UBND xã. Vì thế, xã phải huy động bà con Nhân dân đến khênh xe và đồ đạc lên bản. 20km đường rừng ấy, cả đoàn đi từ sáng sớm đến 1-2 giờ chiều mới tới nơi. “Lên đến nơi không có gì ăn, cán bộ biên phòng phải kiếm mì tôm, tát cá để khách ấm bụng. Đêm xuống, thời tiết thay đổi, rất nhanh thôi, cơn lốc ngang qua cuốn theo mười mấy nóc nhà. Đoàn chúng tôi vội di chuyển hết đồ đạc xuống gầm nhà sàn ở. Có tận mắt chứng kiến mới thấy sự khó khăn của đồng bào miền núi, mới thấy công việc của mình thật ý nghĩa. Để rồi sau khi dẹp dọn xong những hậu quả cơn lốc để lại, chúng tôi bắt tay vào chuẩn bị sân bãi “chiêu đãi” bà con. Thay vì 2 buổi chiếu theo kế hoạch, chúng tôi đã chiếu 4 buổi, thế mà bà con vẫn chưa thỏa mãn. Đêm cuối cùng ấy, họ ngồi, ngồi lại thật lâu, dù đêm đã khuya”, anh Đỉnh kể.

Trên đường “hành quân tối chiếu ấy” những thành viên của đội chiếu phim lưu động càng hiểu hơn sự khó khăn của đồng bào. Nhiều bản làng đến nay vẫn chưa có điện lưới, đường sá dù được bê tông hóa nhưng chưa đồng đều. Điều quan trọng nhất của các đội chiếu phim không phải là khắc phục khó khăn mà phải nắm vững địa hình và đo thời tiết. Có những đợt chiếu, như năm 2018, khi trận lũ lịch sử ập đến, các thành viên Đội chiếu phim số 3 (khu vực Quan Sơn, Quan Hóa) và Đội số 6 (Mường Lát, Quan Hóa) đã phải ở lại địa phương gần 1 tháng.

“Trong những khó khăn đấy, tôi càng thêm yêu nghề. Tình nghĩa của bà con khiến chúng tôi càng trách nhiệm hơn với công việc. Mặc dù hiện nay công nghệ thông tin đã được phủ sóng, nhưng mỗi khi nghe tin sẽ có đoàn chiếu phim về, bà con đều hồ hởi, tạo điều kiện. Vì thế dù chúng tôi đến đâu cũng được địa phương nói: Riêng với đơn vị chiếu phim, bà con có thể nuôi cả tuần”, anh Trịnh Ngọc Đỉnh chia sẻ.

Nỗ lực để trân trọng nghề

Sinh năm 1983, Lê Thế Chuyên là cán bộ tuyên truyền của Đội chiếu phim số 6, người trẻ nhất trong những người đưa phim lên các bản vùng núi cao. Kể từ sau khi vào Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng năm 2012, anh là cán bộ phụ trách địa bàn Mường Lát và địa bàn Quan Hóa. Mỗi năm, nhiệm vụ của các anh là chiếu đủ 190 buổi, đồng nghĩa với 17 buổi/tháng. Anh chia sẻ: "Gần 10 năm bám bản, không một bản làng nào trên địa bàn này tôi chưa tới. Hễ nhìn thấy 3 ông, phía sau xe máy đèo 2 thùng máy chiếu, 1 thùng máy nổ, là bà con biết chuẩn bị được xem phim miễn phí”.

Khó khăn không ít và niềm vui đến cũng rất nhiều. Hơn hết, anh Chuyên và những người chiếu bóng đã mang được những thước phim chính thống để bà con hiểu được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không lung lay trước luận điều sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù định.

“Sau một buổi chiếu, chúng tôi thường ngồi lại uống nước trao đổi với già làng, trưởng bản để nắm bắt được tâm tư của người dân và chính quyền, từ đó phản hồi xuống đơn vị để lồng tiếng những chương trình phù hợp. Khó khăn nhất chính là ngôn ngữ. Địa bàn hoạt động có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, như: Mông, Khơ Mú, Thái, Mường...”, anh Chuyên cho biết.

Muốn gắn bó lâu dài với địa bàn của mình, thấu hiểu sự bất đồng ngôn ngữ sẽ cản trở công việc rất nhiều, anh Trịnh Ngọc Đỉnh đã tự học tiếng Thái. Anh có thể nghe nói thoải mái với người Thái, hiểu và nói tiếng Mông, tiếng Mường bằng giao tiếp đơn giản. Vì thế mà dù tuổi đã cao, nhiều lần cơ quan cũng muốn tạo điều kiện để anh thay đổi địa bàn, về gần nhà hơn. Nhưng để tìm được một người biết tiếng, hiểu được phong tục tập quán của đồng bào, hòa đồng với công việc như anh thì rất khó.

"Gần hết cuộc đời làm viên chức, cũng chẳng có thay đổi gì"

Một tháng, anh Lê Thế Chuyên có ít nhất 20-25 ngày trên địa bàn huyện Mường Lát, Quan Hóa, vợ là giáo viên mầm non, công việc bận rộn cả ngày. Mọi việc trong gia đình, kể cả chăm sóc 2 đứa con nhỏ đều phải nhờ ông bà, anh em gần nhà. Đời sống khá khó khăn, hiện anh Chuyên đang hưởng hệ số lương tương đương 4,5 triệu đồng/tháng. Cộng cả phụ cấp lưu động, tổng anh có 5 triệu đồng/tháng. Anh cười đùa: “May mắn là ở miền núi, không phải tiêu đến tiền, thỉnh thoảng bảo dưỡng cho chiếc xe máy tí dầu tí mỡ. Vợ tôi hiểu nghề này, đưa bao nhiêu, quý bấy nhiêu”.

Dấu ấn cán bộ văn hóa cơ sở ở miền núi: Cõng phim lên bảnAnh Trịnh Ngọc Đỉnh, Đội trưởng Đội chiếu phim số 3 (Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thanh Hóa) giới thiệu phim trước giờ chiếu. (Ảnh tư liệu)

Với gần 40 năm tuổi Đảng, anh Trịnh Ngọc Đỉnh khá bằng lòng và chấp nhận cuộc sống. Điều anh băn khoăn nhất là sự cào bằng trong chế độ chính sách của anh em đóng trên các huyện vùng cao so với anh em ở vùng dưới. Điều đó làm nhiều anh em không thoải mái, rất tủi thân. Sinh năm 1961, chỉ còn vài tháng nữa là nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội, nhưng vì xuất phát điểm lương sơ cấp nên đến nay tổng tiền anh được hưởng là 5,5 triệu đồng/tháng, bao gồm 5 triệu đồng tiền lương và 500 nghìn đồng phụ cấp. Anh chia sẻ: "Chúng tôi cả tháng ở vùng cao nhưng không được hưởng chính sách khí hậu. Ngoài ra, chế độ thu hút cán bộ công tác miền núi cũng không có. Trong nhiều cuộc họp, tôi là một trong những người có ý kiến rõ ràng, lãnh đạo cũng lắng nghe. Nhưng đến nay, gần hết cuộc đời làm viên chức, cũng chẳng có thay đổi gì. Các bạn trẻ phải lăn lộn để kiếm thêm thu nhập, còn tôi già rồi, thỉnh thoảng về nhà là giành thời gian trông cháu”.

Căn cứ theo Thông tư số 11/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội “Ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm”, chiếu phim lưu động ở khu vực miền núi nằm trong danh mục này. Thực tế thì chế độ đãi ngộ (lương, phụ cấp) dành cho cán bộ, nhân viên công tác tại các đội chiếu phim lưu động thực sự rất khó đáp ứng được cuộc sống. Sự bằng lòng của họ bởi họ quen với cuộc sống ấy và thấu hiểu sự vất vả khó khăn của những người làm văn hóa, thông tin.

Để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, đã 5 tháng nay, 7 đội chiếu phim lưu động của Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thanh Hóa tạm dừng hoạt động. Nhớ nghề, nhớ ánh mắt chờ đợi của bà con. “Chúng tôi may mắn là có hai ngôi nhà. Về với bản là về với nhà mình”, câu nói của anh Trịnh Ngọc Đỉnh thêm một lần nữa khẳng định tình yêu của anh và các đồng nghiệp với công việc, sự ấm áp tình nghĩa của đồng bào các dân tộc trên mảnh đất xứ Thanh.

Kiều Huyền


Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]