(vhds.baothanhhoa.vn) - Truyện ngắn "Tết đảo" được chọn làm tên chung cho cả tập. Dù tác giả không nêu hẳn địa danh nhưng người đọc nhận ra ngay đảo Hòn Mê trong những năm chiến tranh chống Mỹ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dấu ấn xứ Thanh trong “Tết đảo”

Truyện ngắn "Tết đảo" được chọn làm tên chung cho cả tập. Dù tác giả không nêu hẳn địa danh nhưng người đọc nhận ra ngay đảo Hòn Mê trong những năm chiến tranh chống Mỹ.

1. Phần đông những người sáng tác văn học nghệ thuật, ngoài việc xác lập cho mình một phong cách, một hệ thống ký hiệu học: ngôn từ với văn chương; màu sắc với hội họa; hình ảnh, montage với nhiếp ảnh, điện ảnh... đều gắn với một miền đất, một vùng ký ức quen thuộc. Ví dụ với Nguyễn Bính, là vùng đồng quê với những người nông dân thao thiết gìn giữ những giá trị chân quê đến mức qụy lụy “Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa/ Như hôm em đi hội chùa...” (Chân quê); với Đoàn Văn Cừ là phiên chợ làng cuối năm họp đến nửa đêm, nhất thiết phải có “Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết/ Con gà trống mào thâm như cục tiết” (Chợ tết); Lê Lựu, từ những ghi nhận xuất hiện đầu tiên trên văn đàn với các truyện ngắn Người cầm súng, Người về đồng cói đến thành công vang dội như Thời xa vắng đều có dấu ấn của vùng quê lam lũ“Oai oái như Phủ Khoái xin tương”...

2. Với tập truyện ngắn Tết đảo vừa được Nxb Thanh niên ấn hành cuối năm 2019, nhà văn Lê Ngọc Minh cũng có một vùng ký ức được hồi quang trong phần lớn 13 truyện ngắn. Đó là xứ Thanh, quê hương của nhà văn.

Trước hết là truyện ngắn Tết đảo, truyện được chọn làm tên chung cho cả tập. Dù tác giả không nêu hẳn địa danh nhưng người đọc nhận ra ngay đảo Hòn Mê trong những năm chiến tranh chống Mỹ. Hòn đảo tiền tiêu phía Đông Nam Thanh Hóa có thứ đặc sản mà ai dù chỉ đến một lần cũng khó quên: đó là chim cu ghì và cây kim cang.

Truyện về đề tài lịch sử Khoảnh khắc thánh minh với những nét hào sảng đầy trăn trở trong đạo làm Vua của Lê Thánh Tông thế kỷ thứ 15 trước kỷ cương phép nước và những ấm lạnh của bách tính có những địa chỉ cụ thể như quê ngoại Đức Vua ở làng Đồng Bàng, huyện Yên Định, động Long Quang ở núi Rồng mà Thiên Nam động chủ Lê Thánh Tông đã đề thơ. Truyện Thầy giáo dạy sử, với những chấm phá khá linh hoạt một dải địa danh của xứ Thanh, nơi các anh hùng dân tộc như Lý Thường Kiệt, hai Vua Trần - Thánh Tông, Nhân Tông, thái sư Trần Nhật Duật, Đức Hoàng đế Quang Trung... đã đi qua gắn với câu ca dao nổi tiếng “Qua Chiêng rồi lại sang Giàng/ Qua bến Đông Thổ đến làng Đình Hương/ Anh đi theo chúa Tây Sơn”...

Trong các truyện về đề tài đời thường như: Cá he đã lên, Chú Thuần, Cuối ngày tất niên..., bước chuyển số phận của các nhân vật thường gắn với một số vùng đất nổi tiếng của Thanh Hóa. Cô Ngân Anh (Cá he đã lên) nhân một chuyến đi nghỉ mát ở Sầm Sơn nhờ gặp lại những người bạn học mà xóa được mặc cảm tự thân và còn tận thấy cá he nổi lên từng đàn ở cửa Lạch Trào, báo hiệu điều may mắn hanh thông. Gia đình ông Đới Văn Nò, một quan chức đầu ngành của tỉnh về quê ăn tết và “nghĩ mãi không ra” cách làm lễ thượng thọ tuổi tám mươi cho cha sao cho có sự đồng thuận cao nhưng rồi may có cô chủ nhiệm cũ, hiện là bà giáo già hưu trí đã gợi ý bằng một câu nói cửa miệng của người Thanh Hóa “Đánh nhau chia gạo, chào nhau ăn cơm” mà ông này có được chiếc chìa khóa hiếu đễ, mở ra đôi cánh cổng khó khăn tưởng như vô vọng, làm được lễ thượng thọ vừa tôn kính cha, vừa hòa thuận với anh chị em cốt nhục trong nhà.

Truyện ngắn Nữ tính, tác giả viết về tình yêu lứa đôi vô cùng đắm say giữa một người lính pháo cao xạ và một cô giáo dạy văn cấp 2 trong thời khắc chiến tranh khốc liệt nhất. Người đọc gặp trong truyện những con người và lối sống thời chiến của họ ở Hàm Rồng, Núi Nhồi và cả ở làng Trạng Quỳnh (Hoằng Hóa), một ngôi làng văn hiến mà nhân vật chính là Mạnh đã phải thốt lên: “Chiến tranh khốc liệt là vậy, gió bấc hùn hụt là vậy mà các học trò đầu đội mũ rơm vẫn túm tụm ở các góc sân có hầm chữ A chăm chỉ học bài; hai bên đường làng, thiếu nữ da trắng, tóc mây ngồi bên khung cửi tay thoăn thoắt đưa thoi dệt lụa; ở miếu văn chỉ, ở đình Bảng Môn của làng nhang khói đượm hương suốt ngày, lại có cả mấy cụ đồ sắp giấy điều tay lựa bút hoa cho chữ miễn phí người làng và mấy khách thập phương đến làng thăm thú” (tr.10);Lê Ngọc Minh còn kham sang cả lĩnh vực hình sự với truyện ngắn Tình tiết ngoại phạm được phân tích tâm lý nhân vật từ góc nhìn thi ca khá độc đáo, dựa vào mô típ một vụ án mạng có thật ở Thanh Hóa vào cuối thập niên tám mươi của thế kỷ trước và một bài thơ tình dân dã cũng được đông đảo người xứ Thanh truyền tụng “Ra biển anh say sóng/ Vào bờ say đất liền/ Cả đời say không đắm/ Đắm trong vòng tay em” (Thơ Nguyễn Xuân Sít).

3. Để dựng được những truyện ngắn mang dấu ấn xứ Thanh, Lê Ngọc Minh còn khá am hiểu ngôn ngữ giàu tính trạng, nhiều chi tiết tủm tỉm chất uy-mua mà người đọc dễ bắt gặp ở bất cứ loại nhân vật nào. Từ minh quân Lê Thánh Tông cho câu đối một người kinh kỳ làm nghề mót phân đêm giao thừa: “Khoác một áo bào đảm đang khó khăn thiên hạ/ Cầm ba thước kiếm tận thu lòng dạ thế gian” (Khoảnh khắc thánh minh, tr.184) đến cách hứa hão rồi đổ thừa tất cả cho rượu của nhân vật Pho trong truyện ngắn Rượu nói; từ người cảnh sát hình sự dẫn một bài thơ tình hóm hỉnh mà cảm hóa được một nghi can lì lợm trong truyện Tình tiết ngoại phạm đến cách khai trích ngang rất nghịch ngợm của nhân vật Sa trong truyện Chú Thuần. Thủ pháp cũng như thi pháp này làm cho không khí câu chuyện luôn sinh động, làm hấp dẫn độc giả bằng sự thú vị cả thị giác lẫn thính giác.

4. Là một người biên tập theo khuynh hướng đốt đuốc đi tìm bản thảo, tìm tác phẩm hay cho việc ấn loát xuất bản, vào năm 2016, đọc trên báo Văn nghệ, tôi gặp truyện ngắn Trinh nữ của nhà văn Lê Ngọc Minh đăng ngay trang 1. Truyện ngắn viết về một nữ sinh học giỏi tên là An, cô gái chưa vào đời đã có số phận truân chuyên vì mỗi cái tội xinh gái nhưng không chịu lấy em trai một người quyền thế trong làng làm chồng. An vượt qua mọi cản trở, mọi thua thiệt, thị phi để quyết đi học bằng được. Cô đã hy sinh cùng với hơn sáu mươi sinh viên các trường trung cấp, cao đẳng của tỉnh Thanh Hóa trong ngày 4/5 âm lịch năm 1972 trong khi đang đắp đê Nam Ngạn - Hàm Rồng. Đọc câu chuyện đầy cảm phục và thương đến ứa nước mắt trước số phận đầy bản lĩnh, đầy mơ ước cầu tiến của liệt sỹ An, tôi chủ động liên hệ với nhà văn và chọn truyện Trinh nữ, lấy tên đặt cho Tuyển Truyện ngắn hay do Nxb Quân đội nhân dân ấn hành năm 2016. Từ bấy đến nay, tôi đã biên tập bốn cuốn sách của nhà văn Lê Ngọc Minh, gồm hai tiểu thuyết và hai tập truyện ngắn. Xin mượn những lời vừa giới thiệu như một cơ duyên trên đây làm câu kết thúc bài viết về tập Tết đảo của Lê Ngọc Minh, một bút lực vạm vỡ đã và đang giành nhiều tâm huyết cho truyện ngắn, một dạng truyện ngắn luôn lấp lánh chi tiết, tình tiết rói tươi của đời sống và bao kham được nhiều hiện thực, trong đó có vùng đất ĐỊA LINH NHÂN KIỆT - Xứ Thanh của ông.

Trần Đức Tĩnh


Trần Đức Tĩnh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]