(vhds.baothanhhoa.vn) - Hơn 30 năm qua được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ VHTT (nay là Bộ VH,TT&DL) ngành văn hóa với vai trò chủ lực đã phối hợp tốt với các cấp, các ngành tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, phong phú nên đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều chuyển biến tiến bộ, được đánh giá là tỉnh có phong trào mạnh trong toàn quốc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Hơn 30 năm qua được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ VHTT (nay là Bộ VH,TT&DL) ngành văn hóa với vai trò chủ lực đã phối hợp tốt với các cấp, các ngành tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, phong phú nên đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều chuyển biến tiến bộ, được đánh giá là tỉnh có phong trào mạnh trong toàn quốc.

Đẩy mạnh xây dựng và phát triển đời sống văn hóa cơ sở

Từ xa xưa xứ Thanh đã nổi danh là vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng. Cộng đồng 7 dân tộc xứ Thanh là Kinh, Mường, Thái, Dao, Thổ, Mông, Khơ Mú có sắc thái văn hóa riêng biệt nhưng cũng có nhiều điểm tương đồng. Cùng chung sống ở mảnh đất địa đầu miền Trung với khí hậu khắc nghiệt, chịu ảnh hưởng của mưa lũ, bão dông đã tạo thành mối liên kết bền chặt giữa các tộc người trong các làng, thôn, bản... xã. Chính vùng đất với điều kiện sinh sống, làm ăn đó đã tạo nên tính cách của người xứ Thanh là cần cù chịu khó, bộc trực, lạc quan, có tấm lòng nhân hậu, thủy chung. Những nét đặc trưng này là cơ sở, điều kiện thuận lợi để những người làm công tác văn hóa, tư tưởng tổ chức triển khai việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn.

Thực tế lịch sử cho thấy mỗi dân tộc đều có những phong tục tập quán, loại hình, sắc thái văn hóa riêng. Để xây dựng đời sống văn hóa cơ sở thực sự thiết thực, hiệu quả với dân tộc, vùng miền đòi hỏi những người làm văn hóa phải điều tra, khảo sát, nghiên cứu tổng thể, toàn diện thì mới tạo được cách làm phù hợp với từng dân tộc, vùng miền, tầng lớp, lứa tuổi. Việc xây dựng, phát triển đời sống văn hóa cơ sở trước hết phải tiến hành ở mỗi gia đình, dòng họ, tộc người, vùng, miền. Đội ngũ cán bộ văn hóa phải là những người yêu nghề, năng động, sáng tạo. Họ phải là những con người có tầm hiểu biết sâu rộng với văn hóa từng tộc người, có kinh nghiệm tổ chức vận động quần chúng. Hơn nữa họ phải là những người nhiệt tình, tận tâm, biết “chắp lửa” để mọi người dân biết trân trọng tự hào vốn văn hóa truyền thống mà tổ tiên tạo dựng. Đồng thời họ cũng tích cực truyền bá tinh hoa văn hóa nhân loại để người dân biết tiếp thu, vươn tới những giá trị cao đẹp trong làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Với chức năng nhiệm vụ của mình những năm qua ngành VH,TT&DL đã tích cực chủ động tham mưu cho lãnh đạo tỉnh cũng như phối hợp tốt với các ngành, đoàn thể, huyện, thị, thành phố trong tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Nhiều mô hình hay nhiều phương thức hoạt động đa dạng, phong phú ở các làng, xã, huyện, thị đã được nhân rộng tạo khí thế lạc quan, tin tưởng của người dân với đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, Nhà nước. Việc chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa cơ sở luôn quan tâm đến bảo tồn, phát huy những thuần phong, mỹ tục, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Đồng thời kiên quyết bài trừ các tập tục lạc hậu nhất là trong việc cưới, việc tang lễ hội nhằm xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, văn minh trong cộng đồng. Để xây dựng, phát triển đời sống văn hóa cơ sở trước hết phải dựa vào lực lượng nòng cốt là các hạt nhân văn hóa ở làng, bản, xã, phường... sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, địa phương. Ngành văn hóa cấp tỉnh phải thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ hàng năm cho cán bộ các phòng, trung tâm văn hóa huyện, thị, cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách văn hóa ở xã, phường...

Thực tế những năm qua cho thấy nếu biết “thổi hồn” vào những giá trị văn hóa truyền thống thì ngườidân đều tự giác tham gia nhiệt tình mà không tính toán thiệt hơn. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay điều kiện kinh tế, ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng các địa phương vẫn luôn quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hoạt động văn hóa.

Điển hình là các huyện Yên Định, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Thạch Thành, Hậu Lộc, Nga Sơn, Đông Sơn... có nhiều tụ điểm sinh hoạt văn hóa khang trang. Nhờ những nỗ lực cố gắng trên đến nay toàn tỉnh có gần 5.500 nhà văn hóa làng, xã, gần 5.600 đội văn nghệ quần chúng, hàng ngàn CLB theo chuyên đề, sở thích, hàng ngàn thư viện, phòng đọc sách báo làng, xã, hơn 100 phòng truyền thống, nhà bảo tàng; 818 di tích được xếp hạng trong đó có 145 di tích quốc gia và 673 di tích cấp tỉnh. Hàng năm các cuộc liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng, thông tin cổ động, trưng bày triển lãm thành tựu KT-XH, trưng bày bảo tàng, tọa đàm giới thiệu sách đã góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, ngăn chặn và đẩy lùi các tiêu cực và tệ nạn xã hội trên địa bàn.

Trò chơi cờ người tại lễ hội khai ấn đền Lý Thường Kiệt thu hút nhiều người dân.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng phát triển đời sống văn hóa cơ sở

Trong xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đất nước ngày càng hội nhập sâu vào khu vực và thế giới. Chúng ta được tiếp thu thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, tinh hoa văn hóa nhân loại để xây dựng và phát triển đất nước hùng cường. Song, chúng ta cũng chịu nhiều tác động của mặt trái là lối sống thực dụng chạy theo đồng tiền, quên hết tình nghĩa, đạo lý thuần phong mỹ tục dân tộc. Nhiều sản phẩm phi văn hóa, “rác” văn hóa bằng nhiều con đường len lỏi thâm nhập vào địa bàn tỉnh. Tệ sùng bái thần tượng, đề cao văn hóa ngoại lai, coi thường văn hóa dân tộc, ăn mặc phản cảm trong biểu diễn, phát ngôn gây sốc ngày càng tràn lan trên mạng xã hội đã trở thành căn bệnh lan truyền trong một bộ phận giới trẻ, ngại lao động, học tập, thích đua đòi ăn chơi phóng túng, sa đọa. Hơn lúc nào hết những người làm công tác văn hóa, những chiến sỹ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng phải trui rèn bản lĩnh, đạo đức cách mạng. Họ phải biết “truyền lửa” vào tâm hồn, trái tim của mọi người nhất là giới trẻ để những chủ nhân tương lai của đất nước biết trân trọng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mà bao lớp ông cha ta đã dày công xây dựng, vun đắp suốt chiều dài văn hiến mấy ngàn năm của dân tộc. Ngoài bản lĩnh, đạo đức cách mạng, những cán bộ văn hóa phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, yêu nghề và say nghề.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng đời sống văn hóa hàng năm ngành VHTT&DL phải xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp thực sự thiết thực, hiệu quả với từng dân tộc, vùng miền, tầng lớp, lứa tuổi: Tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn ở cả tuyến tỉnh, huyện, thị, xã phường nhằm trang bị những kiến thức cần thiết, phương pháp công tác vận động quần chúng, cách thức tổ chức phù hợp với từng loại hình hoạt động văn hóa cơ sở. Tập trung xây dựng những hạt nhân văn hóa, những mô hình tổ chức hoạt động văn hóa cơ sở tiêu biểu từ đó nhân rộng trên địa bàn.

Không chỉ quan tâm xây dựng, phát triển đời sống văn hóa cơ sở ở các làng, thôn, xã, phường, Sở VH,TT&DL còn phối hợp tốt với công đoàn, các ngành, đoàn thể tổ chức tốt các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong các cơ quan, đơn vị vũ trang, doanh nghiệp. Quan tâm nâng cao chất lượng nội dung, đổi mới hình thức các cuộc liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng, liên hoan văn hóa các dân tộc (2 năm/lần), biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu... cuốn hút nhiều tầng lớp nhân dân tham dự. Các chương trình, tiết mục tham gia trong các cuộc liên hoan, hội diễn nghệ thuật thường niên của các ngành, đoàn thể, địa phương đã có sự kết hợp hài hòa trong khai thác vốn văn hóa truyền thống và sinh hoạt văn hóa hiện đại. Nhiều địa phương, các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở đã tổ chức các buổi giáo dục văn hóa truyền thống, tổ chức tham quan bảo tàng, di tích để các em nuôi dưỡng, vun đắp tình yêu với vốn văn hóa truyền thống vô giá của quê hương, đất nước.

Là một tỉnh rộng, đông dân cư, nhiều vùng kinh tế khó khăn nên việc tổ chức xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở địa phương còn nhiều bất cập, hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ, toàn diện quan điểmphát triển kinh tế phải hài hòa với phát triển văn hóa và tiến bộ, công bằng xã hội nên trong chỉ đạo, điều hành chưa quan tâm đúng mức đến phát triển văn hóa trong đó có xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Để tạo sự phát triển đồng đều ở tất cả các vùng miền, Sở VH,TT&DL đã tham mưu để tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách thiết thực nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp, thành phần xã hội, mọi người dân.

Nhờ đó những năm qua tỉnh ta đã xây dựng được nhiều cơ sở vật chất, tụ điểm sinh hoạt văn hóa, mua sắm trang thiết bị để tổ chức tốt hoạt động văn hóa cơ sở trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đồng bào các dân tộc. Sở VH,TT&DL cũng đề nghị các cấp có thẩm quyền khen thưởng, động viên kịp thời cho các cá nhân, tập thể có thành tích tiêu biểu trong xây dựng, phát triển đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn. Nhiều nghệ nhân ưu tú đã được Nhà nước vinh danh trong đợt xét tặng năm 2015.

Từ thực tiễn kinh nghiệm, cách làm những năm qua cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, Bộ VH,TT&DL, chúng tôi tin rằng tỉnh ta sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đến năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước và đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Phạm Minh Trị


Phạm Minh Trị

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]