(vhds.baothanhhoa.vn) - Để đạt được những kết quả về việc làm “sống dậy” những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mường xứ Thanh đến thời điểm hiện tại là cả quá trình nỗ lực. Tuy nhiên, câu chuyện bảo tồn gắn với phát huy giá trị văn hóa Mường vẫn còn nhiều vấn đề và trăn trở đặt ra. Phóng viên Báo Thanh Hóa cuối tuần đã có trao đổi với các ông, bà: Phạm Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc; Lê Thị Hương, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Thạch Thành; và nhà nghiên cứu văn hóa Cao Sơn Hải để có những góc nhìn đa chiều.

Để văn hóa Mường thực sự “rực rỡ” trở lại

Để đạt được những kết quả về việc làm “sống dậy” những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mường xứ Thanh đến thời điểm hiện tại là cả quá trình nỗ lực. Tuy nhiên, câu chuyện bảo tồn gắn với phát huy giá trị văn hóa Mường vẫn còn nhiều vấn đề và trăn trở đặt ra. Phóng viên Báo Thanh Hóa cuối tuần đã có trao đổi với các ông, bà: Phạm Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc; Lê Thị Hương, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Thạch Thành; và nhà nghiên cứu văn hóa Cao Sơn Hải để có những góc nhìn đa chiều.

Ông Phạm Văn Đạt: Cấp ủy, chính quyền phải cùng người dân chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Để văn hóa Mường thực sự “rực rỡ” trở lại

PV: Thưa ông Phạm Văn Đạt, ông đánh giá như thế nào về các di sản văn hóa của người Mường trên địa bàn huyện Ngọc Lặc?

Ông Phạm Văn Đạt: Ngọc Lặc là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc anh em, trong đó người Mường chiếm đa số, đây được xem như lợi thế trong công tác bảo tồn giá trị văn hóa Mường truyền thống. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Ngọc Lặc đã có 3 di sản văn hóa phi vật thể của người Mường được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó thực sự là vinh dự, niềm tự hào. Và trong thời gian tới, hy vọng sẽ tiếp tục có những di sản văn hóa của không chỉ người Mường mà cả cộng đồng các dân tộc khác sinh sống trên địa bàn huyện Ngọc Lặc được vinh danh, như Tết nhảy của người Dao.

Với huyện Ngọc Lặc, quan điểm xuyên suốt, đã là nét đẹp văn hóa truyền thống, dù được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hay chưa, cũng cần được bảo tồn, gìn giữ. Ở đây, câu chuyện bảo tồn không phải là làm đẹp rồi “cất đi” mà phải để di sản văn hóa thực sự “sống” được trong đời sống văn hóa của người dân.

PV: Huyện Ngọc Lặc làm thế nào để đạt kết quả trong công tác bảo tồn gắn với phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Mường?

Ông Phạm Văn Đạt: Bảo tồn - phát huy giá trị di sản văn hóa là câu chuyện khó, đặc biệt là với những giá trị văn hóa đã bị mai một. Văn hóa là của cộng đồng, người dân, muốn bảo tồn thì điều quan trọng phải khơi dậy được tình yêu, lòng tự hào về di sản văn hóa truyền thống ông cha trong chính người dân, cộng đồng nắm giữ di sản. Kịp thời động viên, vinh danh những người có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn. Và di sản văn hóa không thể bảo tồn tách rời, mà phải gắn với phát triển du lịch bền vững, điều này đang được huyện Ngọc Lặc triển khai ở một số điểm danh thắng, làng du lịch, gắn với các sự kiện văn hóa - du lịch của địa phương, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên bảo tồn gắn với phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, văn hóa của đồng bào dân tộc Mường nói riêng không thể là câu chuyện chỉ của người dân. Điều quan trọng là nhận thức, định hướng, sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền; thể hiện bằng những chính sách hỗ trợ kịp thời, cụ thể để người dân có động lực cùng chung tay giữ gìn di sản văn hóa.

Bà Lê Thị Hương: Cần quan tâm hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Mường

Để văn hóa Mường thực sự “rực rỡ” trở lại

PV: Thưa bà, trên địa bàn huyện Thạch Thành, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Mường đang đặt ra những vấn đề gì?

Bà Lê Thị Hương: Trên địa bàn huyện Thạch Thành, dân số người Mường có hơn 77.000 người, chiếm tỷ lệ trên 53%. Đồng bào Mường với những nét văn hóa riêng, thể hiện qua nhà ở, phương thức canh tác, phong tục, tập quán, trang phục, lễ hội truyền thống. Trong đó, có thể kể đến một số nét văn hóa Mường đặc trưng như: Mo Mường; múa Mường (múa cờ, múa bông, múa quạt, múa mặt nạ); hát ru; cồng chiêng… Giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Mường được bảo tồn và phát huy gắn với các ngày hội văn hóa (ngày hội văn hóa xã Thạch Sơn); lễ hội truyền thống (lễ hội Mường Đòn)… thu hút đông đảo người dân tham gia.

Tuy nhiên, có một thực tế việc bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mường trên địa bàn huyện Thạch Thành ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang có dấu hiệu mai một.

Bên cạnh đó, lực lượng nghệ nhân dân gian hiểu sâu về văn hóa truyền thống ngày càng ít, việc truyền dạy cho thế hệ trẻ gặp nhiều khó khăn, nguồn kinh phí cho công tác bảo tồn ở một số địa phương còn hạn chế… Vì thế, rất cần có cơ chế, chính sách cụ thể cho việc khôi phục, bảo tồn những giá trị văn hóa đang bị mai một. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ cho các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian để động viên người dân giữ lửa và truyền dạy văn hóa truyền thống tốt hơn.

Nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải: Kho tàng di sản văn hóa của người Mường rất phong phú, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu

Để văn hóa Mường thực sự “rực rỡ” trở lại

PV: Là người dành nhiều thời gian, tâm huyết cho việc tìm tòi nghiên cứu về các giá trị văn hóa truyền thống của người Mường, ông đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mường ở Thanh Hóa?

Nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải: Người Mường là một trong những dân tộc có đời sống văn hóa tinh thần vô cùng phong phú. Vậy nhưng, vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đã có khoảng thời gian dài văn hóa truyền thống của người Mường ở xứ Thanh nói chung đã bị mai một và thẳng thắn mà nói, đã có những thứ bị quên lãng, thậm chí mất đi. Vì vậy, nhìn lại kết quả đạt được trong công tác khôi phục, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Mường những năm qua quả thực rất đáng quý.

Tôi cho rằng, những kết quả đạt được đó mới chỉ là bước đầu, bảo tồn một phần nào đó chứ chưa thực đầy đủ, toàn diện. Dĩ nhiên, văn hóa là kết quả của cả quá trình sáng tạo, đi sâu, lan tỏa trong đời sống vì thế để văn hóa thực sự “sống lại” trong cộng đồng sau một quãng dài “ngủ quên” cần phải có thời gian. Bảo tồn, khôi phục giá trị văn hóa Mường bị mai một, mất đi là điều rất khó, đặc biệt gắn bảo tồn với phát huy giá trị lại càng khó, không thể làm hời hợt, làm nhanh để lấy… thành tích. Dẫu vậy, tôi vẫn… sốt ruột lắm. Vì ngay trong đời sống hiện đại ngày nay, có nhiều giá trị vẫn đang âm thầm mất đi. Rồi chuyện không ít người trẻ thờ ơ, xa lạ với chính bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đây là điều rất đáng buồn.

Việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người Mường, trước hết phải bắt đầu từ nhận thức của các cấp ủy, chính quyền đến người dân. Bản thân những người đứng đầu các địa phương phải hiểu được giá trị các di sản văn hóa, có như vậy mới có cách “ứng xử” đúng mức. Văn hóa là của Nhân dân, nhưng bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, dù là với bất cứ dân tộc nào thì cũng không phải là câu chuyện của riêng người dân.

Thu Trang (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]