(vhds.baothanhhoa.vn) - Làng Riềng nằm bên bờ sông Vạy còn có tên chữ là “Thiên Linh” (nay thuộc xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương). Đây là vùng đất mà Khâm sai tổng trấn Thanh Hoa (Thanh Hóa) Nguyễn Quang Bàn - con trai thứ của vua Quang Trung đã chọn làm nơi xây dựng đô trấn. Trải qua thời gian với những biến động của lịch sử, thời gian, còn đó di tích đền Thiên Linh - Bia phủ Cảnh và chuyện kể về một “tiểu triều Thiên Linh” trên vùng đất xứ Thanh.

Đền Thiên Linh - Bia Phủ Cảnh và dấu tích vương triều Tây Sơn

Làng Riềng nằm bên bờ sông Vạy còn có tên chữ là “Thiên Linh” (nay thuộc xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương). Đây là vùng đất mà Khâm sai tổng trấn Thanh Hoa (Thanh Hóa) Nguyễn Quang Bàn - con trai thứ của vua Quang Trung đã chọn làm nơi xây dựng đô trấn. Trải qua thời gian với những biến động của lịch sử, thời gian, còn đó di tích đền Thiên Linh - Bia phủ Cảnh và chuyện kể về một “tiểu triều Thiên Linh” trên vùng đất xứ Thanh.

Đền Thiên Linh - Bia Phủ Cảnh và dấu tích vương triều Tây SơnĐền Thiên Linh nằm gần ngã ba sông Vạy là nơi thờ Nghiêu Sơn đại vương và vua Quang Trung với tên gọi chung là đền Đức thánh cả.

Đền Thiên Linh

Tọa lạc trên địa bàn xã Quảng Yên, đền Thiên Linh và Bia phủ Cảnh là hai di tích nằm tách biệt (cách nhau khoảng 5km). Điểm chung ở cả 2 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh này là mối liên hệ với “tiểu triều Thiên Linh” của nhà Tây Sơn.

Làng Riềng cổ nằm ở vị thế giao nhau của sông Hoàng và sông Lăng, tạo thành ngã ba Vạy xưa kia sầm uất trên bến, dưới thuyền. Và cách ngã ba Vạy chỉ khoảng 100m là đền Thiên Linh (còn gọi là đền Nghiêu Sơn đại vương hay đền Riềng) - nơi thờ Kiều Sơn Vương. Theo truyền thuyết, ông là vị tướng dưới trướng Vua Hùng, trong trận chiến giao tranh với quân Thục bị thua nên đã phi ngựa chạy về đến vùng đất bên bờ sông Vạy thì hóa. Người dân thương cảm nên đã lập đền thờ phụng. Ông được xem là một trong những anh hùng thời cổ sử.

Bác Lê Văn Vinh, thủ từ trông coi đền Thiên Linh, cho biết: “Cùng với việc lập đền thờ phụng, từ xưa đến nay vào dịp lễ hội tế thần (diễn ra từ mùng 8 đến 12 tháng Giêng) người dân còn biểu diễn “Ngũ trò” (bao gồm các trò: Tú Huần; Quân Thuyền; Văn Vương; Trống Mõ và Tiên Cuội) để dâng lên thần”.

Vào cuối thế kỷ 18 (năm 1792), con trai thứ của vua Quang Trung nhà Tây Sơn là Nguyễn Quang Bàn được cử làm Khâm sai tổng trấn Thanh Hoa. Và ông đã chọn vùng đất Kẻ Riềng với phong cảnh tốt tươi, núi non hùng vĩ lại có sông ngòi chảy qua, giao thương buôn bán thuận lợi làm nơi xây dựng đô trấn- một “tiểu triều Thiên Linh” (toàn quyền quyết định mọi việc trong trấn). Để nhường đất cho “tiểu triều”, người dân Kẻ Riềng đã di cư đến nơi ở mới. Tuy nhiên, vào ngày giỗ, tết, cúng tế thần linh vẫn được phép trở về, diễn các trò vui khiến quân lính Tây Sơn yêu thích và tổ chức theo.

Nhận xét về đô trấn bên bờ sông Vạy, cố nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ (chủ biên sách Địa chí văn hóa huyện Quảng Xương) đã viết: “Tiểu triều Thiên Linh dĩ nhiên không thể sánh ngang triều đình Phú Xuân. Song Thiên Linh cho ta một hình ảnh Phú Xuân thu nhỏ. Nguyễn Quang Bàn, một quận công tuổi đôi mươi, được phân phong một khoảng trời riêng, rất thích ca vũ nhạc. Ông lấy vợ họ Vũ, một gia đình giỏi nghề đàn ca và nàng Tiên Hiện (vợ Nguyễn Quang Bàn) nổi danh tài sắc. Tiểu triều có ban nhạc... phục vụ tế tự, yến ẩm, vui chơi... Ca nhạc dân gian (Ngũ trò) được dịp phá vỡ con đê ngăn cách, tràn vào “tiểu cung đình”... "Không ai biết chính xác Ngũ trò ở đất Thiên Linh xuất hiện khi nào, song dưới thời Tây Sơn, người lính Tây Sơn và Nhân dân Kẻ Riềng đã chung niềm vui khi hòa mình vào trong những trò múa hát diễn xướng. Để đến hôm nay, trong một số câu hát, trang phục của Ngũ trò, tiêu biểu là trò Quân Thuyền, người ta vẫn thấy ở đó “bóng hình” của nhà Tây Sơn.

Cũng theo cố nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ: “Triều Tây Sơn đổ, tiểu triều Thiên Linh một mảnh ngói không còn, nhưng đền Riềng chẳng vì thế mà dời đổi, vẫn nguyên vẹn tấm lòng son của Nhân dân với vua Quang Trung. Người Thiên Linh thờ vị Hoàng đế anh hùng ngay trong đền Riềng ở trên Nghiêu Sơn đại vương, với cái tên chung chung là Đức thánh cả”.

Và Bia phủ Cảnh

Sau khi thống nhất non sông, với tư tưởng canh tân, vua Quang Trung chủ trương chấn hưng Nho giáo, mở mang việc học hành xuống xã, thôn, dù giàu, nghèo, sang, hèn... ai cũng có quyền đi học. Lúc bấy giờ, ở làng Mỹ Cảnh thuộc tổng Văn Trinh (nay là làng Yên Cảnh, xã Quảng Yên), bên bờ sông Lý có Văn thánh phủ Cảnh bị xuống cấp đã được tổng trấn Nguyễn Quang Bàn cho làm lại với quy mô tẩm miếu 5 gian, tiền đường 5 gian thờ đức thánh Khổng, xuân thu nhị kỳ tế xôi, lợn luộc. Tế xong “thượng thánh hạ phàm”, ai đỗ cao mâm trên, ai đỗ thấp mâm dưới, không căn cứ chức tước. Các quan viên vừa uống rượu, vừa bàn việc học hành trong phủ, huyện” (theo Địa chí văn hóa huyện Quảng Xương).

Văn thánh phủ Cảnh dưới thời Tây Sơn được làm trong 2 năm (1797 - 1798). Sau khi xây dựng xong thì có khắc hai tấm bia đá trên sân ở hai bên tả, hữu. Trong đó, có một tấm bia ca ngợi công đức nhà Tây Sơn để lưu truyền đời sau. Tuy nhiên, khi nhà Tây Sơn sụp đổ, tấm bia đá ca ngợi công đức cũng bị hủy theo. Dẫu vậy, Văn thánh phủ Cảnh vẫn được triều đình nhà Nguyễn duy trì hoạt động theo lệ thường. Vào cuối thế kỷ 19, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, hưởng ứng chiếu Cần Vương, Văn thánh phủ Cảnh trở thành nơi hội họp của văn thân bàn việc chống giặc.

Trải qua thời gian và chiến tranh tàn phá, Văn thánh phủ Cảnh chỉ còn lại nền móng cũ với hiện vật là một văn bia và hai rùa đá. Trong đó, tấm bia đá còn hiện hữu được tạo tác bằng đá núi Nhồi, cao khoảng 1,8m, rộng 0,8m, dày 0,2m; mũ bia khum hình lá sen cách điệu, trùm rộng chìa ra ngoài bia; giữa mũ bia là hình bông sen, có hai lớp cánh hoa cách điệu... Toàn bộ cấu trúc bia là một cụm sen được cách điệu khá cao, biểu hiện bằng những mảng khối đơn sơ, chắc khỏe. Văn bia khắc lệnh chỉ của Khâm sai Thanh Hoa nội trấn thủ Hoàng thái tử Tuyên quận công (tức Nguyễn Quang Bàn). Nội dung văn bia ngoài đề cao sự học còn nhắc đến việc Tuyên quận công Nguyễn Quang Bàn cung tiến một quả chuông đồng to, một trống cái lớn.

Theo sách Địa chí văn hóa huyện Quảng Xương: “Để bảo vệ tấm bia đá, một số chữ trên văn bia người ta phải đục bỏ. Dòng thứ nhất đục bỏ bốn chữ “Hoàng thái tử Tuyên”; dòng cuối cùng đục bỏ bốn chữ “Hoàng triều Cảnh Thịnh”... Bia đá thời Tây Sơn trên miền Bắc nước ta hiện còn thấy rất ít, vì nhà Nguyễn muốn xóa sạch dấu vết của kẻ thù không đội trời chung. Ở Thanh Hóa may mắn còn sót lại bia đá dựng tại văn miếu làng Mỹ Cảnh”.

Cùng với bia đá là hiện vật đôi rùa đá được tạo tác bằng đá núi Nhồi nguyên khối, chạm khắc vảy nổi công phu, sống động; dáng rùa trong tư thế đầu cổ vươn dài về phía trước. Và khác với nhiều di tích có “rùa đội bia”, ở di tích lịch sử văn hóa Bia phủ Cảnh, cặp rùa còn hiện hữu lại không đội bia mà đứng độc lập. “Chúng giống như một đôi Đực - Cái, một cặp Âm - Dương, nguồn gốc của sự sinh nở và trường tồn...” (Địa chí văn hóa huyện Quảng Xương).

Lý giải cho sự khác biệt của hình tượng rùa đá tại di tích, cố nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ nhìn nhận: “Phải chăng người nông dân thời Tây Sơn sau cuộc giải phóng đất nước, muốn giải thoát luôn cả thân phận nô lệ con rùa đã bao đời là hình ảnh của số kiếp mình?... Phải chăng đó là tư thế của người nông dân từ dưới bùn lầy (như rùa) đi lên không phải để khom lưng đội tên tuổi các nhà khoa bảng mà tiến thẳng vào sân Trình cửa Khổng? Nhà điêu khắc dân gian nào đó đã phá bỏ luật lệ phong kiến và tôn giáo, đưa hơi thở tươi mới, lành mạnh vào tác phẩm của mình hay là sự phá cách theo quy luật tiến hóa của nghệ thuật”.

Đi qua những thăng - trầm của lịch sử dân tộc là dấu tích vương triều, thời đại. Nhìn lại quá khứ, hiểu thêm lịch sử, đó có lẽ cũng là cách để hậu thế tỏ lòng kính ngưỡng với tiền nhân.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]