(vhds.baothanhhoa.vn) - Trải qua suốt chiều dài lịch sử, di tích bia phủ Cảnh xã Quảng Yên (Quảng Xương), luôn mang trong mình truyền thống văn hoá lâu đời, phong phú, là điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương trong và ngoài tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Di tích bia phủ Cảnh

Trải qua suốt chiều dài lịch sử, di tích bia phủ Cảnh xã Quảng Yên (Quảng Xương), luôn mang trong mình truyền thống văn hoá lâu đời, phong phú, là điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương trong và ngoài tỉnh.

Theo lời kể, làng phủ Cảnh, xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương ngày nay, thời Lê là nơi được chọn để xây dựng văn chỉ thờ đức thánh Khổng. Vì thế miếu thờ này gọi là “Văn thánh Phủ Cảnh”. Thời Lê Mạt, văn thánh phủ Cảnh không được chú trọng như trước nữa. Đến nhà Tây Sơn, vua Quang Trung chủ trương chấn hưng Nho giáo, mở mang việc học xuống tận xã, thôn. Vì thế, ngoài văn miếu cả nước, các văn thánh tỉnh, phủ, văn chỉ hàng huyện, hàng xã đều được coi trọng, sửa sang.

Vào cuối năm Đinh Tỵ (1797), trấn thủ Nguyễn Quang Bàn xét thấy văn thánh phủ Tĩnh Gia gồm 3 huyện Ngọc Sơn, Nông Cống, Quảng Xương bị hư hỏng, nên ông cho làm lại với quy mô lớn hơn. Quy mô kiến trúc văn thánh phủ Cảnh gồm: Tẩm miếu 5 gian. Trong tẩm miếu thờ đức thánh Khổng, bốn vị cao đồ và 72 học trò giỏi. Ngoài tiền đường, gian giữa đặt hương án thờ các bậc tiên nho trong phủ hạt, hai bên chải chiếu làm nơi hội họp của các quan chức làng văn. Tiền đường mở ra sân vuông lát gạch, cổng vào một cửa; hai bên sân có hai nhà giải vũ, chỗ làm việc của giám thủ, phó giám thủ và sái phu. Ngoài ra còn tạc hai tấm bia dựng trên sân, hai bên tả hữu để ghi lại sự kiện này.

Khi nhà Tây Sơn đổ, Gia Long hạ lệnh triệt phá tất cả những gì có liên quan đến nhà Tây Sơn, tấm bia phía nam ca tụng công đức Tây Sơn, quan viên hàng phủ không dám để, đập vỡ từng mảnh nhỏ đem chôn rải rác nhiều nơi. Còn lại tấm bia phía bắc thì chỉ đục bỏ tên người, niên hiệu có thể che mắt triều đình nhà Nguyễn. Về sau phủ Cảnh trở nên hoang tàn, chỉ còn lại vết tích của những nền móng kiến trúc cũ và hai con rùa đá và tấm bia.

Tấm bia còn lại được làm bằng đá núi Nhồi, cao khoảng 1,80m, dày 0,20m, rộng 0,90m. Phần đế bia tam cấp cao 40 cm, cấp dưới cùng dài gần 100 cm, cấp trên nhất 91 cm. Đóng khung lòng bia là hai đường gờ nổi vuông cạnh, tượng hình hai cuống sen mọc từ dưới nước. Toàn bộ cấu trúc bia là một cụm sen được cách điệu và được biểu hiện bằng những mảng khối đơn sơ, chắc khỏe.

Di tích bia phủ Cảnh.

Được công nhận là di tích cấp tỉnh năm 1998, di tích lịch sử bia phủ Cảnh xã Quảng Yên (Quảng Xương), đã và đang là một điểm tín ngưỡng, thu hút đông đảo người dân đến đây thực hành nghi lễ. Trải qua suốt chiều dài lịch sử, cùng với nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của bà con trong xã, từ năm 2016 đến nay, bằng nguồn ngân sách địa phương và xã hội hóa, di tích được trùng tu, tôn tạo.

Anh Nguyễn Đức Thắng, cán bộ văn hóa xã Quảng Yên, cho biết: Nhằm lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập của các tầng lớp nhân dân và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ khu di tích đã được trùng tu, tôn tạo và ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, hiện nay xã cũng gặp nhiều khó khăn đó là hệ thống giao thông vào cụm di tích chưa được đầu tư xây dựng nên đường đi rất khó. Do đó, nguyện vọng lớn nhất của nhân dân là quy hoạch tổng thể di tích để từng bước tôn tạo, làm cho diện mạo của di tích đầy đủ hơn... Để làm được điều này, rất cần sự ủng hộ, phát tâm công đức của du khách thập phương cũng như sự quan tâm của chính quyền các cấp.

Ngọc Anh


Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]