(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhắc đến kiến trúc đình làng, trong dân gian vẫn có câu: “Đình huyện Tống, trống huyện Nga”. Huyện Tống xưa, nay là Hà Trung nổi tiếng với kiến trúc đình làng số lượng nhiều, quy mô lớn. Trong số đó, đình Đô Mỹ ở xã Hà Tân (Hà Trung) là di tích mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn, là niềm tự hào của người dân khi xưa. Tuy nhiên, di tích đang xuống cấp trầm trọng.

Đình Đô Mỹ và mong mỏi bảo tồn không gian văn hóa làng

Nhắc đến kiến trúc đình làng, trong dân gian vẫn có câu: “Đình huyện Tống, trống huyện Nga”. Huyện Tống xưa, nay là Hà Trung nổi tiếng với kiến trúc đình làng số lượng nhiều, quy mô lớn. Trong số đó, đình Đô Mỹ ở xã Hà Tân (Hà Trung) là di tích mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn, là niềm tự hào của người dân khi xưa. Tuy nhiên, di tích đang xuống cấp trầm trọng.

Đình Đô Mỹ và mong mỏi bảo tồn không gian văn hóa làng

Tự hào đình cổ

Theo chân ông Nguyễn Văn Hài, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đô Mỹ ra thăm di tích đình làng, ấn tượng đầu tiên của tôi là sự bề thế của một công trình kiến trúc gỗ. Đan xen cảm nhận, dường như sự “vắng lặng” đang bao trùm lên không gian văn hóa tâm linh của một làng quê.

Tòa đại đình được xây dựng trên khu đất khá bằng phẳng, ngoảnh mặt theo hướng Tây với diện tích 375m2, gồm 5 gian 2 chái, được chống đỡ bởi 24 cây cột gỗ (12 cột cái, 12 cột quân) và hệ thống cột xây phía trước. Trong đó, những cột cái đồ sộ vòng tay người lớn ôm không xuể. Căn cứ dòng chữ ghi trên thượng lương, đình Đô Mỹ được khởi dựng thời nhà Nguyễn (tháng 7-1864) và toàn bộ cột, gỗ dựng đình được dùng từ gỗ lim.

Mang dấu ấn của kiến trúc đình làng thời Nguyễn, đình Đô Mỹ ngoài những mảng chạm khắc đề tài “tứ linh, tứ quý” thông thường thì cấu kết hướng đến sự chắc chắn, khỏe mạnh. Những vì, kèo, cột... được đôi bàn tay người thợ xưa kia “khớp nối” liên kết theo lối “chồng rường kẻ bẩy” tinh xảo, tạo sự đăng đối, vững chãi. Các cụ cao niên trong làng kể lại, khi xưa để dựng được tòa đại đình quy mô bề thế, chỉ sức người làng Đô Mỹ là không thể. Làng Đô Mỹ đã “kết chạ” với nhiều làng quanh vùng, như: làng Phạm Xá, làng Vỹ, làng Đà... làng đóng gạch, làng làm ngói, làng tìm gỗ, đóng góp tiền bạc thuê đội thợ tốt mới có thể dựng lên ngôi đình. Cũng vì đã là “anh em”, nên ngày lễ tết, người dân các làng lại chọn cây mía ngon, cây tre đẹp lên đình Đô Mỹ dâng lễ, vui hội. Ngôi đình được dựng lên bằng tinh thần, vật lực, sức mạnh đoàn kết của cả cộng đồng.

Từ khi khởi dựng, đình làng Đô Mỹ thờ Thành hoàng làng Tô Hiến Thành - bậc đại quan văn võ toàn tài thời Lý. Trong cuộc đời làm quan, ông có nhiều dấu ấn đóng góp cho các địa phương xứ Thanh. Vì vậy sau khi mất, ông được nhiều làng quê xứ Thanh lập dựng đền thờ và suy tôn Thành hoàng làng nhằm tỏ lòng tôn kính.

Duy trì truyền thống hàng trăm năm qua, từ khi đình làng Đô Mỹ được khởi dựng, hàng năm vào ngày rằm tháng Giêng, người dân trong làng và các làng “kết chạ” lại nối chân nhau trở về di tích tổ chức lễ hội. Trong tiết xuân ấm áp, tham gia lễ hội, hòa mình trong không gian tâm linh thành kính, con người gửi gắm ước vọng được phù trợ, chở che và cầu mong một năm bình an, no đủ.

Ngoài ý nghĩa tâm linh, đình làng Đô Mỹ cũng là không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng; hội họp bàn việc của Nhân dân địa phương. Ngay cả khi đã có nhà văn hóa thôn, đình Đô Mỹ vẫn là “ngôi nhà chung” của cộng đồng. Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, đình - chùa Đô Mỹ được biết đến như một “địa chỉ” cách mạng. Ông Nguyễn Văn Hài nhớ lại: “Trong kháng chiến chống Mỹ, năm 1972-1973, đình Đô Mỹ là kho tập kết lương thực của nhà nước. Bản thân tôi khi đó dù mới 15 tuổi nhưng đã tham gia đi “bốc xếp” lương thực tại đây. Và cũng trong hai năm đó, lũ lụt xảy ra khiến cho nước ngập vào trong đình. Có lẽ do phải chịu sức nặng lớn, cộng thêm nước lụt khiến cho nền đình dần sụt lún...”.

Mong mỏi bảo tồn không gian văn hóa làng

Dù khi dựng đình, người xưa đã cẩn thận chọn loại gỗ tốt, bằng tất cả tâm huyết tạo nên công trình gỗ mong muốn được trường tồn cùng thời gian. Song thời gian với sức mạnh vô hình và những biến động, thăng trầm lịch sử khiến cho công trình gỗ dù bề thế cũng không đủ sức chống đỡ. Mỗi năm, di tích đình Đô Mỹ lại thêm xuống cấp. Và ở thời điểm hiện tại, đứng trước tòa đại đình, người ta không giấu nổi cảm xúc xót xa.

Đình Đô Mỹ vốn ngoảnh hướng Tây, nhưng hiện trạng di tích đang “xiêu” theo hướng Đông - Nam; mái ngói phủ rêu “sụt” từng mảng khiến “nắng chiếu, mưa dột”, nhìn từ bên ngoài, không khó nhận ra cả mái đình đang võng xuống. Mỗi ngày chứng kiến sự xuống cấp của di tích, ông Nguyễn Văn Hài xót xa: “Có ra đình những ngày mưa mới xót ruột, nước chảy lênh láng khắp nền, cả 5 gian 2 chái không chỗ nào còn nguyên vẹn. Nhiều lần người dân trong làng tổ chức đóng góp “dặm” lại ngói song cũng chỉ được một thời gian ngắn. Mưa, nắng và mối mọt làm cho những cột gỗ, “mọng” nối ẩm ướt, hỏng nhanh hơn. Hiện đình đang được chống đỡ, gia cố tạm thời bằng một số cột sắt, nhưng vẫn có thể bị đổ sập bất cứ khi nào”.

Trước hiện trạng xuống cấp của di tích, để đảm bảo an toàn, hơn 3 năm qua, chính quyền địa phương buộc “cấm” trẻ con và hạn chế người lớn không được ra chơi, sinh hoạt tại đình làng. Lễ hội đình Đô Mỹ cũng vì thế mà không thể tổ chức theo cách truyền thống. Chỉ một số cụ cao niên trong làng đại diện để sắm sửa lễ vật dâng hương lên Thành hoàng, còn tế lễ không diễn ra. Các sinh hoạt văn hóa cũng không còn được tổ chức tại đây. Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Đô Mỹ Nguyễn Văn Hài bày tỏ: “Dù người dân Đô Mỹ chủ yếu làm nông nghiệp nhưng tâm nguyện chung là luôn sẵn sàng đóng góp phần nào kinh phí để giữ lấy đình làng, giữ lấy di sản văn hóa đã được cha ông xưa nhọc nhằn tâm huyết dựng lên. Chỉ mong di tích được trùng tu trước khi quá muộn”.

Về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Trình, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tân, cho biết: “Hiện tại, để đảm bảo an toàn, việc hạn chế người dân qua lại di tích đình Đô Mỹ là cần thiết. Xã Hà Tân có 6 di tích, trong đó kiến trúc đình làng chỉ còn duy nhất đình Đô Mỹ. Dù là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, tuy nhiên nguồn kinh phí cần cho việc trùng tu đình rất lớn, vượt khỏi khả năng của chính quyền cấp xã. Chính quyền địa phương đã nhiều lần đề xuất với các ngành chức năng, chính quyền các cấp sớm hỗ trợ, đầu tư kinh phí cho việc trùng tu di tích”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]