(vhds.baothanhhoa.vn) - Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, với kết cấu tổ chức làng xã, đình làng là sản phẩm của dân tộc Việt Nam, mà không một cộng đồng cư dân nào trên thế giới có được. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, đình làng luôn là một biểu tượng văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống làng xã người Việt. Vì vậy, việc gìn giữ đình làng cũng chính là để kế thừa, phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

Đình làng xưa và nay

Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, với kết cấu tổ chức làng xã, đình làng là sản phẩm của dân tộc Việt Nam, mà không một cộng đồng cư dân nào trên thế giới có được. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, đình làng luôn là một biểu tượng văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống làng xã người Việt. Vì vậy, việc gìn giữ đình làng cũng chính là để kế thừa, phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

Đình làng xưa và nayCụ Vũ Xuân Đới, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Đông Môn, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) lo lắng vì đình làng có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Niềm tự hào riêng có

Đã 21 năm nay, mỗi tháng 2 lần, vào ngày rằm và mùng 1 hàng tháng, ông Trần Văn Nam ở thôn Kim Sơn, xã Hà Đông (Hà Trung) lại mang hoa quả, đồ lễ ra đình làng Thượng Phú, để cầu tài lộc, bình an, may mắn cho gia đình và làng xã.

Ông Lê Văn Thanh, Bí thư Chi bộ thôn Kim Sơn, khẳng định: "Đình Thượng Phú chính là không gian và kiến trúc mà người dân trong thôn nói riêng và xã Hà Đông nói chung rất tự hào, nhất là biểu tượng về giá trị văn hóa, tinh thần anh dũng của người dân. Những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình Thượng Phú là điểm sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các cuộc họp và lễ hội lớn của địa phương. Có giai đoạn, đình còn được dùng làm bệnh viện, trường học, là kho chứa lương thực, vũ khí, có khi được dùng làm nơi tổ chức các sự kiện trọng đại của huyện, xã, như: đại hội đảng bộ huyện, đại hội đảng bộ xã...

Đúng như câu tục ngữ “Đình huyện Tống, trống huyện Nga, nhà huyện Hậu”, cho biết huyện Tống Sơn cũ - Hà Trung ngày nay là nơi có nhiều đình và nhiều đình đẹp nhất xứ Thanh. Trong số 31 đình còn lại trên địa bàn huyện, có 3 đình đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia và 24 di tích cấp tỉnh.

Trở lại Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia đình làng Thượng Phú lần này, nhìn ánh mắt các cụ tôi hiểu có chuyện gì đó vui lắm. Hóa ra sau bao năm chờ đợi, ngày 24-3-2022, HĐND huyện Hà Trung đã ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đình làng Thượng Phú. Trong đó sẽ đầu tư tu bổ tôn tạo nhà đại đình và hậu cung trên quy mô kiến trúc mặt bằng chữ Nhị hiện có với diện tích khoảng 270m2, tổng mức đầu tư khoảng 8,6 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hỗ trợ là 3 tỷ; còn lại là ngân sách huyện và các nguồn huy động hợp pháp khác).

Tự hào là cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với những người dân ở các địa phương có đình làng. Bởi, đình làng chính là “chứng nhân” quan trọng nhất cho cả chiều dài lịch sử của quê hương, đất nước. Ông Mai Xuân Phan, cán bộ Tiểu ban Quản lý di tích đình cổ Quan Chiêm, xã Hà Giang (Hà Trung) nói: “Tôi lớn lên là cái đình này đã có rồi. Đình làm cách đây hơn 200 năm, là nơi huyện đảng bộ họp đầu tiên ở đây. Và cũng có nhiều sinh hoạt tổ chức của làng của xã. Rồi trong kháng chiến chống Pháp, nơi đây trở thành kho lớn để tích lũy lương thực phục vụ kháng chiến”. Còn ông Hoàng Ngọc Bê, Bí thư Chi bộ thôn Chánh Lộc, xã Hà Giang, cho biết: “Xưa, đình là nơi tụ hội. Tội gì cũng mang ra sân đình, các cụ hiến lão cũng mang ra đình, vạ gì cũng mang ra sân đình họp, rồi sau này đến cải cách ruộng đất đấu tố cũng mang ra đình”. Hay ông Trịnh Văn Ân, thủ từ của đình làng Phong Cốc, xã Xuân Minh (Thọ Xuân), chia sẻ: “Mấy đời nhà tôi đều trông coi đình làng Phong Cốc. Đình làng luôn là địa điểm vui nhộn nhất”.

Có thể nói, không chỉ ngày xưa, mà hiện nay đình làng vẫn là nơi hội tụ, trình diễn nhiều nét văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghi lễ, phong tục, tập quán, âm nhạc, dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian... và là nơi gắn kết cộng đồng làng xã Việt Nam.

Xót xa trước sự xuống cấp

Bên cạnh niềm tự hào, cùng với thời gian, hầu hết đình làng đang trong tình trạng xuống cấp, thậm chí xuống cấp nghiêm trọng. Điều đó khiến những người trong làng, trong xã, những người gắn bó với cây đa mái đình mỗi khi nhắc đến đều xót xa.

Đình Đông Môn, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) là một trong những ngôi đình cổ ở xứ Thanh, đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 1995. Theo lý lịch di tích, đình Đông Môn ban đầu được xây dựng bằng tranh tre dưới thời chúa Trịnh Tùng (1570- 1623). Đến năm 1753, triều vua Lê Hiển Tông, đình làng Đông Môn được xây lại bằng gỗ với kiến trúc 5 gian, 2 chái, cấu trúc 4 mái, kết cấu kiến trúc hình chữ Đinh với nhiều mảng chạm trổ, điêu khắc tinh xảo trên các kèo, cột, mang đậm bản sắc văn hóa của đình làng Việt cổ.

Tuy nhiên, đã hơn 2 năm nay, đình trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, trong khi chờ phương án tu bổ, chính quyền địa phương đã cho giăng bạt và đặt biển báo cấm người dân và du khách vào bên trong đình.

Cụ Vũ Xuân Đới, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Đông Môn, cho biết: Ngôi đình có lịch sử gần 400 năm, đời xưa ông cha đã có công làm được như thế này thì các lớp thế hệ sau phải có trách nhiệm giữ lấy đình. Một cơn mưa nhỏ cũng có thể làm ướt hết toàn bộ gỗ. Mà ai cũng biết, gỗ này chỉ cần dính nước mưa là mục rất nhanh. Mùa mưa bão sắp tới, chỉ một cơn bão cấp 4, cấp 5 thì cả ngôi đình đổ sập. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm và có nguồn kinh phí đại tu đình”.

Năm nay đã 92 tuổi, trong đời mình, cụ Vũ Xuân Đới đã chứng kiến nhiều lần tu sửa ngôi đình. Có những lần kinh phí hạn hẹp, các cụ trong làng đã phải huy động Nhân dân người thì mấy viên ngói, viên gạch...; người không có điều kiện thì góp công sức. Thậm chí có thời kỳ, nhiều đình làng xung quanh đều bị phá dỡ để làm trang trại chăn nuôi. Song, Nhân dân Đông Môn đã cương quyết không cho bất cứ ai phá đình làng mình. "Còn hiện nay, việc giữ được ngôi đình hay không lại vượt quá tầm kiểm soát của chúng tôi. Nếu để ngôi đình bị sập, người cao tuổi chúng tôi và Nhân dân Đông Môn sẽ phải chịu lỗi với ông bà”, cụ Đới trải lòng.

Thôn Đông Môn có 820 hộ/2.500 khẩu. “Kể từ khi đình làng không còn là nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân và các tổ chức đoàn thể, trong khi nhà văn hóa đang xây dựng, mọi cuộc họp của thôn chúng tôi đều phải chờ đến ngày cuối tuần để mượn hội trường của UBND xã Vĩnh Long. Vì thế, chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc cùng với Nhân dân tu sửa lại đình”, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận thôn Đông Môn, anh Vũ Hữu Thuyết chia sẻ.

Theo kết quả kiểm kê đến năm 2019 của Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa tỉnh (kiểm kê 5 năm một lần): Thanh Hóa còn gần 500 ngôi đình làng, trong đó 161 đình đã được xếp hạng. Tuy nhiên một thực tế đau lòng là đã có 165 đình làng trở thành phế tích.

Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa, cho biết: Trong đời sống người dân Việt Nam khi xưa, đình làng khi khởi dựng được phục vụ nhiều mục đích, từ thờ tự, tế lễ, là nhà hội đồng chung, là nơi xử kiện, nộp sưu thuế, nơi nghỉ cho khách lỡ độ đường, đồng thời là nơi vui chơi, sinh hoạt ca hát, là lớp học... Đình làng còn được coi như biểu tượng của quyền lực làng xã, có chức năng như một ngôi nhà lớn của cộng đồng. Dù vẫn còn vai trò gắn kết cộng đồng, nhưng chức năng của đình đã dần chuyển cho UBND và nhà văn hóa. Đây là sự chuyển dịch tất yếu với các ngôi đình làng Việt nói chung, đình làng xứ Thanh nói riêng.

Trong suốt chiều dài lịch sử, Thanh Hóa là vùng đất tương đối ổn định về địa giới, không bị chia cắt như nhiều địa phương khác, đã tạo điều kiện cho việc thờ thần linh có sự thống nhất, mang đặc trưng riêng, không lẫn với bất cứ vùng miền nào.

Tuy vậy, mỗi ngôi đình, ngoài phần “xác” còn có phần “hồn”. Giữ được trọn vẹn thực thể ấy là trách nhiệm của hậu thế, đòi hỏi sự vào cuộc của Nhân dân và các cấp chính quyền.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]