(vhds.baothanhhoa.vn) - Không còn cảnh ùn tắc giao thông, cũng không còn người ăn xin hay những hình ảnh xô bồ, hỗn tạp thường thấy ở các di tích, lễ hội đền Nưa - Am Tiên (xã Tân Ninh - huyện Triệu Sơn) đã để lại nhiều dấu ấn mới, trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh khiến cho ai đã từng về đây tham quan, chiêm bái cũng đều muốn được nhiều lần trở lại.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đổi mới công tác tổ chức, quản lý: Am Tiên ‘hút’ khách mùa lễ hội

Không còn cảnh ùn tắc giao thông, cũng không còn người ăn xin hay những hình ảnh xô bồ, hỗn tạp thường thấy ở các di tích, lễ hội đền Nưa - Am Tiên (xã Tân Ninh - huyện Triệu Sơn) đã để lại nhiều dấu ấn mới, trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh khiến cho ai đã từng về đây tham quan, chiêm bái cũng đều muốn được nhiều lần trở lại.

Dấu xưa huyền thoại

Đến hẹn lại lên, chúng tôi lại tìm về với lễ hội đền Nưa - Am Tiên đúng vào ngày mở cổng trời (mùng 9 tết). Chọn một chiếc ô tô 16 chỗ làm dịch vụ trung chuyển khách lên núi, chúng tôi khá lo lắng khi đi trong lớp sương mù dày trên dãy ngàn Nưa huyền thoại. Hiểu được tâm lý đó, bác tài xế lái xe rất chậm rãi, đủ để những hành khách trên xe có thời gian hỏi thăm nhau.

Bác tài xế cho biết: “Cũng bởi tin vào sự linh thiêng của di tích đền Nưa - Am Tiên nên bất chấp thời tiết của ngày mùng 8 không ủng hộ, rất đông du khách vẫn lặn lội về đây để dâng hương cầu nguyện. Nhiều người trong số đó đã ở lại qua đêm để đợi tham dự lễ mở cổng trời xong mới về. Chẳng trách mà khi xe dừng trên đỉnh Am Tiên lúc 6h sáng, đã có rất đông du khách ngồi xếp hàng chờ dâng lễ cúng. Riêng tôi thì tranh thủ lúc trời còn chưa tỏ để đi thăm lại những dấu tích xưa như: Động Đào, Ao Hóp, Bàn Cờ Tiên, Vườn Thuốc Tiên... Mỗi lần như thế, tôi lại có cảm giác như mình đang lạc vào chốn “bồng lai tiên cảnh” và quên đi hết mọi lo toan, muộn phiền. Đứng gần huyệt đạo linh thiêng, tôi nhắm mắt, giang tay để cảm nhận một nguồn năng lượng từ thiên nhiên đang tỏa ra khắp chốn. Bỗng một làn khói hương theo gió bay qua, làm tôi như được sống trong một không gian xưa với hình ảnh Bà Triệu và đội quân hùng vĩ ngày đêm rèn binh, luyện tướng, quyết tâm đánh đuổi quân Ngô, đem lại cuộc sống ấm no cho muôn dân đói khổ.

Biết đến Am Tiên đã lâu nhưng cho đến nay, tôi vẫn chưa hiểu vì sao trên dãy Ngàn Nưa trùng điệp lại có một diện tích đất rộng lớn bằng phẳng đến thế. Càng thắc mắc hơn khi ở độ cao lên tới gần 600m so với mặt nước biển còn có những mạch nước ngầm chảy ra trong vắt và không bao giờ cạn, tạo thành một giếng nước tự nhiên mà dân gian gọi là Giếng Tiên - tương truyền là nơi để Bà Triệu lấy nước để rửa mặt. Đó là chưa kể đến sự hội đủ của cả một hệ thống đền, chùa, miếu phủ... được bố trí một cách hài hoà, khoa học, tạo cho cảnh vật nơi đây đẹp như một bức tranh phong cảnh trữ tình không ở đâu có được. Phải chăng vì lẽ đó mà bậc đạo sĩ xưa đã chọn chốn này làm nơi tu tiên đắc đạo, diệt trừ ma quỷ, tạo lập đất thiêng, đưa Am Tiên trở thành một trong 3 huyệt khí lớn của quốc gia để đời đời ban phát lộc thọ cho hậu thế.

Hàng ngàn du khách về Am Tiên chờ được làm lễ cầu nguyện.

Nét đẹp văn hóa tâm linh

Chính bởi những giá trị lịch sử và văn hóa to lớn đó mà lễ hội đền Nưa - Am Tiên ngày càng có đông du khách ở mọi miền quê trong cả nước về tham dự. Đây chính là niềm vui, niềm tự hào đối với quê hương Triệu Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. Tuy nhiên điều đó cũng đặt ra cho địa phương nhiều thách thức trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội. Vì vậy, để khắc phục những mặt hạn chế, tồn tại, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền huyện Triệu Sơn đã nỗ lực thực hiện nghiêm túc Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT - BVHTTDL - BNV về “Xây dựng nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo” do Bộ VH,TT&DL và Bộ Nội vụ phối hợp thực hiện. Đặc biệt trong năm 2018, kỷ niệm 1770 năm khởi nghĩa Bà Triệu (248 - 2018), huyện Triệu Sơn đã tích cực chủ động đổi mới phương thức tổ chức và quản lý lễ hội, đáp ứng tốt nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, đem lại cho du khách những trải nghiệm thú vị.

Theo ông Nguyễn Tài Tuệ - Phó Trưởng phòng VHTT-TDTT huyện Triệu Sơn thì ngay từ đầu tháng 12/2017, huyện đã thành lập một Ban tổ chức lễ hội đền Nưa - Am Tiên gồm có 17 thành viên do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban. Tiếp đó, huyện xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội gắn với phân công nhiệm vụ cho các ngành, các thành viên một cách cụ thể; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhân dịp này, huyện cũng tái xuất bản một số cuốn thơ viết về danh thắng đền Nưa - Am Tiên nhằm đưa di tích ngày càng đến gần hơn với du khách ở khắp mọi miền Tổ quốc. Bên cạnh đó trong quá trình diễn ra lễ hội, ban tổ chức cũng thường xuyên họp để đánh giá, rút kinh nghiệm và chấn chỉnh những yếu kém trong công tác phục vụ.

Điểm bán vé được bố trí hợp lý, trật tự, thuận tiện cho du khách lên xuống xe.

Được biết, cùng với Ban tổ chức của huyện, xã Tân Ninh cũng đã thành lập ra một ban quản lý riêng gồm tới 52 thành viên, nâng tổng số nhân viên phục vụ dịp lễ hội lên hơn 100 người. “Các thành viên được bố trí ở nhiều vị trí khác nhau để hướng dẫn khách hành hương thực hiện đúng các nội quy, quy định cũng như thay nhau giám sát 24/24h tại quần thể di tích nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp ăn xin, trộm cắp; trao trả lại du khách những vật dụng bị rơi hoặc để quên trong quá trình di chuyển. Nhờ vậy mà đã tạo được sự hài lòng cho du khách, nhất là đối với công tác đón tiếp khách, giữ gìn vệ sinh môi trường chung, cho đến việc trông giữ xe, bán vé... Đặc biệt, từ mùa lễ hội năm 2017, nhờ phối hợp với doanh nghiệpđầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 2 bãi đỗ xe và làm công tác trung chuyển khách lên núi với giá 50.000 đồng/ người/ 2 lượt lên xuống, lễ hội đền Nưa - Am Tiên chẳng những đã tránh được những tai nạn không đáng có; mà còn khắc phục được tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ, đồng thời chấn chỉnh được hiện tượng xô bồ, mất an ninh trật tự, mang lại cho du khách tâm lý thảnh thơi khi về đây vãn cảnh cũng như dâng hương cầu nguyện” - Chủ tịch UBND xã Tân Ninh, ông Lê Đình Tâm cho biết.

Với những nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền huyện Triệu Sơn, lễ hội Am Tiên giờ đây đang trở thành ngày hội không chỉ của nhân dân địa phương mà còn của du khách thập phương trong và ngoài tỉnh. Vì vậy mà trung bình có từ 5.000 - 8.000 lượt khách về Am Tiên trong mùa lễ hội. Riêng buổi sáng ngày mở cổng trời năm nay ước tính có tới 30.000 lượt khách, tăng 1,2% so với năm 2017. Điều này giải thích được vì sao, dù đã quá 12h trưa nhưng dòng người và xe đổ về Am Tiên thì vẫn nối đuôi nhau nườm nượp. Phía trên đỉnh núi, nhiều du khách vẫn thảnh thơi vãn cảnh, số khác thì mải mê cầu nguyện, hoặc nhẫn nại đi vòng quanh huyệt đạo với một tinh thần phấn chấn đến kỳ lạ. Thế nhưng, trong quan sát của tôi, nhiệt tình nhất có lẽ vẫn là những nhân viên trong ban quản lý lễ hội. Họ vẫn làm nhiệm vụ của mình không một phút lơi là mặc cho cái đói và cái rét đang thường trực. Chính họ đã góp phần quan trọng làm nên thành công cho lễ hội, đưa nơi đây trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh, một nơi đáng để lòng người muôn phương hội ngộ. Am Tiên ơi, hẹn ngày trở lại!

Mai Vui


Mai Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]