(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhắc đến thực trạng của ngành du lịch trong 2 năm vừa qua, nhiều người kinh doanh, làm nghề vẫn chưa hết bàng hoàng bởi cú “sốc” do đại dịch COVID-19 gây ra. Thậm chí, người ta ví nó như “cơn ác mộng”.

Du lịch “đứng dậy” sau đại dịch: Lao đao cú “sốc” COVID-19

Nhắc đến thực trạng của ngành du lịch trong 2 năm vừa qua, nhiều người kinh doanh, làm nghề vẫn chưa hết bàng hoàng bởi cú “sốc” do đại dịch COVID-19 gây ra. Thậm chí, người ta ví nó như “cơn ác mộng”.

Du lịch “đứng dậy” sau đại dịch: Lao đao cú “sốc” COVID-19

Đại dịch COVID-19 xuất hiện đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh khách sạn, nhà hàng.

Du lịch “đóng băng”

Chuyên tổ chức các tour du lịch trong nước và quốc tế, Công ty CP du lịch quốc tế Hữu Nghị được nhiều người biết đến bởi sự uy tín và chuyên nghiệp. 2 năm xảy ra đại dịch COVID-19, hoạt động của công ty gần như trong tình trạng “đóng băng”. Ông Đỗ Hoàng Hữu, Giám đốc công ty, cho biết: “Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, hoạt động du lịch sôi động, doanh nghiệp có doanh thu ổn định, tạo việc làm cho hàng chục lao động, trong đó có nhiều hướng dẫn viên chuyên nghiệp, yêu nghề gắn bó với công ty thời gian dài. Nhưng 2 năm xảy ra dịch bệnh, công ty buộc phải chia tay nhiều nhân sự, không ít người đã phải chuyển sang ngành nghề khác... Những tổn thất thực sự khó kể hết. Bởi nó không đơn thuần chỉ dừng lại ở những con số”.

Tương tự, anh Lý Tuấn Khải, Giám đốc Công ty du lịch Hành trình xanh Thanh Hóa, chia sẻ: “Năm 2019, doanh thu từ hoạt động du lịch của công ty đạt gần 4 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động. Nhưng sang năm 2020 thì èo uột và 2021 gần như dừng hoàn toàn, không hoạt động, không nguồn thu, nhân viên của công ty buộc phải nghỉ việc, chuyển nghề để mưu sinh. Với người làm chủ doanh nghiệp, việc phải chia tay những nhân viên đã gắn bó, cống hiến cho công ty thực sự là điều bất đắc dĩ”.

Khách sạn, nhà hàng “bù lỗ” để duy trì hoạt động

Tháng 10-2019, sau thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, đầu tư cơ sở vật chất khang trang, anh Lục Vĩnh Hưng (TP Thanh Hóa) quyết định khai trương Nhà hàng lẩu nấm Hoàng Long tại phường Đông Hương (TP Thanh Hóa). Với tiêu chí sức khỏe, bổ dưỡng và trường thọ, Nhà hàng lẩu nấm Hoàng Long sau khi đi vào hoạt động đã được thực khách đón nhận, công việc kinh doanh bước đầu khá ổn định. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 xuất hiện việc kinh doanh của nhà hàng thường xuyên gián đoạn. Lượng khách giảm, doanh thu không ổn định, trong khi các chi phí để duy trì hoạt động của nhà hàng (mặt bằng, điện nước, nhân viên...) mỗi tháng cả trăm triệu đồng vẫn phải chi trả, khiến người đứng đầu cơ sở kinh doanh gồng mình ứng phó.

Là công ty kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, tổ chức sự kiện có quy mô lớn hàng đầu tại Thanh Hóa, Công ty CP Dạ Lan (TP Thanh Hóa) cũng không nằm ngoài tác động của “cơn bão” COVID-19. Bà Nguyễn Thị Hồng Liên, Giám đốc Công ty CP Dạ Lan, thông tin: “Chỉ tính trong năm 2020 doanh thu của công ty giảm 35%, lợi nhuận giảm 45% so với năm 2019; tình hình tài chính không ổn định, có những lúc phải chịu lỗ. Ngay cả khi đại dịch kết thúc, “di chứng” để lại cũng khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do sự thay đổi về cách thức kinh doanh và hành vi khách hàng. Dịch bệnh dẫn đến các đợt giãn cách kéo dài, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, doanh nghiệp đối mặt với khó khăn trong nguồn cung nguyên liệu khi giá cả tăng cao. Việc cung cấp sản phẩm ra thị trường gặp vấn đề khi các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ phải dừng hoạt động do các đợt giãn cách liên tục; doanh nghiệp phải tăng chi phí cho các chương trình khuyến mại để hút khách, thêm nữa là các chi phí phòng, chống dịch. Chính những yếu tố này đã khiến doanh nghiệp gặp khó chồng khó”.

Và những con số

Sầm Sơn là một trong những thành phố du lịch biển sôi động trong cả nước. Nhưng trong 2 năm đại dịch diễn biến phức tạp, thành phố không tránh khỏi sự đìu hiu, vắng lặng. Khách du lịch không có, khách sạn, nhà hàng đóng cửa không hoạt động, các dịch vụ kinh doanh phụ trợ ngưng trệ khiến đời sống người làm dịch vụ gặp nhiều khó khăn. Nếu 2020 là một năm không vui của du lịch Sầm Sơn thì 2021 thực tế còn tồi tệ hơn khi tổng doanh thu từ du lịch chỉ hơn 1.365 tỷ đồng, đạt 35,4% kế hoạch đề ra. Ông Cao Thiện Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Sầm Sơn, cho biết: “Do không chịu được sức ép vì đại dịch xảy ra, thời gian qua ước tính có khoảng 20% khách sạn, nhà hàng trên địa bàn TP Sầm Sơn rao bán, chuyển nhượng”.

Du lịch “đứng dậy” sau đại dịch: Lao đao cú “sốc” COVID-19

Dù lượng khách giảm, song nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn vẫn phải gồng gánh các chi phí.

Tác động của đại dịch COVID-19 đã khiến cho lượng khách du lịch đến Thanh Hóa giảm nhiều. Năm 2020, du lịch Thanh Hóa đón trên 7,3 triệu lượt khách, giảm 24% so với năm 2019, tổng doanh thu đạt 10.394 tỷ đồng, giảm 28,4% so với năm 2019; sang năm 2021, lượng khách du lịch giảm 53,4% so với 2020, doanh thu trên 5.000 tỷ đồng, chỉ đạt 21,9% kế hoạch đề ra.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 2 năm vừa qua, tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh số lượng khách đặt phòng giảm mạnh, công suất sử dụng phòng chỉ đạt 25% - 30%/năm. Ước tính thiệt hại về doanh thu phòng nghỉ khoảng 2.400 tỷ đồng; thiệt hại doanh thu ăn uống du lịch khoảng 2.950 tỷ đồng và mua sắm, vui chơi giải trí là 1.600 tỷ đồng; các doanh nghiệp lữ hành chịu áp lực rất lớn trong việc bồi hoàn tiền do hủy tour, lùi tour. Thời điểm dịch bùng phát, số lượng khách hủy tour gần 19.400 lượt người, thiệt hại tiền đặt cọc dịch vụ ước tính 65 tỷ đồng. Cũng bởi dịch bệnh, đã có khoảng 15.000 lao động du lịch trên địa bàn tỉnh phải tạm thời nghỉ việc không lương, giảm giờ làm và trên 25.000 lao động mất việc làm.

Bài và ảnh: Thu Trang


Bài và ảnh: Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]