(vhds.baothanhhoa.vn) - Đại dịch COVID-19 xuất hiện và kéo dài khiến doanh nghiệp và người lao động lĩnh vực du lịch gặp vô vàn khó khăn. Để thích ứng, người trong cuộc buộc phải xoay xở bằng nhiều cách khác nhau.

Du lịch “đứng dậy” sau đại dịch: Thay đổi để thích ứng

Đại dịch COVID-19 xuất hiện và kéo dài khiến doanh nghiệp và người lao động lĩnh vực du lịch gặp vô vàn khó khăn. Để thích ứng, người trong cuộc buộc phải xoay xở bằng nhiều cách khác nhau.

Du lịch “đứng dậy” sau đại dịch: Thay đổi để thích ứng

Với Công ty CP Dạ Lan, bên cạnh khó khăn, đại dịch COVID-19 cũng là dịp để nhìn nhận lại hoạt động kinh doanh.

Khi doanh nghiệp và người lao động cùng nhau “chia” khó

Có 15 năm làm việc tại Trung tâm nghỉ dưỡng khách sạn Bộ Xây dựng (TP Sầm Sơn), chị Nguyễn Thị Thủy chia sẻ: “Trong hơn 2 năm xảy ra đại dịch, tôi chỉ có lương cơ bản, thu nhập giảm còn 50% so với trước, nên gặp nhiều khó khăn trong trang trải chi phí sinh hoạt của gia đình. Tuy nhiên, so với nhiều người làm nghề, tôi thấy mình vẫn may mắn vì còn có việc làm”.

Ông Tống Phúc Văn, Giám đốc Trung tâm nghỉ dưỡng khách sạn Bộ Xây dựng, cho biết: “Đơn vị chúng tôi vốn hoạt động lâu năm trong lĩnh vực lưu trú với quy mô 150 phòng tiêu chuẩn 3 sao, đáp ứng nhu cầu của đồng thời 500 khách nghỉ và 1.000 khách ăn uống. Để vận hành hoạt động, doanh nghiệp có 36 cán bộ, người lao động làm việc thường xuyên, vào những dịp cao điểm chúng tôi phải tuyển thêm hơn 20 lao động thời vụ. Hoạt động kinh doanh của trung tâm khá ổn định, cho đến khi đại dịch xảy ra. Năm 2020, doanh thu kinh doanh của đơn vị chỉ đạt 60% so với năm 2019 và giảm còn 20% trong năm 2021, thu không đủ chi. Nhưng với chủ trương doanh nghiệp và người lao động cùng nhau chia sẻ để vượt qua khó khăn, ngoài việc tính toán cắt giảm một số chi phí, chúng tôi sử dụng nhiều nguồn quỹ khác nhau nhằm hỗ trợ để người lao động không bị mất việc làm và duy trì, bảo dưỡng cơ sở vật chất, đợi khi du lịch phục hồi”.

Trong khi nhiều nhà hàng kinh doanh ăn uống phải đóng cửa thì tháng 7-2021, anh Lục Vĩnh Hưng, Giám đốc Nhà hàng lẩu nấm Hoàng Long (TP Thanh Hóa) tiếp tục đầu tư mở thêm cơ sở kinh doanh mới - Nhà hàng lẩu nấm Việt Thanh tại phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa). Anh Hưng chia sẻ: “Mở thêm nhà hàng trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ là quyết định táo bạo, song không phải bộc phát liều lĩnh bởi tôi tin khó khăn do đại dịch sẽ sớm được kiểm soát. Do dịch bệnh, lượng khách đến ăn trực tiếp tại nhà hàng giảm mạnh, tuy nhiên nhu cầu thưởng thức ẩm thực vẫn có, bởi vậy chúng tôi chủ động tiếp cận bán hàng cho khách thông qua việc kinh doanh online, bán hàng mang về, giao hàng tận nhà với chất lượng đảm bảo. Cùng với đó, làm việc với các đối tác, đơn vị cung ứng để giảm bớt chi phí đầu vào nhằm bình ổn giá. Động lực để doanh nghiệp quyết tâm đầu tư và duy trì hoạt động kinh doanh vì mục tiêu phát triển bền vững bởi chúng tôi tự tin vào chất lượng sản phẩm dịch vụ của mình. Điều đó được minh chứng bằng những ủng hộ, phản hồi tích cực từ khách hàng”.

Hiện tại, chuỗi Nhà hàng lẩu nấm Hoàng Long - Việt Thanh đang tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động. Ở thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang trên đà phục hồi, anh Lục Vĩnh Hưng kỳ vọng năm 2022, doanh thu của chuỗi nhà hàng sẽ tăng 30 - 40% so với 2 năm đại dịch.

Phép thử "sức đề kháng" của doanh nghiệp

Xác định, dịch bệnh gây khó khăn, thách thức nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp nhìn nhận lại hoạt động kinh doanh, rà soát, tái cơ cấu, tái cấu trúc mọi mặt nhằm hoàn thiện quy trình quản trị, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Giám đốc Công ty CP Dạ Lan - bà Nguyễn Thị Hồng Liên chia sẻ về những nỗ lực để doanh nghiệp vượt khó trong đại dịch: “Trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát, việc số hóa được ứng dụng mạnh mẽ nhằm tối ưu hóa quy trình quản trị, cải thiện năng suất làm việc, cải thiện trải nghiệm khách hàng thông qua các giải pháp công nghệ, tạo sự tương tác nhanh chóng, thuận tiện giữa khách hàng với doanh nghiệp; đẩy mạnh các hình thức bán hàng online, phát triển các mô hình tổ chức tiệc outside (ngoài phạm vi nhà hàng). Bên cạnh đó, doanh nghiệp chú trọng cải tạo, nâng cấp, làm mới không gian nhằm mang đến những trải nghiệm tốt hơn cho khách khi đến sử dụng dịch vụ. Đặc biệt, không thể không nhắc đến những chính sách hỗ trợ kịp thời của nhà nước. Dạ Lan là doanh nghiệp đầu tiên của TP Thanh Hóa tiếp cận được gói vay không lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Thanh Hóa theo Nghị quyết 68 của Chính phủ”.

Cũng theo người đứng đầu Công ty CP Dạ Lan, bước qua cú “sốc” COVID-19, câu chuyện phải đối diện thực tế với mỗi doanh nghiệp không chỉ là phục hồi mà rộng hơn. Cần phải suy nghĩ về việc tạo cho mình nội lực đủ mạnh để từ đó chủ động linh hoạt ứng biến với mọi tình huống xảy ra. Và chuẩn bị tiềm lực kinh tế thôi chưa đủ, chính người lao động là “chìa khóa” mở ra thành công cũng như sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ khách sạn, nhà hàng.

Du lịch “đứng dậy” sau đại dịch: Thay đổi để thích ứng

Vượt qua những thời điểm khó khăn nhất vì đại dịch, anh Lục Vĩnh Hưng, Giám đốc chuỗi Nhà hàng lẩu nấm Hoàng Long - Việt Thanh kỳ vọng doanh thu trong năm 2022 sẽ tăng 30 - 40% so với 2 năm xảy ra dịch COVID-19.

Được biết đến là doanh nghiệp đi đầu “khai phá” trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn nghỉ dưỡng, nhà hàng ở du lịch biển Hải Tiến (Hoằng Hóa), Công ty TNHH đầu tư và du lịch Hải Tiến hiện là chủ sở hữu của tổ hợp khách sạn Ánh Phương và hơn 10 biệt thự nghỉ dưỡng với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, 2 năm đại dịch bùng phát, ngoài việc không có nguồn thu, doanh nghiệp vẫn phải chi gần 10 tỷ đồng để trang trải các chi phí cơ bản. Dẫu vậy, dù là doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH đầu tư và du lịch Hải Tiến vẫn nỗ lực đảm bảo duy trì trả lương cho 30 nhân sự làm việc thường xuyên. Bên cạnh đó là trách nhiệm với cộng đồng khi tự nguyện làm điểm cách ly phòng, chống dịch COVID-19 không tính phí.

Ông Lê Xuân Thảo, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và du lịch Hải Tiến, nhìn nhận: “Do ảnh hưởng của đại dịch suốt 2 năm qua, không doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ khách sạn nhà hàng nào đứng ngoài những khó khăn. Nhưng đó cũng là phép thử cho “sức đề kháng” của doanh nghiệp. Để từ đây, mỗi doanh nghiệp nếu thực sự muốn đi con đường kinh doanh bền vững thì cần phải có chiến lược phát triển cụ thể, dài hơi. Trong đó, không thể không tính toán đến những rủi ro bất ngờ có thể tiếp tục xảy ra để từ đó có sự phòng bị. Bản thân mỗi doanh nghiệp kinh doanh nói chung cần phải tự tạo cho mình sức đề kháng để tồn tại, chủ động vượt qua khó khăn”.

Bài và ảnh: Lương Khoa


Bài và ảnh: Lương Khoa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]