(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm ở phía Bắc huyện Hà Trung, làng Thổ Khối, xã Yên Dương (Hà Trung) mang địa thế của một thung lũng hết sức lợi hại. Có lẽ bởi vậy, mà gần 750 năm về trước, vua quan nhà Trần đã chọn nơi đây là chốn “lui về” để dụng binh đánh giặc Nguyên Mông xâm lược. Để đến hôm nay về vùng đất cổ, một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Thổ Khối - còn gọi là đền Trần Hưng Đạo với những chuyện kể về vị tướng anh hùng xuất chúng vẫn được người dân lưu truyền.

Du xuân về làng Thổ Khối thăm đền Đức thánh Trần

Nằm ở phía Bắc huyện Hà Trung, làng Thổ Khối, xã Yên Dương (Hà Trung) mang địa thế của một thung lũng hết sức lợi hại. Có lẽ bởi vậy, mà gần 750 năm về trước, vua quan nhà Trần đã chọn nơi đây là chốn “lui về” để dụng binh đánh giặc Nguyên Mông xâm lược. Để đến hôm nay về vùng đất cổ, một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Thổ Khối - còn gọi là đền Trần Hưng Đạo với những chuyện kể về vị tướng anh hùng xuất chúng vẫn được người dân lưu truyền.

Du xuân về làng Thổ Khối thăm đền Đức thánh TrầnVăn bia dựng dưới thời vua Tự Đức với nội dung ca ngợi công đức Đức thánh Trần và việc trùng tu di tích đền thờ ngài hiện đang lưu giữ tại đền Trần Hưng Đạo làng Thổ Khối.

Thổ Khối là một làng cổ, sự lâu đời hiển hiện ở ngay tên làng. Đến nay, chưa có tư liệu nào khẳng định chắc chắn về thời gian lập làng. Lưu truyền dân gian làng Thổ Khối vẫn được các cụ cao niên kể lại, rằng Thổ Khối được hình thành bởi ba cồn đất trên một vùng đầm lầy, rậm rạp. Thuở ban đầu sơ khai, có ba gia đình thuộc ba dòng họ Tống, Trịnh, Nguyễn đến đây khai hoang, vỡ đất. Và chính những người đầu tiên đến đây gây dựng cơ nghiệp đã thống nhất đặt tên cho làng là Thổ Khối và tên gọi này tồn tại cho đến ngày nay.

Là vùng đất khá trũng được tạo nên bởi sự bồi đắp chủ yếu của phù sa sông Tống (Tống giang) từ thượng nguồn chảy về. Dòng sông Tống không chỉ mang lại nguồn lợi thủy sản phong phú cho người dân nơi đây mà còn tạo nên vị thế giao thông đắc địa để từ xa xưa, Thổ Khối đã trở thành nơi giao lưu, buôn bán sầm uất của cư dân trong vùng.

Cùng với đó theo các nhà nghiên cứu, không chỉ là “thung lũng” nằm ở ngã ba sông (nơi gặp gỡ của ba con sông: sông Tống, sông Hoạt và sông Long Khê) thuận lợi cho giao thông đường thủy, Thổ Khối còn được bao bọc bởi các ngọn núi như những bức tường thành thiên tạo bao bọc: Dãy núi Tam Điệp trấn giữ phía Bắc; núi Chuông Phi Lai án ngữ phía Nam, một phần phía Đông; phía Tây là hệ thống núi đồi đá từ Thạch Thành “kéo” xuống... Điều này mang lại cho Thổ Khối sự “lợi hại” cả về “thế công lẫn thế thủ”. Đây phải chăng là nguyên do vào thế kỷ XIII, vị tướng thiên tài Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 2 (1285) đã chọn Thổ Khối làm nơi “lui binh” chiến lược và trở thành “bàn đạp” để tấn công kẻ thù.

Về nguồn gốc đền thờ Trần Hưng Đạo (đền Thổ Khối), sách Địa chí huyện Hà Trung viết: “Theo các nhà nghiên cứu lịch sử trong tỉnh và trong nước thì vùng Thổ Khối và một số điểm xung quanh là nơi mà vào tháng 3-1285 để bảo toàn lực lượng và né tránh sự bao vây, tấn công của giặc Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo - vị tướng tài ba đã trực tiếp đưa hai vua Trần theo đường Thần Phù - sông Hoạt đến vùng Thổ Khối nương náu một cách an toàn. Sau thời gian củng cố lực lượng tại Thổ Khối và vùng Đông Bắc Hà Trung, tháng 5-1285, Trần Hưng Đạo quyết định tiến quân ra Bắc một cách bất ngờ và phối hợp cùng với các đạo quân khác làm nên các chiến thắng vang dội như Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết để cuối cùng quét dọn sạch giặc Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi nước ta”.

Đến ngày nay, trải qua hơn 7 thế kỷ, người dân Thổ Khối vẫn lưu truyền những câu chuyện kể về ngài (Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn) và quân đội nhà Trần trong những ngày nương náu tại đây. Đó là khi vua nhà Trần đến Thổ Khối thì trời đã tối, Hưng Đạo vương đã cõng vua lên bờ nghỉ ngơi, được người dân địa phương nấu cơm, bắt cá dưới sông nướng mời vua ăn. Đây cũng là “lý do” cho đến ngày nay, trong những kỳ lễ thần tại đền Trần làng Thổ Khối người dân vẫn duy trì lễ tục cúng một niêu cơm nhỏ và con cá nướng để tưởng nhớ những ngày tháng cam go, gian khổ đánh giặc. Lại có chuyện kể rằng, những ngày vua tôi nhà Trần đóng quân ở Thổ Khối, từ miền núi rừng phía Tây đến đồng bằng duyên hải xứ Thanh, trai tráng khắp nơi tìm về xin được tòng quân; các vị bô lão, phụ nữ thì chở thuyền, gánh gạo giúp đỡ... nghĩa tình gắn kết vua tôi nhà Trần và người dân càng thêm thắm thiết.

Có lẽ bởi vậy, mà có ý kiến nhìn nhận cho rằng, trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai của dân tộc ta, vùng đất xứ Thanh đóng vai trò không chỉ là hậu phương cung cấp nhân tài, vật lực cho cuộc kháng chiến mà có lúc từng là trung tâm đầu não - bộ chỉ huy của vua quan nhà Trần, từng có lúc lại là chiến trường ác liệt sinh tử đối với công cuộc phòng thủ đất nước. Những tên làng, tên núi, tên sông như Ba Lá, Ba Bùi, Ba Chìa, Ba Láng, Thổ Khối, Phú Tân - Vụng Chế (Hà Trung)... cùng với những tên tuổi người con ưu tú của xứ Thanh như Đại toát Lê Mạnh, Chu Văn Lương, Mai Phúc Trường... đã góp phần cùng vua tôi nhà Trần và Nhân dân cả nước làm nên chiến thắng giặc Nguyên Mông lần thứ hai (theo sách Đền Thổ Khối di tích lịch sử văn hóa quốc gia).

Du xuân về làng Thổ Khối thăm đền Đức thánh TrầnNgười dân dâng hương tại đền thờ Trần Hưng Đạo.

Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn là nhà chính trị lỗi lạc, danh tướng tài ba xuất chúng - anh hùng dân tộc, sau khi mất ngài được người dân cả nước suy tôn là Đức thánh Trần, lập đền thờ phụng ở nhiều nơi. Và tại xứ Thanh, di tích lịch sử văn hóa đền Trần Hưng Đạo (còn gọi là đền Thổ Khối) là một trong những di tích tiêu biểu thờ ngài.

Căn cứ theo văn bia lưu giữ tại đền được khắc dưới triều vua Tự Đức, hậu thế biết được: Khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược các tỉnh miền Đông Nam bộ rồi tiến quân ra Bắc, triều đình nhà Nguyễn đã phái quan đại thần Tôn Thất Thuyết ra đánh dẹp giặc. Trên đường hành quân, qua vùng đất Thổ Khối, thấy có ngôi đền, ông (tức Tôn Thất Thuyết) hỏi người dân thì được biết là đền thờ Đức thánh Trần. Vị quan đại thần nhà Nguyễn đã thành tâm khấn nguyện Đức thánh Trần phù trợ, nếu thắng trận sẽ về tâu với triều đình cho tôn tạo thêm phần uy linh. Quả nhiên, ở lần tiến quân ấy Tôn Thất Thuyết thắng trận. Trở về kinh đô Huế, không quên lời hứa, ông đã tâu với nhà vua. Sau đó, triều đình nhà Nguyễn đã ban sắc cho Nhân dân Thanh Hóa và phủ Hà Trung tôn tạo lại đền khang trang, bề thế. Với giá trị lưu giữ, đền Trần Hưng Đạo làng Thổ Khối đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Ông Phạm Văn Đức - công chức văn hóa xã hội xã Yên Dương cho biết: “Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Trần Hưng Đạo làng Thổ Khối là “điểm tựa” tâm linh, biểu thị truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt nói chung, người dân địa phương nói riêng. Với sự kính ngưỡng trước uy linh của ngài, hàng năm vào dịp lễ hội (tháng tám và tháng Giêng) đông đảo Nhân dân trong vùng và du khách trong, ngoài tỉnh về đền dâng hương, cầu mong những điều tốt đẹp. Di tích và lễ hội gắn liền với tín ngưỡng dân gian thờ Đức thánh Trần là nét đẹp văn hóa đang được người dân giữ gìn và phát huy”.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]