(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc gắn với từng vùng, miền trong tỉnh như: Trò Xuân Phả (Thọ Xuân), trò diễn Đông Anh (Đông Sơn), trò Chiềng (Yên Định), Pồôn Pôông (Ngọc Lặc), khặp Thái, hát xẩm, hát chèo, đánh trống hội... đã và đang được khai thác có hiệu quả. Để góp phần làm sống lại những bộ môn nghệ thuật quý báu này có một phần đóng góp không nhỏ của những nghệ nhân. Họ là những 'báu vật nhân văn sống'.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gian nan bảo tồn nghệ thuật truyền thống (Kỳ 3): Tự hào những ‘báu vật nhân văn sống’

(VH&ĐS) Những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc gắn với từng vùng, miền trong tỉnh như: Trò Xuân Phả (Thọ Xuân), trò diễn Đông Anh (Đông Sơn), trò Chiềng (Yên Định), Pồôn Pôông (Ngọc Lặc), khặp Thái, hát xẩm, hát chèo, đánh trống hội... đã và đang được khai thác có hiệu quả. Để góp phần làm sống lại những bộ môn nghệ thuật quý báu này có một phần đóng góp không nhỏ của những nghệ nhân. Họ là những "báu vật nhân văn sống".

Trở lại xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân không lâu sau ngày trò Xuân Phả được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, chúng tôi được nghe rất nhiều lời khen về những đóng góp to lớn của Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Hùng - người gần như gắn cuộc đời mình với từng trò diễn. Sau cái bắt tay thật chặt, nụ cười thân thiện, ông bắt đầu câu chuyện: “Sau nhiều thăng trầm, đến năm 1990 địa phương mới đưa ra chủ trương khôi phục lại các điệu múa, trò diễn. Chính sự quan tâm, tin tưởng của lãnh đạo xã và bà con đã tạo động lực cho tôi rất nhiều.

Đặc biệt kể từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, trò Xuân Phả được quan tâm nhiều hơn, được đầu tư kinh phí mua sắm trang phục, đạo cụ. Từ việc biểu diễn các vai của 5 điệu múa một cách thuần thục, tôi còn tích cực vận động các cụ cao tuổi trong làng đã từng múa trò nhiều năm mở lớp truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ. Giờ đây trò Xuân Phả được trao truyền từ đời này qua đời khác. Từ người già đến người trẻ, không ai ở Xuân Trường là không biết trò Xuân Phả. 9/9 thôn trong xã đều có đội múa Xuân Phả. Hàng năm, xã đều tổ chức các lớp tập huấn cho 120 - 150 em học sinh Trường THPT Xuân Trường để các cháu thêm hiểu, thêm yêu và đam mê các điệu múa, trò diễn Xuân Phả. Đây là tín hiệu lạc quan, đảm bảo cho sự tồn tại đầy sinh động của di sản phi vật thể quốc gia mang tên trò Xuân Phả”.

Những nghệ nhân dân gian đã góp phần không nhỏ để khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị Trò diễn Xuân Phả. (Ảnh: Đình Giang)

Nhắc đến ca trù không thể không nhắc đến công lao của nghệ nhân ưu tú Ngô Trọng Bình. Tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng ông vẫn “say” ca trù và bằng cái tâm của mình. Ông đã dồn nhiều công sức, tiền của để truyền lại sự yêu thích, niềm đam mê đối với bộ môn ca trù này cho nhiều người. Khi còn khỏe, ông làm nghề quay tông đơ, mài dao kéo trên phố Lê Hoàn để duy trì hoạt động của CLB dân ca và Ca trù Thành Hạc (TP Thanh Hóa). Rồi khi về sống trong ngôi nhà nhỏ vui vầy với con cháu, ông vẫn rộng mở cửa để đón những người có chung niềm đam mê với ca trù. Và chính CLB Hương Xưa do ông thành lập, thành phần không phải là những nghệ sỹ chuyên nghiệp, họ là những công chức đã về hưu, thậm chí có những người làm xe ôm, bán vịt quay... vẫn đam mê với ca trù đã tìm đến nhau để thỏa nỗi nhớ nhịp phách, tiếng đàn, từ đó đạt được nhiều thành tích đáng kể trong các hội thi, hội diễn.

Nghệ nhân ưu tú Ngô Trọng Bình. (Ảnh: Thu Thủy)

Đó cũng là Nghệ nhân ưu tú Tô Quốc Phương, xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa, người hiện đang nắm giữ nghệ thuật trình diễn dân gian hát chèo, đặc biệt là hát xẩm. Cả cuộc đời đam mê với nghệ thuật truyền thống, ông được nhiều người đánh giá là nghệ nhân có tâm trong việc gìn giữ, phát huy vốn văn hóa của dân tộc. Và trong cuộc đời mình, ông cũng không nhớ rõ đã truyền dạy cho bao nhiêu thế hệ học trò, trong đó có nhiều học trò ở các tỉnh khác lặn lội đến học nghề. Trong câu chuyện, ánh mắt ông ánh lên niềm hạnh phúc khi kể về những người học trò của mình. Điển hình như chị Nguyễn Thị Oanh đã được tôn vinh là Nghệ nhân ưu tú. Không chỉ vui vì trò tiến bộ, mà ông càng vui hơn khi ngày càng có thêm nhiều người gìn giữ, phát huy và họ cũng chính là những người “truyền lửa” cho thế hệ sau.

Đó cũng là tâm sự của Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Tắng - nghệ nhân loại hình lễ hội truyền thống ở xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc. Bà Tắng cho biết: Múa Pồôn Pôông là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào Mường. Ngay từ những ngày còn nhỏ, tôi đã sớm say mê lời ca, điệu múa, nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Từ trước đến nay, tôi cứ lặng lẽ làm, lặng lẽ cống hiến và vui hơn khi những cố gắng, nỗ lực của bản thân đã được ghi nhận, đánh giá cao. Trong sâu thẳm bà luôn hy vọng, tin tưởng bản sắc văn hóa truyền thống múa Pồôn Pôông của người Mường sẽ không mai một theo thời gian.

Nghệ nhân Phạm Thị Tắng. (Ảnh: Viết Trung)

Ngoài ông Bình, ông Phương, bà Tắng, ông Hùng... ở Thanh Hóa hiện còn rất nhiều người tâm huyết với việc giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc. Nhờ đó mà có thời kỳ dân ca Đông Anh, trò Xuân Phả (Thọ Xuân), trò Chiềng (xã Yên Ninh, huyện Yên Định)... trong tình trạng dần bị mai một, nhưng được sự quan tâm của ngành văn hóa, sự vào cuộc kịp thời của các cấp, các ngành, và trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của các nghệ nhân, các trò này đã được khôi phục nguyên trạng. Đó cũng là công sức đóng góp của nghệ nhân ở các huyện miền núi trong việc khôi phục, gìn giữ và phát huy được nhiều trò chơi, trò diễn dân gian, như Pồôn Pôông của người Mường, trống Chiêng (dân tộc Thổ), múa bát (Ngọc Lặc, Cẩm Thủy)... Những trò diễn phong tục như cồng chiêng, séc bùa ở huyện Thạch Thành, Cẩm Thủy cũng đang được các nghệ nhân khôi phục và phát huy hiệu quả.

Múa Pồôn Pôông. (Ảnh: T.T)

Thực tế cho thấy, những nghệ nhân đều đã ở độ tuổi xưa nay hiếm, hầu hết họ không có lương (trừ trường hợp nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Hùng) nhưng bằng niềm đam mê, sự tâm huyết, các nghệ nhân vẫn miệt mài sưu tầm, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc và truyền lại cho mai sau “hồn cốt’ của dân tộc là việc làm rất đáng trân trọng. Nhiều năm qua, bất kể lúc nào có các lớp tập huấn của Trung tâm Văn hóa tỉnh, hay một số địa phương như Hoằng Hóa, Quảng Xương... tổ chức, khi được mời tham gia giảng dạy, họ lại sẵn sàng “lên đường” để giúp nhiều người hiểu hơn những nét văn hóa đặc sắc của cha ông để lại...

Nói như Nghệ nhân ưu tú Ngô Trọng Bình: “Tâm nguyện lớn nhất của tôi là làm sao để nhiều người biết, hiểu, yêu và đam mê hơn với các bộ môn nghệ thuật truyền thống này hơn. Nếu không làm được thì trước tiên là có lỗi với tổ tiên, sau nữalà có lỗi với thế hệ mai sau. Còn sống ngày nào, tôi còn giữ "lửa” ngày đó”.

Lời tâm sự của nghệ nhân ưu tú Ngô Trọng Bình cùng là nỗi lòng của biết bao nghệ nhân khác. Chính họ là người đã, đang và sẽ góp một phần quan trọng tạo nên sắc thái văn hóa của người xứ Thanh.

Trung Hiếu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]