(vhds.baothanhhoa.vn) - "50 bài học giáo dục từ người mẹ có 3 con trai theo học Stanford” của tiến sĩ Trần Mỹ Linh - ca sĩ, nhà văn viết tùy bút, tiến sĩ giáo dục học người gốc Hồng Kông là trải nghiệm thực tiễn và thành công dành cho bất cứ người mẹ nào muốn đồng hành cùng con mình trong việc thiết lập mục tiêu và nỗ lực hành động để đạt được ước mơ đó.

Giáo dục con: Không chỉ là nghệ thuật của người làm mẹ

"50 bài học giáo dục từ người mẹ có 3 con trai theo học Stanford” của tiến sĩ Trần Mỹ Linh - ca sĩ, nhà văn viết tùy bút, tiến sĩ giáo dục học người gốc Hồng Kông là trải nghiệm thực tiễn và thành công dành cho bất cứ người mẹ nào muốn đồng hành cùng con mình trong việc thiết lập mục tiêu và nỗ lực hành động để đạt được ước mơ đó.

Giáo dục con: Không chỉ là nghệ thuật của người làm mẹ

Những ngày đầu năm mới, tôi có thói quen tự chọn cho mình những cuốn sách hay để chiêm nghiệm; đồng thời hướng dẫn các con mình tìm những đoạn văn ý nghĩa để các cháu chép vào vở để rèn bút, giũa nết.

Năm nay, tôi đã chọn cuốn: 50 bài học giáo dục từ người mẹ có 3 con trai theo học Stanford nhân những ngày đầu xuân. Tôi nghĩ: Người mẹ ấy đã thành công bằng sự hiểu biết, tận tụy và say mê của mình thì tôi rất muốn học theo, có thêm những kinh nghiệm hay dạy dỗ các con của mình trên hành trình khám phá tri thức, hoàn thiện nhân cách.

Như tiến sĩ Trần Mỹ Linh chia sẻ: Phương pháp và kinh nghiệm được viết trong cuốn sách không phải là kỹ năng cần thiết để các con thi vào trường đại học hàng đầu thế giới, đúng hơn sách tham khảo với mục tiêu bồi dưỡng những người trẻ tuổi có thể dụng võ bất cứ đâu trên thế giới.

Sách gồm 6 chương, lần lượt trải qua 50 bài học, từ 8 điều giác ngộ khi là phụ huynh, đến 11 mục tiêu giáo dục thiết lập cùng con; củng cố 15 sức mạnh muốn tặng con; 9 phương pháp bồi dưỡng một đứa trẻ hiếu học; 6 gợi ý ứng phó với con trẻ trong thời kỳ dậy thì. Riêng chương 6, tiến sĩ Trần Mỹ Linh nhắn nhủ: Đừng vì học phí mà từ bỏ mục tiêu giáo dục của con mình.

Trong các điều giác ngộ khi là phụ huynh, bản thân tôi rất tâm đắc với điều thứ 3: Phụ huynh chịu tất cả trách nhiệm giáo dục bởi việc hình thành nhân cách quan trọng như vậy không thể ủy thác vô trách nhiệm hoàn toàn đối với nhà trường hay một ai khác. Hay như điều thứ 8: Đừng hy vọng quan hệ cha mẹ và con cái như hai người bạn, tôi thấy rất thấm thía. Tiến sĩ Trần Mỹ Linh khẳng định: Những đứa trẻ không kính trọng và biết ơn cha mẹ sẽ không nhận được bất cứ sự tin tưởng nào. Chính vì vậy mà bà luôn có tâm thế, thái độ rất nghiêm cẩn trong việc giữ gìn mọi lễ nghi và hành xử với các con cũng như đòi hỏi ngược lại các con với cha mẹ của mình.

Lựa chọn con đường khó đi nhất là bài học thứ 18 nằm trong chương 2 - mục tiêu giáo dục là một sự lựa chọn dũng cảm của bà mẹ có 3 con đã đỗ vào trường đại học Stanford: Luôn giữ vững tinh thần hướng về phía trước của người thách thức là điều kiện để trở thành nhân tài mang tính toàn cầu. “Lúc hoang mang, hãy chọn con đường khó đi nhất”. Câu nói này cha của tiến sĩ Trần Mỹ Linh đã nhắn nhủ bà và bà cũng đã dùng chính câu này để cổ vũ các con mình từng ngày thiết lập các mục tiêu cao hơn trong sự nghiệp của mình.

Khá thú vị, tiến sĩ Trần Mỹ Linh không chỉ là người nguyên tắc, cẩn trọng trong cách dạy con mà còn thể hiện là một người giàu trí tưởng tượng và vô cùng sáng tạo. Bà có thể nhảy múa cùng con khi kể câu chuyện mỗi tối do chính bà tưởng tượng ra; hoặc chồng bà có thể hợp tác cùng kể câu chuyện rất khôi hài mà cả nhà cùng cười lăn. Đó chính là lúc thể hiện sức mạnh của tình yêu cha mẹ dành cho con, bồi dưỡng cho các con khả năng tưởng tượng và sáng tạo để các con có thể thích nghi trong hoàn cảnh khắc nghiệt và càng không bị phụ thuộc vào các yếu tố vật chất bên ngoài.

Làm thế nào để con thích thi cử và học tập? Tiến sĩ Trần Mỹ Linh đã trả lời rất rõ ràng đó là: Hãy cùng con bồi dưỡng sự tự tin và “hãy giúp con thực sự hiểu được nội dung bài học, hưởng thụ niềm vui học tập” bằng tình yêu, trách nhiệm, sự tận tụy của người mẹ thông tuệ.

Làm thế nào để cùng con vượt qua thời kỳ khủng hoảng của tuổi dậy thì? Hãy nói cho các bé biết về cấu tạo nguyên lý của hormones trước khi bọn trẻ bước vào dậy thì và hãy luôn nói thêm rằng: Trong một ngày hormones cũng có xao động, đừng căng thẳng, hãy bình tâm; chỉ cần qua được thời kỳ dậy thì sẽ đón được những ngày tháng vui vẻ nhất của đời người.

Hãy cùng con trong hành trình xác lập cái tôi của mình, hãy cùng con hỏi và trả lời mỗi ngày: Con là ai, tại sao con lại ở đây, tiếp theo con muốn làm gì để mỗi ngày đều cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa, có thể sống một cuộc đời có mục tiêu. Theo tiến sĩ Trần Mỹ Linh có 3 giai đoạn trong cuộc đời con người sẽ đón nhận 3 nguy cơ phải xác nhận cái tôi của mình. Đó là thời kỳ dậy thì; lần thứ hai là khi đi làm, kết hôn và lần thứ ba là khi con cái rời khỏi gia đình tự lập.

Điều cuối cùng cũng là điều đầu tiên mà bất cứ cha mẹ nào cũng quan tâm đặt ra câu hỏi và cân nhắc rất nhiều trước mỗi bước đường lựa chọn sự nghiệp và môi trường cùng con đó là tài chính. Tiến sĩ Trần Mỹ Linh đã trả lời: Đừng chọn lý do này. Vì nếu muốn để lại gì cho con cái thì đó chính là nên để lại cho con nền giáo dục chất lượng cao, để lại tri thức mà không ai có thể cướp đi được.

Tiến sĩ Trần Mỹ Linh đã nói và bà làm được: Bà đã đạt được học vị tiến sĩ Giáo dục của Đại học Stanford, 3 con trai bà cũng lần lượt vào học ở đây. Hãy yêu thương con bằng tình yêu vô bờ bến; cho con sự giáo dục yêu thương tràn đầy tiếng cười, giọt nước mắt, lòng kiên nhẫn và sự thông minh.

Hôm nay bạn có thể cùng con ngồi học, kể cho con nghe một câu chuyện hoàn toàn do bạn tưởng tượng, hay trấn an con ở tuổi dậy thì. Nếu còn băn khoăn giữa có và không - ngụy biện bởi vô vàn lý do khác nhau, hãy nhớ lại bài học của tiến sĩ Trần Mỹ Linh: “Lúc hoang mang, hãy chọn con đường khó đi nhất”. Đáp án sẽ có ngay khi lúc bạn chọn cách nào!

Nguyễn Hường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]