(vhds.baothanhhoa.vn) - Gìn giữ và nuôi dưỡng tình yêu văn hóa truyền thống đã được cấp ủy, chính quyền xã Tam Lư (Quan Sơn) quan tâm. Đặc biệt, trong quá trình XDNTM, việc gìn giữ bản sắc dân tộc đã trở thành nội lực cho xã vùng biên phát triển bền vững.

Gìn giữ văn hóa truyền thống ở xã vùng biên

Gìn giữ và nuôi dưỡng tình yêu văn hóa truyền thống đã được cấp ủy, chính quyền xã Tam Lư (Quan Sơn) quan tâm. Đặc biệt, trong quá trình XDNTM, việc gìn giữ bản sắc dân tộc đã trở thành nội lực cho xã vùng biên phát triển bền vững.

Gìn giữ văn hóa truyền thống ở xã vùng biênNgười dân xã Tam Lư tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống.

Xã Tam Lư có 3 dân tộc sinh sống, đồng bào Thái chiếm khoảng 96%. Bởi vậy, văn hóa của dân tộc Thái có tác động lớn đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây. Nhà sàn, nghề dệt thổ cẩm hay những điệu khặp, khua luống, trống chiêng... đã trở thành “sợi dây gắn kết” cộng đồng và là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Nhận thức sâu sắc những giá trị của văn hóa truyền thống, xã Tam Lư đã quan tâm triển khai các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, trong đó chú trọng triển khai các phong trào văn hóa gắn với XDNTM.

Nổi bật là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được xã lồng ghép vào nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và XDNTM. Trong quá trình XDNTM, các chỉ tiêu về văn hóa luôn được quan tâm ngang hàng với những tiêu chí khác. Để phong trào nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân và phát triển hiệu quả, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai sâu rộng các nội dung của phong trào đến từng bản, từng hộ dân.

Với phương châm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa có chọn lọc theo nếp sống văn minh, xã Tam Lư đã phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong cộng đồng. Xã đã bám sát các hướng dẫn của cấp trên, sửa đổi những nội dung không còn phù hợp, bổ sung những nội dung mới phù hợp. Trong đó, chú trọng lựa chọn những nét văn hóa phù hợp với hiện nay, loại bỏ những hủ tục để dần điều chỉnh hành vi, quan niệm của người dân.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nội dung Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội” để thay đổi nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, những người uy tín và người dân địa phương. Đồng thời, ban hành nghị quyết chuyên đề về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn xã. Đến nay, nhiều hủ tục đã từng bước được xóa bỏ, những giá trị văn hóa tốt đẹp được gìn giữ và phát huy, nếp sống văn minh ngày càng được lan tỏa. Hầu hết các đám cưới được thực hiện theo đúng quy định về Luật Hôn nhân và Gia đình, nam nữ đều tự nguyện kết hôn, không có tình trạng tảo hôn, ép cưới. Việc tang đã loại bỏ triệt để những hủ tục. Không còn việc gọi hồn, bắt vía, chôn người mất sau nhà.

Với người Thái, điệu khặp, tiếng trống chiêng, khua luống... là những nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu trong dịp quan trọng của gia đình, địa phương. Do đó, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia thực hành các loại hình văn hóa truyền thống và truyền dạy những bài hát ru, điệu khặp... cho thế hệ trẻ. Đồng thời, thường xuyên cử cán bộ, người đam mê với văn hóa truyền thống tham gia các lớp tập huấn bảo tồn, phục dựng dân ca, dân vũ.

Để các loại hình văn hóa truyền thống có “đất sống”, hằng năm, xã thường tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao chào mừng các ngày kỷ niệm, lễ, tết; huy động người dân tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao tại Lễ hội Mường Xia (xã Sơn Thủy). Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao đã khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống, phát huy chủ thể của người dân trong việc tham gia đóng góp xây dựng, quản lý, tổ chức các mô hình sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng.

Bên cạnh đó, xã đã chỉ đạo các thôn, bản thành lập câu lạc bộ, đội văn hóa - văn nghệ. Đến nay, 6/6 bản có đội văn nghệ, xã có 3 câu lạc bộ liên thế hệ, 1 đội văn nghệ hoạt động thường xuyên. Người dân trong đội văn nghệ tích cực tham gia trình diễn tại các hoạt động của địa phương và luyện tập, truyền dạy cho thế hệ trẻ. Nhờ đó, ngày càng nhiều người biết và có thể thực hành được các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian và những bài khặp, tiếng trống chiêng, khua luống trở thành những nét đẹp không thể thiếu trong các sự kiện, lễ hội tại địa phương.

Đặc biệt, xã cũng vận động đồng bào dân tộc Thái duy trì nghề dệt, thường xuyên mặc trang phục truyền thống trong các sự kiện của gia đình, địa phương. Địa phương cũng khuyến khích người dân gìn giữ và xây dựng những nếp nhà sàn truyền thống. Điều này, đã làm cho các giá trị văn hóa truyền thống của người Thái ở Tam Lư luôn được duy trì và phát huy.

Phó Chủ tịch UBND xã Tam Lư, Hà Văn Thay chia sẻ: "Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của người dân, nhiều nét văn hóa truyền thống được gìn giữ. Đến nay, toàn xã có khoảng 95% nhà sàn truyền thống. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 90%. Các loại hình văn hóa truyền thống, trò chơi trò diễn đều được gìn giữ và phát huy trong cộng đồng người Thái. Điều này tạo nên sự gắn kết trong cộng đồng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu đề ra của địa phương".

Bài và ảnh: Thùy Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]