(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa được biết đến với những làng nghề truyền thống nổi danh hàng trăm năm tuổi. Mỗi làng nghề không chỉ là niềm tự hào mà còn là câu chuyện đẹp về tinh thần lao động, sáng tạo của con người xứ Thanh. Dù chịu không ít tác động của cơ chế thị trường, vòng quay tất bật của cuộc sống mưu sinh, song với tâm huyết và quyết tâm gắn bó nghề, những người thợ tài hoa đã tạo nên luồng sinh khí, mở ra hướng đi, cơ hội mới cho nghề và làng nghề truyền thống xứ Thanh hôm nay.

Giữ lấy nghề xưa: Những người thợ tài hoa

Thanh Hóa được biết đến với những làng nghề truyền thống nổi danh hàng trăm năm tuổi. Mỗi làng nghề không chỉ là niềm tự hào mà còn là câu chuyện đẹp về tinh thần lao động, sáng tạo của con người xứ Thanh. Dù chịu không ít tác động của cơ chế thị trường, vòng quay tất bật của cuộc sống mưu sinh, song với tâm huyết và quyết tâm gắn bó nghề, những người thợ tài hoa đã tạo nên luồng sinh khí, mở ra hướng đi, cơ hội mới cho nghề và làng nghề truyền thống xứ Thanh hôm nay.

Giữ lấy nghề xưa: Những người thợ tài hoaÔng Lê Văn Bôn (thôn Đạt Tài 2, xã Hoằng Hà, huyện Hoằng Hóa) tự hào bên những sản phẩm mộc truyền thống do chính mình làm ra.

Nghề mộc truyền thống Đạt Tài, xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa) được nhiều người biết đến với những sản phẩm mộc mang đường nét hoa văn đặc sắc, mềm mại, sinh động. Không ít những người sành sỏi, chỉ cần nhìn các đường lắp, đường tâm, những nét chạm khắc hoa văn tinh xảo trên các đầu xà, cánh cửa, tủ, sập, đồ thờ... có thể nhận ra ngay là sản phẩm của người thợ Đạt Tài. Nghề thợ mộc nơi đây không chỉ giỏi và nổi tiếng làm nhà, làm đình, chùa... ở trong tỉnh, mà còn vươn ra các tỉnh, thành trong nước. Thợ mộc Đạt Tài chạm cửa vòng, hoành phi, câu đối giỏi, còn điêu khắc được các bức tứ bình, tứ linh, ngư tiều canh mục, mã đáo thành công... đạt đến độ tinh xảo. Đi qua thời gian, những người thợ mộc Đạt Tài, bằng sự tài hoa, tâm huyết đời nối đời vẫn cứ miệt mài khẳng định thương hiệu của làng mộc nổi tiếng bậc nhất xứ Thanh.

Chúng tôi có dịp đến thăm gia đình ông Lê Văn Bôn (60 tuổi), ở thôn Đạt Tài 2, xã Hoằng Hà vào một ngày đầu hè. Ông Bôn là một trong số những người có thâm niên hàng chục năm trong nghề mộc. Giữa căn nhà gỗ khang trang, thoáng mát vẫn còn thơm mùi gỗ mới, ông đón tiếp chúng tôi rất nhiệt tình và tự hào kể về quá trình làm nghề của mình. “Tôi không biết nghề mộc có từ bao giờ, chỉ biết rằng những đứa trẻ làng Đạt Tài xưa lớn lên trong tiếng đục, cưa, bào. Hàng ngày được quan sát, được gắn bó nên ngay từ khi còn nhỏ tôi đã biết đến các công đoạn, kỹ thuật của nghề mộc. Ngày xưa, ít gia đình mở xưởng sản xuất lớn tại nhà, nên đến năm 18 tuổi tôi bắt đầu đi theo các ông, các chú trong làng phụ đóng đồ cho người dân khắp nơi trong, ngoài tỉnh, từ đó mà tích luỹ thêm được kiến thức, kinh nghiệm làm nghề”.

Theo ông Bôn, để là ra những sản phẩm đồ gỗ đẹp, hoa văn tinh xảo, trước hết người thợ phải có niềm đam mê, tình yêu nghề và cả trí thông minh, óc sáng tạo. Nếu thiếu đi một trong những yếu tố này, người thợ sẽ nhanh chóng bị đào thải khỏi nghề. Đối với nghề mộc, để cho ra một sản phẩm đẹp, phải cẩn trọng ngay từ khâu chọn gỗ, phù hợp với từng loại sản phẩm, tiếp theo là pha gỗ theo từng kích thước, kích cỡ rồi mới đưa vào đục, chạm trổ.

Giữ lấy nghề xưa: Những người thợ tài hoaÔng Nguyễn Xuân Dũng (làng Ngọ, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc) chế tạo thành công máy tiện cán dao tự động.

Qua rồi cái thời “mốt” tủ ly chè, giường mô-đéc..., những năm gần đây, người dân chuyển hướng sang làm nhà gỗ theo lối kiến trúc An Nam và nội thất đồ gỗ. Cũng theo ông Bôn, việc làm nhà gỗ khó nhất ở khâu thiết kế và dựng nhà. Bởi khi nhận làm nhà, người thợ phải linh hoạt xây dựng bản thiết kế ngôi nhà phù hợp với túi tiền gia chủ, đảm bảo được tính thẩm mỹ, theo lối kiến trúc xưa. Đặc biệt, việc chạm trổ hoa văn các bức tranh tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai), hay chạm linh vật đòi hỏi người thợ làm thủ công phải thật khéo léo, tỉ mẩn. Đây cũng chính là một trong những yếu tố giúp người thợ thâm niên trong nghề mộc nhận biết đó là sản phẩm của thợ làng nào.

Theo thời gian, bằng đôi bàn tay khéo léo, ông Bôn đã cho ra đời những sản phẩm đồ gỗ giàu tính thẩm mỹ. Không chỉ làm những sản phẩm phục vụ nhu cầu của người dân, mà cơ sở sản xuất của ông còn được tin tưởng sản xuất bàn ghế cho nhiều cơ quan công sở trên địa bàn Hoằng Hóa. Nhiều năm trong nghề, ông Bôn tự hào khi mình cùng nhóm thợ mộc làng Đạt Tài vinh dự được mời tham gia trùng tu khu nhà An Nam tại Bảo tàng Dân tộc học (năm 2000), được giới chuyên môn đánh giá cao.

Và nhắc đến những làng nghề truyền thống nổi tiếng xứ Thanh, không thể không nhắc đến cái tên Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa), với những nghệ nhân ưu tú (NNƯT) như: Lê Văn Bảy, Nguyễn Bá Châu, Lê Văn Dương, Đặng Ích Hoàn. Đây không chỉ là những người có đóng góp quan trọng khôi phục nghề đúc đồng truyền thống mà hơn hết, chính họ đã trở thành nguồn động lực, tấm gương sáng, người thầy trao truyền và tiếp lửa cho nhiều thế hệ trẻ theo đuổi, nỗ lực phát triển nghề.

Với NNƯT Lê Văn Bảy, việc gìn giữ và phát huy những tinh hoa, giá trị của nghề đúc đồng là cả hành trình không mỏi. Chia sẻ về những kinh nghiệm để đúc thành công các sản phẩm trống đồng truyền thống, NNƯT Lê Văn Bảy cho hay: “Trong các công đoạn đúc trống thì yếu tố quan trọng là âm của trống, thể hiện trình độ, đẳng cấp giữa những người thợ. Âm của trống đồng cũng như giọng nói của con người, khi âm trống vang lên người sành âm sẽ hiểu được giá trị trống ở mức độ nào. Đồng thời, thợ đúc phải biết kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố về độ dày mỏng của trống với chất lượng nguyên liệu, độ nung”...

Giữ lấy nghề xưa: Những người thợ tài hoaNNƯT Lê Văn Bảy (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa) chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất trống đồng truyền thống.

Cũng khói bụi, cũng ồn ào không thua kém gì làng nghề đúc đồng Trà Đông, làng rèn Tất Tác, xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) chính là quê hương của biết bao người thợ tài hoa, tạo ra các đồ dùng, vật dụng sắc bén, được đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đón nhận. Kế thừa và phát huy nghề truyền thống xưa mà thế hệ cha, ông để lại, năm 2021 ông Nguyễn Xuân Dũng (60 tuổi), ở làng Ngọ, đã nghiên cứu chế tạo thành công máy tiện cán dao tự động, cung cấp cho một số cơ sở sản xuất trong làng nghề.

Nhìn lại chặng đường đã qua, với những người thợ tài hoa chắc hẳn không thể nhớ hết được mình đã tạo ra bao nhiêu sản phẩm. Chỉ biết rằng, mong mỏi lớn nhất của họ chính là giữ gìn, phát triển nghề truyền thống của gia đình và quê hương mình.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]