(vhds.baothanhhoa.vn) - Với truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, huyện Hậu Lộc đã và đang tích cực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy du lịch phát triển, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hậu Lộc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

Với truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, huyện Hậu Lộc đã và đang tích cực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy du lịch phát triển, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hậu Lộc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịchNghi thức rước kiệu trong Lễ hội đền Bà Triệu luôn thu hút đông đảo Nhân dân và du khách tham dự.

Nhắc đến Hậu Lộc là nhắc đến vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Trên địa bàn huyện có di chỉ văn hóa Gò Trũng thuộc sơ kỳ đồ đá cũ và di chỉ văn hóa Hoa Lộc thuộc sơ kỳ đồ đồng cùng nhiều di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội truyền thống tiêu biểu. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 51 di tích được xếp hạng, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 3 di tích quốc gia và 47 di tích cấp tỉnh. Nổi bật là Khu Di tích quốc gia đặc biệt Bà Triệu, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, chùa Vích, chùa Ngọc Đới, đền thờ Lê Doãn Giai, Di tích lịch sử cách mạng nhà bà Nguyễn Thị Quyển (mẹ Tơm)...

Những năm qua, huyện Hậu Lộc đặc biệt quan tâm đến công tác trùng tu, tôn tạo di tích xứng tầm. Nhiều di tích đã thực hiện tốt việc dựng biển chỉ dẫn, giới thiệu tóm tắt lịch sử hình thành; tăng cường công tác bảo vệ di tích, thực hiện quản lý hòm công đức, hòm đựng tiền dầu đèn trong di tích theo quy định. Hiện nay, ban quản lý các di tích đều đã được thành lập và kiện toàn.

Toàn huyện có khoảng 14 lễ hội, trong đó tiêu biểu như Lễ hội Cầu ngư (xã Ngư Lộc) diễn ra từ ngày 20-24/2 âm lịch; Lễ hội Đền Đức Thánh cả (xã Đa Lộc) diễn ra từ 13-14/2 âm lịch; Lễ hội đền Bà Triệu diễn ra từ ngày 19-24/2 âm lịch; Lễ hội làng văn hóa Duy Tinh - chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh (xã Thuần Lộc) diễn ra vào ngày 9-10/2 âm lịch; Lễ hội chùa Tam Giáo diễn ra từ ngày 16-17/2 âm lịch; Lễ hội nghè Vích, Lễ hội đền Hàn diễn ra trong tháng 6. Dịp nghỉ lễ 2-9, làng văn hóa Bái Trung, xã Hòa Lộc tổ chức hội thi bơi lội - đua thuyền truyền thống thu hút đông đảo bà con Nhân dân các thôn tham gia...

Có thể nói, các lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện Hậu Lộc diễn ra tưng bừng, đặc sắc, nhiều nhất tổ chức vào dịp đầu năm. Năm 2023 là năm diễn ra sự kiện chính trị - văn hóa quan trọng của huyện Hậu Lộc đó là Lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Bà Triệu gắn với Lễ hội đền Bà Triệu năm 2023. Lễ đón nhận di sản gắn với lễ hội là niềm tự hào, lòng biết ơn của Nhân dân, các thế hệ ngày nay đối với nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (Bà Triệu). Lễ hội cũng là dịp quảng bá những nét văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của di tích gắn với vùng đất, con người Hậu Lộc nói riêng, quê hương Thanh Hóa nói chung, thu hút đông đảo Nhân dân, du khách về chiêm bái, ngưỡng vọng, tham quan di tích, tham gia các trò chơi, trò diễn trong dịp lễ hội.

Nhằm phát huy giá trị truyền thống thông qua lễ hội, huyện Hậu Lộc đã chú trọng công tác tuyên truyền từ huyện đến cơ sở và ban quản lý di tích. Công tác quản lý lễ hội được địa phương chú trọng, các xã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, thành viên để tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác tổ chức. Qua đó, nhận thức của cán bộ, nhân viên tại các đơn vị, địa phương được nâng cao, hoạt động lễ hội đã có sự chuyển biến tích cực, ngày càng đi vào nền nếp, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, cộng đồng dân cư, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân. Nội dung lễ hội được tổ chức thực hiện phù hợp với truyền thống văn hóa của từng địa phương, đáp ứng nhu cầu tâm linh và giải trí của Nhân dân, góp phần giáo dục lý tưởng “Uống nước nhớ nguồn”, tăng cường sự gắn kết trong cộng đồng. Riêng năm 2023, toàn huyện đón khoảng 65.000 lượt khách du lịch đến với các di tích, tham gia lễ hội. Giai đoạn 2020-2023, toàn huyện ước đón trên 200.000 lượt khách, chủ yếu là khách tham quan trong tỉnh và một số tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình...

Bên cạnh các di tích, lễ hội truyền thống, Hậu Lộc còn có nhiều nghề truyền thống nổi tiếng như nghề rèn (xã Tiến Lộc); nghề nấu rượu (Chi Nê, xã Cầu Lộc); nghề đánh cá (Diêm Phố, xã Ngư Lộc); nghề làm muối (Tam Hòa, xã Hòa Lộc)... Ở các xã, thị trấn tổ chức hoạt động văn hóa - văn nghệ tại nhà văn hóa thôn, xã. Các môn thể thao, trò chơi trò diễn đã được 100% xã, thị trấn tổ chức như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng, cờ người, kéo co, cơm thi chạy thẻ, đi cà kheo, nhảy bao bố, chọi gà, thi gói bánh chưng, đu quay, lễ hội vật cù. Qua các hoạt động đã góp phần tạo khí thế vui tươi, phấn khởi trong Nhân dân, góp phần tích cực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hậu Lộc Nguyễn Văn Thọ cho biết: Thời gian qua, phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản để tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, lễ hội. Chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn ban quản lý các di tích và các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác đón tiếp khách, đảm bảo an toàn cho Nhân dân và khách thập phương khi đến dâng hương, vãn cảnh tại các di tích, lễ hội; phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo Di tích đình Miễu Nhị, xã Liên Lộc; chùa Vích, xã Hải Lộc; đình Phong Mục, xã Triệu Lộc; đình Phú Vinh, xã Tuy Lộc; chùa Phúc Hưng, xã Xuân Lộc; khảo cứu lịch sử một số di tích trên địa bàn; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức tốt lễ hội cấp địa phương.

Hiện ngành văn hóa - thông tin huyện Hậu Lộc đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương tổ chức vui xuân, đón Tết Giáp Thìn 2024 an toàn, lành mạnh với nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ phong phú, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia. Nhiều xã, thị trấn và trên 90% thôn, làng, khu phố có các hình thức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi đấu thể thao và tổ chức các trò chơi truyền thống. Chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các di tích và các địa phương thực hiện nghiêm công tác đón tiếp khách, đảm bảo an toàn cho Nhân dân và khách thập phương khi đến dâng hương, vãn cảnh tại các di tích, lễ hội. Chỉ đạo, hướng dẫn, các địa phương tổ chức tốt lễ hội, nhất là dịp đầu xuân như lễ hội chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh; Lễ hội đền đức Thánh Cả; Lễ hội Cầu Ngư; Lễ hội chùa Tam Giáo... Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn ban quản lý các di tích trong công tác tu bổ, tôn tạo, phòng, chống cháy nổ tại các di tích. Tuyên truyền về di tích lịch sử, ý nghĩa lễ hội và phổ biến các quy định của pháp luật đến người dân; phục dựng các hoạt động văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian trong lễ hội. UBND huyện Hậu Lộc chỉ đạo các ngành, các cấp, các ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội tăng cường sự phối hợp, nâng cao tinh thần trách nhiệm; kịp thời giải quyết, chấn chỉnh những phát sinh, tồn tại diễn ra trong lễ hội trên địa bàn; hướng dẫn Nhân dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội, tham quan di tích.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]