(vhds.baothanhhoa.vn) - Trải qua gần 600 năm, nhưng những dấu tích về khởi nghĩa Lam Sơn vẫn còn in đậm trên mảnh đất xứ Thanh. Điều đó càng khẳng định cho vị thế quan trọng của Thanh Hóa trong cuộc chiến tranh Nhân dân giải phóng dân tộc ở thế kỷ XV - vùng đất địa linh nhân kiệt.

Khởi nghĩa Lam Sơn – dấu son rạng ngời sử sách (Bài 3): Dấu ấn của khởi nghĩa Lam Sơn trên đất Thanh Hóa

Trải qua gần 600 năm, nhưng những dấu tích về khởi nghĩa Lam Sơn vẫn còn in đậm trên mảnh đất xứ Thanh. Điều đó càng khẳng định cho vị thế quan trọng của Thanh Hóa trong cuộc chiến tranh Nhân dân giải phóng dân tộc ở thế kỷ XV - vùng đất địa linh nhân kiệt.

Khởi nghĩa Lam Sơn – dấu son rạng ngời sử sách (Bài 3): Dấu ấn của khởi nghĩa Lam Sơn trên đất Thanh Hóa

Hang Bàn Bù ở trị trấn Ngọc Lặc ngày nay được cho là nơi nghĩa quân Lam Sơn ẩn trú để phục kích đánh thắng quân Minh hành quân vào tháng 11-1420.

Trên dải đất xứ Thanh, đặc biệt là khu vực miền núi không hiếm những dãy núi, dòng sông, hang động, địa danh, di tích, đền chùa... đều có những câu chuyện gắn với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Căn cứ vào các tài liệu Hán Nôm, sắc phong, sách sử các thời ghi lại, nhiều nhà khoa học đã khẳng định, khu vực miền núi Thanh Hóa là nơi gắn với những năm tháng đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Đây là điểm tựa vững chắc để cuộc khởi nghĩa phát triển lớn mạnh.

Ngọn đồi Bái Tranh, thuộc dãy núi Pù Mé, thuộc xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân được cho là gắn với Hội thề Lung Nhai. Hay ngọn núi Pù Xèo sừng sững chạy dài hàng chục cây số từ xã Ngọc Phụng đến tận xã Lương Sơn là một trong những nơi lui binh chiến lược của nghĩa quân Lam Sơn những năm đầu khởi nghĩa.

Nhiều sử liệu địa phương đều ghi nhận hang Bàn Bù ở làng Ngán, thị trấn Ngọc Lặc (xã Ngọc Khê cũ) xưa kia địa điểm trú ẩn và tập hợp các binh Mường của nghĩa quân Lam Sơn. Tiêu biểu là chiến thắng Bàn Bù nổi tiếng vào tháng 11-1420, khi nghĩa quân Lam Sơn phục kích trong hang, bất ngờ tiến ra đánh thắng quân Minh, mở rộng địa bàn hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn. Hay tại xã Minh Sơn vẫn còn lưu lại các sử liệu nói về nơi đây xưa kia Lê Lợi và nghĩa quân từng dừng chân và luyện quân.

Tại Lang Chánh, dấu tích của khởi nghĩa Lam Sơn dường như dày đặc hơn. Trong những năm đầu khởi nghĩa Lam Sơn, núi Chí Linh là nơi Bình Định vương rút về căn cứ Linh Sơn 3 lần để củng cố lực lượng, tránh đối đầu với giặc Minh. Những lần rút quân về đây, đồng bào các dân tộc vùng rừng núi Chí Linh đã đùm bọc, ủng hộ hết lòng nghĩa quân, trở thành chỗ dựa để Lê Lợi và nghĩa quân “chờ giặc lui quân, (vua) mới về đắp lũy ở quê cũ tại Lam Sơn, lại sai binh Mường cùng trai gái Lam Sơn khiêng gánh lương thực ra vào nơi hiểm kín (rồi) phủ dụ sĩ tốt, ước thúc đội ngũ, chỉnh đốn khí giới” (theo “Lam Sơn thực lục”).

Hiện nay, khu vực núi Chí Linh vẫn còn nhiều di tích, theo tương truyền liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, như hòn đá Bình Định vương hay ngồi, thác Ma Hao, vườn cam vua Lê, suối rượu... Hay ở các xã Quang Hiến, Tam Văn, Tân Phúc, Đồng Lương thời kỳ khởi nghĩa Lam Sơn thuộc địa bàn Mường Chính đã diễn ra trận chiến đấu, tiêu diệt quân Minh của nghĩa quân Lê Lợi cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm Kỷ Hợi (1419) trên quả đồi Pu Chánh, Pu Giới, Pu Cút. Đây là trận “điệu hổ ly sơn” ở đông Nga Lạc quân ta thắng lớn...

Ngoài ra, tại các vùng đất Quan Hóa, Bá Thước, Quan Sơn đều có thể tìm thấy những thông tin liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Nhà nghiên cứu Phạm Tấn (Hội Khoa học lịch sử Thanh Hóa), cho rằng: “Từ Lam Sơn - quê hương của nhà Lê - nơi khởi phát của cuộc khởi nghĩa đến Chí Linh sơn và toàn bộ miền núi rừng phía Tây Thanh Hóa đã đóng góp một vai trò hết sức to lớn và quan trọng. Nhờ có những năm hoạt động tại đây, nghĩa quân Lam Sơn mới có những điều kiện cần thiết để bảo tồn và phát triển lực lượng, đồng thời để Lê Lợi và nghĩa quân triển khai đánh địch một cách tài tình, cơ động theo phương châm “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh” và biết dựa vào địa hình rừng núi hiểm trở theo tình hình cụ thể để bố trí mai phục, tấn công địch một cách chủ động, bất ngờ”.

Khởi nghĩa Lam Sơn – dấu son rạng ngời sử sách (Bài 3): Dấu ấn của khởi nghĩa Lam Sơn trên đất Thanh Hóa

Đền Lai, xã Minh Sơn thờ Anh hùng dân tộc Lê Lợi - tương truyền nơi đây Lê Lợi và nghĩa quân từng dừng chân và luyện quân.

Xứ Thanh không chỉ là căn cứ vững chắc của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, mà còn là nơi “góp” cho cuộc khởi nghĩa từ tướng sĩ, đến lương thảo và sự ủng hộ đồng thuận hết lòng. Bàn về những đóng góp của Nhân dân Thanh Hóa trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, các tác giả Phan Huy Lê - Phan Đại Doãn trong cuốn “Khởi nghĩa Lam Sơn 1418-1427”, đã chỉ rõ: “Hầu như không có làng nào thuộc hai huyện Lương Giang và Cổ Lôi dọc theo sông Chu không có người gia nhập nghĩa quân vào những năm tháng chuẩn bị này”. Các tác giả Đinh Xuân Lâm - Trần Quang Vinh đã nhận định: “Trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa, Lê Lợi đặc biệt chú trọng đến việc huy động tài vật, lương thực trong Nhân dân, nhất là trong các dân tộc thiểu số vùng núi phía Tây Thanh Hóa, liền kề sau lưng căn cứ Lam Sơn mà nghĩa quân vốn có mối quan hệ rất chặt chẽ”.

Khởi nghĩa Lam Sơn phần lớn tướng sĩ là người Thanh Hóa. Đầu tiên và là đại diện xuất sắc, vĩ đại hơn cả là Anh hùng dân tộc Lê Lợi, người có vai trò quan trọng trong việc tập hợp hào kiệt, binh sĩ ở khắp mọi miền Tổ quốc dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn. Tiếp đó là 18 anh hùng hào kiệt (đa phần là người Thanh Hóa như, Lê Lai, Lê Văn An, Nguyễn Thận, Trịnh Khả...) đã tham gia Hội thề Lũng Nhai, kết nghĩa anh em, nguyện sống chết cùng nhau, không quên lời thế sắc son.

Ở khắp vùng đất xứ Thanh từ già trẻ, gái trai, ai cũng góp sức cho cuộc khởi nghĩa. Có những gia đình, bao nhiêu con thì bấy nhiêu người tham gia nghĩa quân. Như, gia đình Lê Lai, Lê Lư, Lê Lan, Lê Lộ, Lê Lâm ở thôn Dựng Tú (Ngọc Lặc); 3 anh em họ Đinh: Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt. Ở Bỉ Ngụ, Cao Trị (Thường Xuân) có Lê Sát, Lê Tại và 4 anh em họ Phạm... Họ đều là những nghĩa sĩ tự nguyện hiến thân cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và con đường cứu nước.

Không chỉ góp người tham gia cuộc khởi nghĩa, Nhân dân Thanh Hóa còn góp lương thảo, xây thành, đắp lũy và bảo vệ nghĩa quân thoát khỏi bao cuộc vây bắt, truy quét gắt gao của quân thù. Như câu chuyện về hai vợ chồng trong làng Huyết Mễ (thị trấn Lam Sơn) ở lại trông coi kho lương cho nghĩa quân, con cái theo Lê Lợi đi kháng chiến. Khi giặc Minh đến tra khảo nơi cất giấu lương thực, vợ chồng ông một mực không khai và bị giặc Minh giết hại. Hay, trong những lần hết lương thực, Lê Lợi cử Nguyễn Lãm và vợ là bà Phạm Thị Ngọc Trần về vùng đất Thọ Xuân huy động lương thực, thực phẩm rồi dùng thuyền chở theo sông Lương vào sông Âm tiếp tế cho nghĩa quân... Và, câu chuyện về việc người dân nhặt được hàng thúng ngón chân, ngón tay bị đứt sau mỗi ngày đắp lũy. Nhiều vùng đất còn lưu giữ những câu chuyện cảm động về sự đoàn kết, gắn bó giữa người dân với Lê Lợi và nghĩa quân. Theo truyền thuyết, khi nghĩa quân bị giặc Minh lùng bắt chạy về vùng sông Mã, Lê Lợi thấy túp lều nhỏ của bà bán nước bèn nhảy xuống sông bơi sang. Bà đã chỉ cho ông nơi ẩn nấp. Khi giặc đuổi đến hỏi, bà chỉ về phía núi Vùng (Hoằng Hóa) khiến chúng lạc hướng.

Có thể thấy, trên khắp mọi miền xứ Thanh vẫn còn in đậm dấu ấn vê cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Những dấu ấn ấy đã khẳng định vai trò quan trọng của đất và người xứ Thanh trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng quê hương, đất nước.

Nhóm PV thời sự

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong các tài liệu nghiên cứu của Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh; Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Anh hùng dân tộc Lê Lợi và Nhân dân Thanh Hóa với khởi nghĩa Lam Sơn”; sách "Khởi nghĩa Lam Sơn" của Phan Huy Lê và Phan Đại Doãn).


Nhóm PV thời sự

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]