(vhds.baothanhhoa.vn) - Văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh cho sự phát triển của đất nước. Để văn hóa phát huy sức mạnh, vai trò của người làm văn hóa vô cùng quan trọng. Dù mỗi người đảm trách công việc khác nhau song mỗi cán bộ văn hóa với tình yêu, say mê dành cho công việc, đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn, âm thầm cống hiến. Và câu chuyện kể của những người làm văn hóa sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về công việc tưởng dễ mà khó.

Làm văn hóa không say mê dễ “bỏ nghề”

Văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh cho sự phát triển của đất nước. Để văn hóa phát huy sức mạnh, vai trò của người làm văn hóa vô cùng quan trọng. Dù mỗi người đảm trách công việc khác nhau song mỗi cán bộ văn hóa với tình yêu, say mê dành cho công việc, đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn, âm thầm cống hiến. Và câu chuyện kể của những người làm văn hóa sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về công việc tưởng dễ mà khó.

Làm văn hóa không say mê dễ “bỏ nghề”Những cán bộ làm việc tại Bảo tàng tỉnh vẫn luôn gắn bó với công việc bởi sự say mê và tình yêu nghề.

Nằm giữa trung tâm thành phố sầm uất nhưng khi bước vào bên trong cánh cổng Bảo tàng tỉnh, mọi thứ dường như hoàn toàn khác. Nếu từng đến Bảo tàng tỉnh, hẳn bạn vẫn nhớ không gian lặng lẽ của nơi lưu giữ hơn 30.000 hiện vật. Không khí ở bảo tàng không náo nhiệt, sôi động mà trầm lặng như chính những hiện vật của thời gian. Và phía sau hiện vật là những con người làm bảo tàng say mê, yêu nghề một cách thầm lặng.

Chị Lê Thùy Dung, Phó trưởng phòng Trưng bày tuyên truyền Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã có 15 năm gắn bó với công việc mà mình đã lựa chọn. Nói về công việc chuyên môn, chị Thùy Dung chia sẻ: “Công việc của những người làm bảo tàng chúng tôi là khi người khác làm việc thì chúng tôi cũng làm việc, còn khi người khác nghỉ thì chúng tôi... vẫn làm việc (cuối tuần, nghỉ lễ Bảo tàng tỉnh vẫn mở cửa phục vụ khách tham quan). Với chúng tôi, hiện vật chính là bạn - những người bạn được chúng tôi quan tâm, chăm sóc và “tâm tình lắng nghe hiện vật kể chuyện”. Những câu chuyện từ thuở Núi Đọ, văn hóa Đông Sơn, Bà Triệu, nhà Lý, nhà Trần đến hai cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc, thời kỳ bao cấp... Mỗi hiện vật đều có số phận, mang trong mình câu chuyện kể về lịch sử, thời gian”.

Ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: “Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hiện đang lưu giữ trên 30.000 hiện vật ở 4 phân kho, cùng với đó là 9 phòng trưng bày. Công việc tại Bảo tàng nói áp lực có lẽ ít người tin, nhưng nhàn nhã thì hoàn toàn không phải, dù là với cán bộ làm công tác sưu tầm, bảo quản, lưu giữ hiện vật hay phòng trưng bày. Dù cán bộ làm việc tại bảo tàng đều được đào tạo bài bản với trình độ đại học, cao học, song để có thể nắm bắt và tự tin giới thiệu đến khách tham quan về hiện vật trưng bày thì cần đến nhiều năm học hỏi, làm quen. Làm bảo tàng, rất cần đến sự tỉ mẩn, cẩn trọng và say mê, yêu nghề. Nếu không yêu có lẽ nhiều người đã phải bỏ nghề. Bởi lẽ, đến thời điểm hiện tại, mức lương trung bình của cán bộ bảo tàng khoảng 4,5-5 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra không có bất cứ nguồn thu nhập nào khác ngoài lương. Chúng tôi vẫn nói đùa với nhau, muốn làm bảo tàng phải có kinh tế “hậu phương” vững chắc, còn nếu áp lực kinh tế, chắc chắn cán bộ bảo tàng không thể “trụ” được với nghề”.

“Say mê, yêu nghề” - đó không phải là tính từ chỉ dành cho những người làm công tác bảo tàng mà còn đúng với hầu hết những người làm văn hóa, dù là những người làm văn hóa ở cơ sở. Một cán bộ văn hóa đã mạnh dạn chia sẻ, làm văn hóa nếu không say mê thì dễ bỏ nghề. Và thực tế, đã có những cán bộ văn hóa dù say mê nhưng vẫn phải bỏ nghề do áp lực kinh tế.

Anh Nguyễn Trọng Hùng từng là công chức văn hóa - xã hội phường Tĩnh Hải (thị xã Nghi Sơn). Khi còn công tác, anh được đánh giá là người có chuyên môn, năng nổ và nhiệt tình. Tuy nhiên, cách đây hơn 1 năm, sau nhiều đắn đo anh Hùng đã chính thức xin nghỉ việc. Chia sẻ về quyết định của mình, anh Hùng cho biết: “Trước đây cùng với làm công tác văn hóa ở địa phương, vào ngày cuối tuần, nghỉ lễ tôi còn nhận đi dẫn các tour du lịch để có thêm thu nhập. Nhưng đại dịch COVID-19 xảy ra, du lịch đóng băng, áp lực kinh tế gia đình khiến tôi buộc phải từ bỏ công việc của mình”.

Làm văn hóa không say mê dễ “bỏ nghề”Anh Lê Nguyên Chung (bên trái), công chức văn hóa - xã hội xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa) đã có 18 năm gắn bó công tác văn hóa ở cơ sở.

Nói về áp lực của người làm văn hóa, anh Lê Nguyên Chung, công chức văn hóa - xã hội xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa) tâm sự: “Khác với nhiều lĩnh vực, công việc của công chức văn hóa - xã hội không có thu nhập ngoài lương, trong khi đó hoạt động nhiều, thường xuyên bận rộn, bất cứ công việc nào của xã, thôn, làng... cũng đều có thể gọi - điều động cán bộ làm văn hóa. Chúng tôi vẫn thường nói đùa với nhau, người làm văn hóa ở cơ sở giống như “mõ làng”. Tuy nhiên, vai trò của người làm văn hóa - công tác văn hóa đôi khi chưa được nhìn nhận, quan tâm đúng mức. Ở không ít nơi, công tác văn hóa còn bị xem nhẹ, kinh phí chi cho các hoạt động văn hóa bị cắt giảm, eo hẹp, thiếu trước hụt sau... Từ áp lực kinh tế đến việc bị “xem nhẹ” vai trò của người làm công tác văn hóa khiến cho nhiều cán bộ văn hóa ở cơ sở giảm đi sự nhiệt huyết, tình yêu với công việc”.

Cũng theo anh Lê Nguyên Chung, nhiều người mang suy nghĩ “văn hóa ai cũng có thể làm được”. Điều này vừa đúng lại vừa sai. Đúng là bởi, nhìn bề ngoài, công tác văn hóa tưởng là bề nổi, là dễ dàng nhưng càng làm mới thấy nếu làm văn hóa mà không hiểu văn hóa thì rất dễ dẫn đến sự “tối ngày đầy công”. Hiệu quả của một sự kiện, hoạt động văn hóa không nên được “đong đếm” bởi góc nhìn kinh tế. Ví dụ, đánh giá về hoạt động trại hè - thiếu nhi của một địa phương, không nên chỉ nhìn về những số tiền tiêu tốn cho nó để rồi xem như một sự lãng phí, mà hãy nhìn rộng và sâu hơn để thấy sự gắn kết cộng đồng thông qua hoạt động văn hóa, đó mới là ý nghĩa thực sự.

Cũng với quan điểm trên, anh Bùi Hải Đăng, chuyên viên phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ngọc Lặc cho rằng: “Làm văn hóa nói dễ không dễ, kêu khó cũng chẳng ai tin. Nhưng anh em làm văn hóa vẫn động viên nhau, người ta làm được thì mình cũng có thể làm được, dễ thì đâu ai cần đến mình và kêu khó thì cũng không ai làm hộ. Bởi vậy, cứ âm thầm mà làm, làm vì trách nhiệm, làm vì say mê để có kết quả tốt nhất. Khác với nhiều lĩnh vực, người làm văn hóa nếu cứ tính toán thiệt - hơn mà bỏ quên tình yêu công việc thì dễ chán nản, bỏ nghề”.

Tâm sự của những người làm văn hóa có trách nhiệm không phải là câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Nó là sự “giãi bày” của những người làm nghề. Giãi bày để mong muốn sự thấu hiểu, đồng cảm và sẻ chia với những khó khăn, vất vả của người làm văn hóa...

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]