Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, góp phần duy trì và phát triển văn hóa đọc. Trong thời gian gần đây, những quan ngại, lo lắng trước sự xuống cấp của văn hóa đọc ngày càng thu hút sự quan tâm của cả xã hội. Vậy làm thế nào để duy trì và phát triển văn hóa đọc, vốn là truyền thống hiếu học của dân tộc ta?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lan tỏa phong trào đọc sách trong cộng đồng

Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, góp phần duy trì và phát triển văn hóa đọc. Trong thời gian gần đây, những quan ngại, lo lắng trước sự xuống cấp của văn hóa đọc ngày càng thu hút sự quan tâm của cả xã hội. Vậy làm thế nào để duy trì và phát triển văn hóa đọc, vốn là truyền thống hiếu học của dân tộc ta?

Văn hóa đọc chưa được phát triển

Theo Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ở Việt Nam, văn hóa đọc chưa được quan tâm phát triển đúng mức. Điều này có thể dẫn đến hệ lụy là con người thờ ơ với sách và việc tích lũy tri thức. Đã xuất hiện hiện tượng không ít người sống vô cảm, bất chấp vì thiếu hiểu biết về luật pháp, nghèo nàn về tâm hồn, và gần đây có sự gia tăng các tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt trong giới trẻ.

Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Quang Thạch, người sáng lập Chương trình Sách hóa nông thôn cho biết, việc đọc sách chưa phải là thói quen của toàn dân. Qua các khảo sát trên diện rộng và trong gần hai mươi năm qua, ông Thạch cho rằng ở nông thôn, ngoại trừ một số gia đình giáo viên, các gia đình khác hầu như không có cuốn sách nào ngoài sách giáo khoa và sách bài tập nâng cao của học sinh. “Gia đình thiếu sách như vậy thì học sinh không thể có thói quen đọc sách. Tuổi học trò không hình thành thói quen đọc sách thì khi lớn lên rất khó có thói quen đó” - ông Nguyễn Quang Thạch khẳng định.

Các hội sách giúp lan tỏa phong trào đọc sách trong cộng đồng. (Ảnh: HL)

Tại các thư viện nhà trường ở nông thôn, trung bình mỗi học sinh chỉ đọc khoảng 1 đầu sách/năm. Các trường học ở khu vực thị trấn có số đầu sách được mượn cao hơn, bình quân 5 đầu sách/1 học sinh/1 năm. Các số liệu bình quân số đầu sách được đọc của người Việt do các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra dao động từ 0,8 đến 4 cuốn sách/năm, gồm cả sách giáo khoa và giáo trình.

Theo ông Nguyễn Quang Thạch, sự thiếu vắng hệ thống thư viện cấp xã, sự vận hành còn có những hạn chế của hệ thống thư viện trường học là nguyên nhân cơ bản dẫn đến những tồn tại nêu trên. Ngoài ra, còn thiếu những chiến lược xây dựng văn hóa cộng đồng, lấy tri thức làm chủ đạo để kích thích được tiềm năng đọc sách trong cộng đồng. Bởi vậy, sự không đọc sách do thiếu sách là mảnh đất màu mỡ cho các tệ nạn xâm nhập đời sống cộng đồng. Điển hình như thói ưa hình thức, phô diễn vật chất hơn là tinh thần. Vô số ngôi làng xây dựng cổng làng hết hàng chục và hàng trăm triệu đồng vì để ganh đua với làng khác. Trong khi đó, một tủ sách với dăm trăm đầu sách trị giá khoảng 8-10 triệu đồng thì không nhiều làng làm được.

Nỗ lực để phong trào đọc sách lan tỏa đến cộng đồng

Ngày Sách Việt Nam ra đời ngày 24/4/2014 góp phần tạo nhận thức xã hội về ý nghĩa của việc đọc sách; đặc biệt, tác động mềm để xã hội quan tâm đến sinh hoạt sách từ địa phương đến bộ ngành. Công văn số 6841/BGDĐT-GDTX ngày 31/12/2015 về việc đổi mới thư viện và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường phổ thông và mầm non là bước tiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc đưa sáng kiến dân sự vào áp dụng trong hệ thống giáo dục. Bên cạnh đó là các mô hình Tủ sách phụ huynh, Tủ sách lớp em, Tủ sách lớp học, Tủ sách dòng họ… đã được nhân rộng, tạo hiệu ứng tốt trong cộng đồng, giúp phụ huynh và học sinh nhận thức tốt hơn về tầm quan trọng của việc đọc sách, góp phần xây dựng văn hóa đọc.

Trong những năm qua, với nỗ lực của cả người dân và Nhà nước bước đầu đã tạo ra những sự thay đổi tích cực trong văn hoá đọc ở cộng đồng. Tuy nhiên, để văn hóa đọc lan tỏa rộng khắp đến cộng đồng, ông Nguyễn Quang Thạch cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng tiêu chuẩn khuyến đọc và thư viện. Bộ tiêu chuẩn phải bao gồm cấu trúc thư viện đến từng lớp học; xây dựng tủ sách và khuyến đọc ở trường và ở nhà là nhiệm vụ của tất cả hiệu trưởng, thầy cô giáo, cha mẹ học sinh và học sinh; nêu rõ chỉ tiêu số đầu sách tối thiểu trẻ em nghe và đọc hàng năm. Đồng thời cũng cần có tổ chức, đơn vị chăm lo việc khuyến khích đọc sách để đánh thức tiềm năng nghe và đọc sách của hơn 22 triệu học sinh, sinh viên.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Khuyến học cũng cần đưa tủ sách thành tiêu chí của làng văn hóa, dòng họ khuyến học, gia đình khuyến học để tạo nhận thức sâu về khuyến học. Đưa hoạt động đọc sách và chia sẻ tri thức vào hội làng. Phải hình thành thói quen đọc sách cho thanh thiếu niên, nhi đồng ngay từ nhỏ

Cùng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn An Tiêm, Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng, chính những nhân vật trong truyện cổ tích như: ông bụt, nàng tiên tốt bụng đã gieo vào tâm hồn các em những những tình cảm tốt đẹp đối với con người, nhận thức về cái thiện, cái đẹp; biết căm ghét cái xấu, có thái độ với cái xấu… Khi các em đã đi học, bố mẹ nên chọn mua cho các em đọc những sách báo hay, kèm theo là những lời phân tích, giảng giải, chỉ ra những ý nghĩa sâu sắc của câu chuyện và từng nhân vật. Khi gặp những vấn đề trẻ em nhận thức chưa đúng, cha mẹ cần trao đổi, tranh luận bình đẳng với các em và hướng các em vào những suy nghĩ đúng để nâng cao nhận thức và kích thích tính tò mò ở lứa tuổi nhỏ, từ đó tạo nên thói quen đọc sách cho các em. Việc thay tặng quà bằng tặng sách trong những dịp sinh nhật, lễ Tết hoặc khi trẻ em đạt các thành tích trong học tập là việc cần làm thường xuyên để hình thành thói quen trong gia đình. Bố mẹ cần làm gương cho con cái trong việc say mê đọc sách.

Có thể nói, việc duy trì, phát triển văn hoá đọc với tư cách là một bộ phận cấu thành nền văn hoá dân tộc là đòi hỏi tất yếu trong quá trình hội nhập quốc tế. Vì vậy, để lan tỏa phong trào đọc sách đến cộng đồng rất cần được quan tâm đặc biệt và sự vào cuộc của toàn xã hội.

Ngày 17/4, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng”. Tại hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi về cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với việc phát triển văn hóa đọc; khẳng định tính đúng đắn, sự phù hợp với thực tiễn của việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam. Hội thảo phân tích những kết quả, những mặt đã làm được và chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc trong việc xây dựng, phát triển phong trào đọc sách hiện nay cũng như việc triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam. Đồng thời, đánh giá những phương án tổ chức triển khai, cách làm hiệu quả cần nhân rộng; đề xuất, kiến nghị những giải pháp cụ thể, có tính khả thi nhằm phát triển phong trào đọc sách, nâng cao và phát triển văn hóa đọc.

Theo dangcongsan.vn


Theo dangcongsan.vn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]