(vhds.baothanhhoa.vn) - Đền Cây Vải còn có tên nôm là Trà Sơn miếu (thuộc phủ Tống Sơn xưa, nay là thôn Nghĩa Môn, phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn).

Linh thiêng Đền Cây Vải

Đền Cây Vải còn có tên nôm là Trà Sơn miếu (thuộc phủ Tống Sơn xưa, nay là thôn Nghĩa Môn, phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn).

Linh thiêng Đền Cây Vải

Khuôn viên đền Cây Vải, phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn.

Tương truyền, đền được khởi dựng vào năm 1060 dưới thời vua Lý Thánh Tông, được xây lại vào khoảng năm 1840-1847 thời vua Thiệu Trị nhà Nguyễn. Năm 1993, cùng với đồi Ông Đùng thuộc phường Lam Sơn, đền Cây Vải được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia. Đền thờ 3 vị thiên thần là Ngọc Thủy Tinh công chúa, Đào Hoa công chúa, Bạch Hoa công chúa và 2 vị phúc thần là Tướng quân Nguyễn Thiện (thời Lê Sơ) cùng Hoàng đế Quang Trung.

Đền tọa lạc trong không gian tĩnh lặng, giữa cảnh sơn thủy hữu tình, theo hướng Đông - Tây, sau lưng là dải đồi Ông Đùng (di tích được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia), phía trước là hồ nước. Trong khuôn viên đền có một giếng nước không bao giờ cạn, Nhân dân quanh vùng quen gọi là giếng Tiên. Trước đây, còn có cây vải cổ thụ, xanh tốt, theo thời gian cây vải mục ruỗng và chết, hiện nay chỉ còn sót lại phần gốc lũa nằm dưới hồ nước, cạnh giếng Tiên.

Đền Cây Vải có quy mô kiến trúc nhỏ, gồm hai tòa cung ngoài và cung trong xây sát cạnh nhau và được tu bổ nhiều lần. Đặc biệt, tòa hậu cung (cung trong) có một gian, kiến trúc cổ thời Nguyễn, tường xây gạch, mái cuốn vòm chất liệu vôi vữa.

Linh thiêng Đền Cây Vải

Ông Trịnh Xuân Hải, công chức văn hóa phường Lam Sơn giới thiệu về giếng Tiên trong khuôn viên đền Cây Vải.

Theo ngọc phả Thuỷ Tinh thánh tích, đền Cây Vải nằm trên mảnh đất linh thiêng có giếng ngọc, non vàng, phong cảnh bồng lai. Thời gian ấy có một cô gái tên nàng là Bạch Ngọc nhan sắc tuyệt trần, hình dung yểu điệu, da trắng như tuyết, tóc sáng như gương, ngón tay như búp măng mùa xuân, mắt biếc như nước hồ mùa thu. Nàng là con gái đầu của vị thần Động đình Quốc vương. Nàng thường đi đến những nơi sơn kỳ, thuỷ tú như núi Nam Long - Hồ Tây - Hà Nội, Đồi Ngang - Ninh Bình… đi đến đâu nàng làm quán rượu để đón mời khách dùng nem cá kình, thịt lân, bàn chân trâu...

Đến thời nhà Lý, vào đầu thế kỷ XI, vua Lý Thánh Tông lên ngôi (năm 1054) thiên hạ thái bình Nhân dân vui sướng được 5 năm, đến năm 1059 bỗng nhiên có giặc Đồ Bàn (Chiêm Thành) xâm lấn bờ cõi nước ta. Vua Lý Thánh Tông thân chinh cầm quân cùng tướng, sỹ lên đường tiễu trừ quân xâm lấn bờ cõi.

Chiến thắng trở về qua vùng Điệp Sơn, vua Lý Thánh Tông nhớ công lao của nữ thần vùng này đã âm phù, dương trợ cho mình chiến thắng, liền đặt bút son phong tặng: “Trấn trạch động đình Hồ trung Tiên nữ Ngọc Thuỷ Tinh Công Chúa trợ quốc tối linh thượng đẳng thần” và cấp cho bản ấp 500 lạng bạc và 1 khu ruộng 30 mẫu để sửa sang lại miếu thiêng và bốn mùa cúng tế.

Đến triều Vua Thành Thái (1902) triều đình sắc phong “Trấn trạch Hồ Trung Tiên Nữ Ngọc Thuỷ Tinh Công Chúa”; đến năm 1917 phong tặng cho 2 vị công chúa thêm mỹ tự là “Chinh Uyển dực bảo trọng hưng tôn thần”.

Linh thiêng Đền Cây Vải

Đền Cây Vải được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1993.

Cuối thế kỷ XVIII, vào khoảng năm 1788, vua Quang Trung đem đại quân ra Bắc hội quân cùng các tướng Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở bàn kế sách tiến quân tiêu diệt quân Thanh xâm lược. Trong những ngày hội quân ở vùng Tam Điệp, vua Quang Trung được Thần Trà Sơn miếu báo mộng phải gấp rút chỉ huy đại quân thần tốc tiến ra Bắc Hà vào đêm 30 tết mới mong nhanh chóng đánh tan quân Thanh. Quả nhiên như báo mộng, dưới sự chỉ huy của Quang Trung - Nguyễn Huệ, 5 cánh quân thần tốc tiến ra Thăng Long. Chỉ trong 5 ngày đại quân Tây Sơn đã đánh tan và tiêu diệt 29 vạn quân Thanh xâm lược giải phóng Thăng Long trong mùa xuân Kỷ Dậu 1789. Lúc khải hoàn trở về qua vùng Trà Sơn miếu, nhà vua không quên giấc mộng đó và đã phong tặng đôi câu đối :

Ân ba, mặc tướng thiên tiên nữ.

Sắc mệnh bao phong thế phúc thần

Dịch nghĩa:

Ơn rộng lặng thầm tiên nữ hiện

Sắc thần phong tặng cõi trần gian.

Câu đối hiện nay vẫn đang được lưu giữ tại đền Cây Vải.

Linh thiêng Đền Cây Vải

Lễ hội Đền Cây Vải được tổ chức vào ngày 20-2 âm lịch hằng năm thu hút đông đảo Nhân dân, du khách thập phương về dâng hương, vãn cảnh.

Hằng năm, vào ngày 20 tháng 2 âm lịch, dân thôn Nghĩa Môn, phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn tổ chức lễ hội Đền Cây Vải, cầu mong các vị thiên thần ban phước cho quốc thái, dân an, nhân khang, vật thịnh; đồng thời ghi nhớ công lao của các vị phúc thần là Tướng quân Nguyễn Thiện người đã có công lập trang Cửa Đồi (nay là thôn Nghĩa Môn) và Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ đã dừng chân tại đây chiêu mộ binh lính, tập kết quân lương, luyện tập nghĩa sỹ để luận bàn kế sách trước khi hành quân ra giải phóng Thăng Long.

Thảo Nguyên


Thảo Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]