(vhds.baothanhhoa.vn) - Nếu hầu hết những người theo đuổi con đường nghệ thuật đều bắt đầu từ khi còn nhỏ, thậm chí là con nhà “nòi”, nhưng đối với Lương Thúy Hoa thì bước sang tuổi 30 mới dò dẫm ở vạch xuất phát.

Lương Thúy Hoa chờ đợi sự khởi đầu tốt đẹp

Nếu hầu hết những người theo đuổi con đường nghệ thuật đều bắt đầu từ khi còn nhỏ, thậm chí là con nhà “nòi”, nhưng đối với Lương Thúy Hoa thì bước sang tuổi 30 mới dò dẫm ở vạch xuất phát.

Lương Thúy Hoa chờ đợi sự khởi đầu tốt đẹp

Một cảnh xúc động của nhân vật Thuyến trong vở cải lương “Điều còn lại”.

Sinh năm 1985 ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa Trung ương (nay là Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương), chị có 7 năm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở Viêng Chăn (Lào). Khi quyết định trở về quê chồng, gia đình hướng cho chị đi xin làm lễ tân hoặc bán hàng... nhưng “tôi cảm thấy không hợp với mình. Lúc đó những công việc 4 - 5 triệu đồng/tháng có không ít”. Đến tháng 7-2016, chị xin vào Đoàn Cải lương Thanh Hóa (nay là Nhà hát nghệ thuật truyền thống). “Sau thời gian tìm kiếm công việc, tôi nghĩ đơn giản mình thích nghe cải lương từ bé, lại được đào tạo âm nhạc nên quyết định đi xin việc. Nhưng trong đầu vẫn rất mông lung, chưa có một chút tự tin”. Và hơn nửa năm trôi qua, Hoa đi theo các chú, các cô học từng câu hát.

Rất bản năng, thích thì học, “tôi chẳng có tí tẹo lý thuyết nào về cải lương, nên mọi thứ đều ngượng nghịu và khó khăn”. Tuy vậy, chị tự nhận mình là người may mắn. May vì gặp được lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện, các bậc tiền bối và anh chị em đồng nghiệp trong đoàn giúp đỡ, hỗ trợ. Chỉ hơn 1 năm sau khi vào đoàn, chị được tham gia Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu Cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017. Với vai diễn Hương trong trích đoạn “Đứa con không tên”, Lương Thúy Hoa đã giành Huy chương Bạc. “Đó là dấu mốc để tôi tự tin với nghề này. Cũng là động lực để tôi thêm yêu nghề".

Đối với một diễn viên trẻ, đặc biệt với các diễn viên cải lương phía Bắc được tham dự cuộc thi này là cơ hội lớn của Lương Thúy Hoa để trưởng thành hơn trong nghề nghiệp. Nếu như các diễn viên phía Nam có may mắn sinh ra lớn lên trên đất cải lương, họ được làm nghề và truyền nghề thường xuyên thì tất cả diễn viên tỉnh lẻ gần như phải tự học, tự bắt chước những bậc tiền bối mà không có sự bồi dưỡng bài bản, tập huấn chỉn chu. Vượt qua 73 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 20 đơn vị nghệ thuật sân khấu cải lương, dân ca kịch, cơ sở đào tạo nghệ thuật truyền thống trong cả nước; với tổng số 70 trích đoạn dự thi, Lương Thúy Hoa đã giành Huy chương Bạc và là một trong những gương mặt trẻ được nhiều người yêu mến và chờ đợi.

Tính đến nay, Lương Thúy Hoa đã vào đoàn được gần 6 năm, chặng đường quá ngắn để đánh giá về một người làm nghệ thuật. Nhưng Thúy Hoa có chút khác biệt, vì thế mà ai cũng bảo chị là trường hợp đốt cháy giai đoạn. “Tôi chỉ nghĩ trong lời nói đó có bảy tám phần là động viên. Các anh chị thấy mình đam mê quá mà khích lệ để mình gắn bó lâu dài với nghề nghiệp”. Nhưng đam mê là một chuyện, còn thực tại phũ phàng lắm. Nói đi thì cũng phải nói lại, tất cả do áp lực từ đồng tiền mà ra. Miếng cơm manh áo không đùa với nghệ sĩ là trường hợp của Lương Thúy Hoa. Đó là những lúc con cái ốm đau, những mâu thuẫn trong các mối quan hệ phát sinh. “Nếu người khác khó một thì tôi khó hơn cả chục lần. Nhưng rồi với sự ủng hộ của gia đình, lãnh đạo tạo điều kiện và một chút nỗ lực của cá nhân, tôi vẫn đuổi theo cải lương được đến ngày nay”.

Xuất phát điểm chậm hơn mọi người, việc rèn luyện có những khó khăn nhưng Lương Thúy Hoa lại có lợi thế riêng. Chị chia sẻ: “Tôi không biết khi một người được đào tạo chính quy ngành cải lương thì họ được học những gì, riêng tôi vì được học nhạc nên tôi cảm làn điệu nhanh hơn”.

Có lúc nào chị băn khoăn lo lắng phân vân về con đường mình đã chọn không? - tôi hỏi. Ngập ngừng, ngại ngần chị nhẹ nhàng nói: “Dẫu rất biết mình là người may mắn, nhưng có nhiều khoảng thời gian tôi bị chênh chao. Tôi mới thi tuyển viên chức của Đoàn nghệ thuật Cải lương nhưng cũng gặp một số khó khăn do ngạch đào tạo là sư phạm lại không phù hợp với biên chế diễn viên. Tôi đã suy nghĩ rằng nếu không được tuyển biên chế, tôi có nên tiếp tục con đường nghệ thuật? Tuổi đời và tuổi nghề tỷ lệ nghịch vì thế tôi càng mong muốn sự ổn định. Nhưng tôi đã phải trấn an và không cho phép suy nghĩ đó tồn tại lâu. Vì sự thực là tôi thích nghề này. Tôi đã chạm vào và bị nó cuốn đi. Đời sống vật chất có khó khăn nhưng đã đến mức phải từ bỏ công việc chưa? Lúc rảnh mình cũng có thể chạy show thêm, rồi lại được các anh chị tạo điều kiện, cơ hội để thêm kinh nghiệm trong nghề. Cuộc sống mà, chừng nào cho đủ”.

Lương Thúy Hoa chờ đợi sự khởi đầu tốt đẹp

Vai diễn Hương, trong trích đoạn “Đứa con không tên” đã giúp Lương Thúy Hoa giành Huy chương Bạc tại Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu Cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017.

6 năm vào nhà hát thì có tới hơn 2 năm im ắng chờ dịch COVID-19 qua đi. Điều phiền muộn nhất của Lương Thúy Hoa không phải vì vật chất mà sự lo lắng về công việc. “Liên hoan cải lương toàn quốc 2021 đã bị dừng, nếu năm 2022 này không tổ chức thì tôi buồn lắm. Vở diễn “Điều còn lại” mà Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa tham gia, vai Thuyến của tôi là một trong 3 nhân vật chính (cùng với vai bà Muộn, Bân). Vở diễn đã chạm tới trái tim của hội đồng nghệ thuật trong tỉnh, khiến khi ánh đèn khán phòng sáng lên, ai cũng lấy tay lau khoé mắt, gật gù nhắc nhớ mình trân trọng và sống tốt hơn ngày hôm qua để cuộc sống hôm nay tốt đẹp hơn.

Từ vai Hương trong “Đứa con không tên” đến vai Thuyến trong “Điều còn lại”, Lương Thúy Hoa tự nhận thấy mình hợp nhất với những vai đào thương. “Đời nghệ sĩ, được giao vai, nhất là vai chính... thì ai cũng vui. Vui vì được lãnh đạo tin, hãnh diện vì có cơ hội thể hiện mình", chị chia sẻ.

Chặng đường của Lương Thúy Hoa mới bắt đầu, nhưng là sự khởi đầu đầy tốt đẹp. Dẫu chị nói chị chờ cái quyết định biên chế để có dự tính cho công việc nhưng tôi tin chị chẳng bao giờ từ bỏ sự đam mê, cơ hội và tình yêu của mình. Con tằm đến thác cũng còn vương tơ, nghệ sĩ cũng vậy thôi, bước chân vào nghệ thuật không chỉ là cái duyên, mà còn là cái nghiệp, khiến họ phải có trách nhiệm dấn thân và cống hiến.

Bài và ảnh: Chi Anh


Bài và ảnh: Chi Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]