(vhds.baothanhhoa.vn) - Không có đàn tế Trời như Đông Đô bởi nơi đây không phải kinh đô của quốc gia Đại Việt. Nhưng Lam Kinh được ví như “kinh đô tâm linh” của vương triều Hậu Lê, có Miếu điện Lam Kinh để thờ cúng vua Lê Thái tổ, các vị vua và tổ tiên dòng họ Lê.

Miếu điện Lam Kinh

Không có đàn tế Trời như Đông Đô bởi nơi đây không phải kinh đô của quốc gia Đại Việt. Nhưng Lam Kinh được ví như “kinh đô tâm linh” của vương triều Hậu Lê, có Miếu điện Lam Kinh để thờ cúng vua Lê Thái tổ, các vị vua và tổ tiên dòng họ Lê.

Miếu điện Lam KinhCùng với Chính điện, 5 trong tổng số 9 tòa Thái miếu tại Khu di tích Lam Kinh đã được phục dựng.

Theo sử liệu, sau khi quét sạch giặc Minh xâm lược ra khỏi bờ cõi nước ta, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi vua ở Đông Đô (Thăng Long - Hà Nội), lấy niên hiệu Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, đặt nền móng cho vương triều kéo dài bậc nhất trong lịch sử phong kiến dân tộc. Năm 1430, vua Lê Thái tổ cho đổi tên Lam Sơn thành Tây Kinh (còn gọi là Lam Kinh). Năm 1433, khi vua Lê Thái tổ qua đời, được đưa về Lam Kinh an táng tại Vĩnh Lăng. Cũng từ đây, Lam Kinh chính thức trở thành Sơn lăng. Vua Lê Thái tông lên ngôi, năm 1434 đã cho xây dựng Điện Lam Kinh để phục vụ cho Hoàng tộc mỗi lần về thăm đất tổ, bái yết Sơn lăng. Cũng trong năm này, Điện Lam Kinh bị sét đánh cháy. Đến năm 1448, vua Lê Nhân tông - vị vua thứ 3 của nhà Hậu Lê xuống chiếu làm lại Miếu điện Lam Kinh và chỉ trong chưa đầy một năm, việc xây dựng Miếu điện đã hoàn thành.

Đến năm 1456, trong một lần về Lam Kinh tổ chức tế lễ ở Miếu điện, vua Lê Nhân tông đã đặt tên cho 3 điện chính (hình chữ “Công”, ngày nay là Chính điện hay Đại điện Lam Kinh - PV) là điện Quang Đức, điện Sùng Hiếu và hậu điện Diên Khánh.

Qua thời gian, Lam Kinh dần được mở rộng về cả quy mô và các công trình kiến trúc. Các công trình xây dựng ở Lam Kinh để thờ cúng tổ tiên nhà Lê được sử liệu gọi theo nhiều tên khác nhau, như: nhà thờ Sơn lăng; Điện lăng Lam Sơn; Miếu điện Lam Sơn; Miếu điện Lam Kinh... Theo ông Trịnh Đình Dương, nguyên Trưởng Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh: “Miếu điện Lam Kinh là tên gọi chung của Chính điện và 9 tòa Thái miếu. Trong đó, Chính điện (bao gồm điện Quang Đức, điện Sùng Hiếu và Diên Khánh) là nơi dành cho các vua nhà Lê khi về Lam Kinh nghỉ ngơi và thiết triều. Còn 9 tòa Thái miếu là nơi thờ cúng. Cứ vài năm một lần, các vua và quan nhà Hậu Lê (Lê Sơ) lại từ Đông Đô về Lam Kinh hành lễ, bái yết tiên tổ”.

Sử gia Phan Huy Chú trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí” đã viết: “Điện Lam Kinh đằng sau gối đầu vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bề nước non xanh biếc, rừng rậm um tùm, Vĩnh Lăng của Lê Thái tổ, Hựu Lăng của Lê Thái tông và các lăng của nhà Lê ở đây cả (?). Lăng nào cũng có bia. Sau Điện lấy Tây hồ làm “não” giống như hồ Kim Ngưu. Hồ rất rộng lớn, nước ở các ngả chảy vào đó. Có con sông phát nguyên từ hồ ấy, chảy vòng trước mặt, lòng sông có những viên đá tròn nhẵn trông rất xinh xắn nhưng không ai dám lấy trộm. Lại có lạch nước nhỏ chảy từ bên tay phải trước điện, ôm vòng như cánh cung. Trên lạch có cầu như Bạch kiều ở Giang Đình Điện Vạn Thọ Đông Kinh. Đi qua cầu mới tới Điện. Nền Điện cao, hai bên cánh mở rộng, dưới sân có làn nước phẳng, giống như trước điện nhà vua coi chầu. Ngoài Nghi môn có hai con chó ngao bằng đá, tục truyền là rất thiêng. Điện làm ba ngôi liền nhau, kiểu chữ “Công”, mẫu mực theo đúng kiểu các miếu ở kinh sư. Theo từng bậc mà lên, rồi từ đó mà trông xuống thì thấy núi khe hai bên Tả, Hữu, cái nọ cái kia vòng quanh, thật là một chỗ đẹp để xây dựng cơ nghiệp”.

Sau Chính điện là 9 tòa miếu (Thái miếu) - lớp kiến trúc thứ ba của Miếu điện Lam Kinh. 9 tòa miếu dài hơn 135m kéo dài từ Đông sang Tây, ở ngay phía sau Điện chính - vị trí trung tâm có ý nghĩa tâm linh quan trọng. Các tòa miếu là nơi thờ các vua và tổ tiên nhà Lê.

Chỉ đến cuối thế kỷ 18, triều đình Lê - Trịnh suy vong tột độ, Miếu điện Lam Kinh mới thực sự bị quên lãng, tàn phá và hoang phế. Trải qua thời gian, biến động lịch sử, tranh đấu vương triều, đền đài, Điện miếu Lam Kinh đã không còn như lúc xưa. Tuy nhiên, còn đó một không gian Lam Kinh chứa đựng lịch sử cùng những nền móng công trình kiến trúc, hệ thống lăng mộ, văn bia, di vật thời Hậu Lê còn hiện hữu - Lam Kinh vẫn là chốn thiêng tâm linh - văn hóa - lịch sử - kiến trúc với nhiều giá trị bất biến. Bởi vậy, năm 1962, Lam Kinh đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Dự án tổng thể tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích lịch sử Lam Kinh. Và năm 2012, Lam Kinh được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận khu di tích quốc gia đặc biệt.

Về Lam Kinh hôm nay, một diện mạo di tích cổ kính, thâm nghiêm đang dần được phục dựng. Ngoài hệ thống lăng mộ các vua, Hoàng thái hậu; bảo vật quốc gia (văn bia) thì các công trình kiến trúc: Nghi môn; Chính điện và Thái miếu... đã mang đến cho du khách tới thăm những xúc cảm thật đặc biệt khi về với “chốn thiêng” của vương triều Hậu Lê nhiều biến động song không thể phủ nhận những thành tựu vĩ đại.

Nói về Miếu điện Lam Kinh, ông Vũ Đình Sỹ - Trưởng Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh cho biết: “Chính điện sau nhiều năm nỗ lực phục dựng đã hoàn thành, chính thức mở cửa phục vụ khách tham quan từ tháng 4-2022. Cùng với đó, đã hoàn thành phục dựng 5 trong tổng số 9 tòa Thái miếu. Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh đã được quy hoạch với tổng diện tích trên 200ha, nằm cách trung tâm TP Thanh Hóa hơn 50km về phía Tây Bắc. Với các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật... Di tích là biểu tượng của lòng tự hào dân tộc cũng như truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc


Bài và ảnh: Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]