(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, các đơn vị hoạt động nghệ thuật, các địa phương trong tỉnh đã không ngừng sáng tạo, linh hoạt trong việc đầu tư, dàn dựng và đổi mới, nâng cao chất lượng các tiết mục biểu diễn nghệ thuật. Từ đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ mà còn nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân.

Nâng cao chất lượng các tiết mục nghệ thuật

Thời gian qua, các đơn vị hoạt động nghệ thuật, các địa phương trong tỉnh đã không ngừng sáng tạo, linh hoạt trong việc đầu tư, dàn dựng và đổi mới, nâng cao chất lượng các tiết mục biểu diễn nghệ thuật. Từ đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ mà còn nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân.

Nâng cao chất lượng các tiết mục nghệ thuậtTiết mục nghệ thuật tại Liên hoan văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao và Lễ hội văn hóa “Hương sắc vùng cao”.

Thời gian gần đây, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thanh Hóa đã tổ chức thành công nhiều hội thi, hội diễn và các cuộc liên hoan nghệ thuật quần chúng, thu hút đông khán giả đến tham dự. Tiêu biểu, mới đây nhất là Liên hoan văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao và Lễ hội văn hóa “Hương sắc vùng cao”. Tại đêm khai mạc, phần trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, chương trình văn nghệ dân gian đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Dưới ánh đèn sân khấu, các nghệ nhân, diễn viên khoác trên mình những bộ trang phục truyền thống của dân tộc đã biểu diễn nhiều tiết mục đặc sắc, ấn tượng mang đậm bản sắc văn hóa địa phương mình như “Ngày mùa” của huyện Bá Thước, “Chợ tình” của huyện Quan Hóa, “Ơi inh lả” của huyện Thường Xuân, “Hòa tấu nhạc cụ dân tộc” của huyện Như Xuân, “Hòa tấu cồng chiêng” của huyện Ngọc Lặc... Các tiết mục biến đổi linh hoạt đã mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc mới lạ, hấp dẫn.

Đến xem đêm khai mạc tại Liên hoan văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao và Lễ hội văn hóa “Hương sắc vùng cao”, bà Vi Thị Hà, huyện Thường Xuân, cho biết: “Nhà tôi ở cách xa khu vực biểu diễn gần 10 km, nhưng vì đam mê xem các tiết mục biểu diễn văn hóa nghệ thuật của đồng bào các dân tộc thiểu số, nên tôi đã bảo người nhà chở đến sân vận động huyện Thường Xuân để xem. Tôi thấy các tiết mục nghệ thuật được trình diễn tại đêm khai mạc rất ấn tượng, có sự đầu tư, dàn dựng công phu, không bị lặp lại, nhàm chán mà luôn có sự đổi mới cuốn hút người xem. Đặc biệt, các nghệ nhân, diễn viên đã biết tận dụng “ưu thế vùng miền”, tìm hiểu và đưa những nét văn hóa dân gian, tín ngưỡng địa phương, dân tộc để thể hiện trong tác phẩm của mình".

Để tạo nên những tiết mục biểu diễn hấp dẫn, đặc sắc tại Liên hoan văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao và Lễ hội văn hóa “Hương sắc vùng cao” nói riêng và tại các hội thi, hội diễn khác nói chung, phía sau những thành công đó là sự tìm tòi, khổ luyện của những người dàn dựng, biên đạo chương trình cũng như các nghệ sĩ, diễn viên. Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thanh Hóa, cho biết: Làm nghệ thuật đòi hỏi phải luôn đổi mới, sáng tạo ra những sản phẩm chất lượng, có sức lôi cuốn người xem, chứ không phải biểu diễn theo khuôn mẫu, lặp lại nhàm chán, không thu hút được khán giả. Chính vì vậy, với chức năng, nhiệm vụ là đơn vị tổ chức, biên đạo, dàn dựng hướng dẫn cơ sở xây dựng các chương trình cũng như các tiết mục nghệ thuật, thời gian qua, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thanh Hóa đã không ngừng nỗ lực đổi mới trong hoạt động, mà còn xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, diễn viên giàu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn tốt, có khả năng sáng tác, biên đạo và dàn dựng các chương trình, tiết mục văn nghệ. Cùng với đó, đội ngũ làm nghề cũng phải luyện tập không ngừng để đáp ứng và cống hiến cho khán giả những chương trình, vở diễn hấp dẫn. Những năm qua, các tiết mục biểu diễn tại nhiều chương trình nghệ thuật, liên hoan, hội thi hội diễn do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thanh Hóa tổ chức hoặc đi biểu diễn, giao lưu ở các địa phương trong cả nước đều có chất lượng, giành giải cao và được khán giả đánh giá cao cả về nội dung lẫn hình thức. Mới đây nhất, tại ngày hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II, năm 2023 với chủ đề “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cây nêu trong thời kỳ hội nhập và phát triển”, trung tâm đã mang nhiều tiết mục của đồng bào dân tộc thiểu số đi biểu diễn và giành nhiều giải cao. Trong đó, phần văn hóa nghệ thuật có 3 tiết mục đoạt giải A đó là: Hòa tấu nhạc cụ dân tộc Mường - Âm vang núi rừng, hát ru Mường “Cõng con trên nương”, trồng bông dệt vải; 1 tiết mục đoạt giải B là múa “Đập Boong Boong”. Phần trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc trình diễn cây nêu của người Mường cũng đoạt giải A...

Để tăng cường nâng cao nghiệp vụ văn hóa cho cán bộ, nghệ nhân, những người đam mê văn hóa văn nghệ ở cơ sở, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thanh Hóa cũng thường xuyên phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn cho nghệ nhân, những người đam mê với văn hóa, văn nghệ. Thông qua các lớp tập huấn, đơn vị đã hướng dẫn chỉ đạo cơ sở thành lập các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm văn nghệ, nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể ngày một tốt hơn, đồng thời đưa văn hóa thành sản phẩm du lịch đặc sắc, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

TP Thanh Hóa từ nhiều năm nay cũng tổ chức khá nhiều các chương trình văn hóa nghệ thuật để phục vụ Nhân dân và khách du lịch nhân các ngày lễ, sự kiện của địa phương và đất nước. Ông Hoàng Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch TP Thanh Hóa, cho biết: Trong một năm, thành phố tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật như, chương trình nghệ thuật chào năm mới, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trước, trong và sau tết, Tuần lễ văn hóa TP Thanh Hóa - TP Hội An... thu hút rất đông người dân và du khách mọi miền đất nước về tham dự. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, các tiết mục biểu diễn tại các chương trình nghệ thuật luôn được thành phố chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng cả về con người, nội dung kịch bản lẫn trang thiết bị kỹ thuật... Các diễn viên được huy động từ cơ sở trên địa bàn như các xã, phường, các đơn vị trường học... Để chất lượng được nâng cao, trung tâm mời thêm biên đạo để dàn dựng, hướng dẫn tập luyện cho đội ngũ diễn viên. Cùng với việc xây dựng nội dung, chương trình còn chú trọng đến yếu tố kỹ thuật, hiệu ứng sân khấu và trang thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại...

Những năm gần đây, nhờ việc đầu tư, nâng cao chất lượng các tiết mục biểu diễn nên khi các hội thi, hội diễn hay các chương trình nghệ thuật được tổ chức đều thu hút được đông đảo khán giả và du khách đến tham dự. Từ đó, không chỉ tạo động lực cho đội ngũ nghệ nhân, diễn viên tiếp tục theo đuổi đam mê, cống hiến cho nghệ thuật, mà còn góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân. Bởi vậy, nhiều ý kiến từ những người hoạt động nghệ thuật đều cho rằng: Để tiếp tục cống hiến cho khán giả những tiết mục biểu diễn nghệ thuật có chất lượng, ngoài sự nỗ lực của các nghệ sĩ, thì các cấp, ngành liên quan cũng cần tăng cường đầu tư kinh phí, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị âm thanh phục vụ hoạt động nghệ thuật. Phải quan tâm mở thêm các lớp tập huấn để bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ văn hóa cơ sở; tăng cường tổ chức các hội thi, hội diễn, giao lưu văn nghệ tạo điều kiện cho nghệ sĩ, diễn viên được đi biểu diễn để nâng cao tay nghề...

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]