(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi hơi thở mùa xuân thì thầm gọi vạn vật thức dậy sau giấc ngủ đông dài để cùng nảy lộc đâm chồi, hé nụ nở hoa cũng là lúc lòng người xốn xang những ước vọng, cầu mong cho một năm mới may mắn, bình an... Mùa xuân còn là mùa của lễ hội truyền thống - nét đẹp văn hóa từ ngàn xưa của người Việt.

Nét đẹp lễ hội xứ Thanh

Khi hơi thở mùa xuân thì thầm gọi vạn vật thức dậy sau giấc ngủ đông dài để cùng nảy lộc đâm chồi, hé nụ nở hoa cũng là lúc lòng người xốn xang những ước vọng, cầu mong cho một năm mới may mắn, bình an... Mùa xuân còn là mùa của lễ hội truyền thống - nét đẹp văn hóa từ ngàn xưa của người Việt.

Nét đẹp lễ hội xứ Thanh

Lễ hội Bà Triệu là dịp để người dân tưởng nhớ công đức của vị vua Bà. Ảnh tư liệu của Bùi Trang

Lễ hội, hiểu theo nghĩa phổ biến nhất chính là sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng. Trong đó, “Lễ” được hiểu là hành vi, động tác biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh ước mơ chính đáng của con người; “Hội” là sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật... của cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống. Như bất kỳ thành tựu văn hóa của loài người, lễ hội cũng thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan... Và hiểu theo ý này, thì lễ hội còn là sự thể hiện “cá tính” văn hóa của một miền, một làng, một xứ, nhóm cộng đồng cụ thể. Dĩ nhiên, đã là lễ hội truyền thống thì không thể thiếu được “tính thiêng”, tính “cộng đồng”... gắn với nhu cầu tâm linh tín ngưỡng, ước vọng đủ đầy và cả nhu cầu vui chơi giải trí của người dân.

Xứ Thanh - một “Việt Nam thu nhỏ”, ôm ấp trong mình đậm đặc những giá trị văn hóa được bồi đắp, chắt chiu tự ngàn đời. Là những di tích, danh thắng, lễ hội ở vùng núi, đồng bằng, miền biển do Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đời nối đời sáng tạo, trao truyền mà có. Trong đó, chỉ riêng lễ hội của người dân các vùng miền xứ Thanh thôi, đã tạo thành bức tranh đa sắc, hấp dẫn vô cùng.

So với vũ trụ bao la, tự xa xưa, sự hiểu biết của con người vốn dĩ hạn hẹp, có vô số điều chưa thể lý giải. Từ những điều chưa biết, việc tìm kiếm những điểm tựa tâm linh là điều cần thiết và con người tin rằng, cuộc sống của mình được thần linh bảo trợ, che chở, vạn vật hữu linh. Nương theo niềm tin ấy, những lễ hội mang đặc trưng, dấu ấn văn hóa mỗi vùng miền dần hình thành: lễ hội Mở cửa biển; lễ hội Mở cổng trời; lễ hội Cơm mới...

Trải dài hơn 102 km đường bờ biển xứ Thanh là cả không gian văn hóa biển đặc sắc. Từ Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Quảng Xương đến thị xã Nghi Sơn với biết bao lễ hội truyền thống. Về Sầm Sơn, ta lắng lòng trong câu chuyện huyền thoại thần Độc Cước. Người dân Sầm Sơn luôn hằng tin, cuộc sống của mình được thần Độc Cước bảo trợ. Đó là vị thần mà thuở trời đất còn hỗn mang đã tự xẻ đôi thân mình nhằm bảo vệ, giúp dân biển chống lại quái thú, mang lại cuộc sống bình yên. Nhớ ơn thần, lễ hội đền Độc Cước được trao truyền đã trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Mưu sinh dựa vào biển cả, cư dân biển Hậu Lộc ngàn đời nay vẫn mang theo niềm tin bất diệt, rằng mỗi chuyến vươn khơi bám biển có được bình an, sóng yên biển lặng, thuyền đầy tôm cá hay không là do thần biển cả phù trợ. Từ niềm tin ấy, một lễ hội Cầu Ngư với đầy đủ các nghi lễ thiêng vẫn luôn được duy trì tổ chức. Bên bờ biển Diêm Phố, người dân các xã biển cùng dõi mắt nhìn theo con thuyền Long Châu rực rỡ sắc màu được “hóa”, mang ước vọng được chở che, phù trợ, cầu mong cho cuộc sống no đủ.

Ngược ngàn lên với miền núi xứ Thanh dịp đầu xuân, bức tranh lễ hội cũng dần thay đổi với sự “dịch chuyển” niềm tin tín ngưỡng tâm linh. Là thắng tích Phủ Na (Như Thanh) nằm giữa núi rừng tạo nên không gian thiêng của tín ngưỡng thờ Mẫu: Mẹ Âu Cơ, Mẫu Liễu Hạnh, Chúa Thượng Ngàn, Cô Chín... Cùng các vị Thánh Tản Viên, Ngũ vị Tiên ông, Thần hoàng bản thổ. Đứng ở nơi đây, có cảm giác như ta đang được trở về với cội nguồn xa xưa của dân tộc, trong những câu chuyện huyền thoại. Để thấy rằng, cha ông xưa quả thực tài hoa nhường nào trong những sáng tạo văn hóa tinh thần.

Không phải lễ hội truyền thống, nhưng hành trình “lên rừng xuống biển” của người dân xứ Thanh những năm gần đây được xem như sinh hoạt văn hóa gắn với đời sống hiện đại. Những điểm dừng chân dâng hương vãn cảnh: lên đền Nưa - Am Tiên, Phủ Na, đền Cửa Đạt, cuối cùng là về Sầm Sơn thăm đền Độc Cước, đền Cô Tiên. Từng dòng người nối chân nhau qua miền tâm linh - di sản quê Thanh, tạo nên cuộc “hành hương” mùa xuân không hẹn mà gặp. Nhận định về điều này, nhà nghiên cứu Lịch sử Phạm Tấn, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thanh Hóa, cho rằng: Lễ hội nói chung được sinh ra xuất phát từ việc thỏa mãn nhu cầu tâm linh - tinh thần của cuộc sống con người, qua thời gian dần phát triển, cái xấu, không phù hợp bị loại bỏ, cái tốt được bồi đắp, giữ gìn, tạo nên nét đẹp lễ hội truyền thống. Cùng với thời kỳ mở cửa, nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, đời sống được nâng cao, nhu cầu tâm linh của con người cũng “dịch chuyển”. Sự thuận tiện về giao thông giúp mỗi người không còn bị giới hạn trong không gian tâm linh - lễ hội nơi mình sinh sống. Thêm vào đó là nhu cầu khám phá, vui chơi... Tất cả điều kiện cần và đủ đã tạo nên một lễ hội mùa xuân “lên rừng xuống biển”, hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển của xã hội.

Nhưng lễ hội không đơn thuần chỉ là sự chờ đợi, gửi gắm niềm tin của con người trước đấng tối linh. Ở đó, còn cả sự biết ơn, tri ân công đức của tiền nhân, những anh hùng đã ngã xuống vì một dải non sông gấm vóc của tiên tổ, để hai tiếng “Độc lập” được cất lên trọn vẹn.

Lễ hội đền Bà Triệu diễn ra từ 21 - 23 tháng 2 (âm lịch) hàng năm là dịp để hậu thế tỏ lòng biết ơn những đóng góp của vị vua Bà trong cuộc chiến chống giặc Ngô xâm lược hơn 1.700 năm về trước. Dù khởi nghĩa Bà Triệu không giành được thắng lợi cuối cùng, song tinh thần “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” đã được nhen nhóm, thắp lửa từ đây. Hay lễ hội Lê Hoàn trên quê hương Xuân Lập (Thọ Xuân) được tổ chức vào tháng 3 (âm lịch) như một lời nhắc nhở hậu thế về đóng góp to lớn của vị vua sáng lập nhà Tiền Lê trong lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của cha ông xưa. Tham gia lễ hội, không chỉ dừng lại ở sự biết ơn, đó còn cả một tinh thần “tiếp lửa” từ quá khứ, mong muốn “thắp sáng” tương lai.

Với hàng trăm lễ hội truyền thống được hình thành từ buổi bình minh dựng nước, trong khuôn khổ của bài viết, sẽ thật khó để kể ra hết những lễ hội đang hiện hữu trong cuộc sống người dân các vùng miền xứ Thanh. Chỉ là một vài nét điểm xuyết trong bức tranh lễ hội đa sắc màu, để thêm một lần ta cảm ơn tiền nhân đã không quản nhọc nhằn trong những sáng tạo văn hóa tinh thần trao truyền cho hậu thế. Nếu hạt lúa trên đồng, củ sắn trên nương, con cá dưới nước... đã nuôi sống con người về mặt vật chất thì chính những giá trị văn hóa, trong đó có các lễ hội đã góp phần bồi đắp, tạo nên vẻ đẹp tinh thần người Việt nói chung, người xứ Thanh nói riêng. Thực sự may mắn khi được kế thừa những lễ hội trao truyền qua lớp lớp cha ông đi trước, nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao. Trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị lễ hội trong đời sống hôm nay, cùng nhau tạo nên một sắc thái văn hóa xứ Thanh ngày càng đậm đà, đẹp tươi.

An Yên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]