(vhds.baothanhhoa.vn) - Làng Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa (trước đây thuộc huyện Hoằng Hóa) có di tích nghè Nguyệt Viên - một công trình kiến trúc nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa thời Nguyễn. Đây cũng là công trình nhằm tôn vinh sự học của ngôi làng được ca tụng là “làng khoa bảng” trong lịch sử phong kiến nước nhà.

Nét đẹp nghè Nguyệt Viên

Làng Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa (trước đây thuộc huyện Hoằng Hóa) có di tích nghè Nguyệt Viên - một công trình kiến trúc nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa thời Nguyễn. Đây cũng là công trình nhằm tôn vinh sự học của ngôi làng được ca tụng là “làng khoa bảng” trong lịch sử phong kiến nước nhà.

Nét đẹp nghè Nguyệt ViênNghè Nguyệt Viên.

Truyền thuyết Thành hoàng làng Nguyệt Viên

Làng Nguyệt Viên nằm bên bờ sông Mã, nơi lắng đọng phù sa màu mỡ, trước mắt là núi Ngọc, núi Long chầu về. Trên bãi đất bằng phẳng, di tích nghè Nguyệt Viên cổ kính nằm bình lặng, lắng trong mình trầm tích hàng trăm năm của một vùng đất. Mở cửa cho chúng tôi vào thăm di tích, bác Lê Thị Tâm, người trông coi di tích, cho biết: “Khi chưa xảy ra dịch bệnh, hàng năm có nhiều nhà nghiên cứu, khách phương xa vẫn thường ghé thăm nghè. Họ nói rằng, hiện nay không có nhiều di tích còn giữ được nguyên vẹn như vậy”.

Khác với nhiều di tích, người được thờ ở nghè Nguyệt Viên lại là một nữ Thành hoàng làng - với bài vị ghi rõ “Chương vĩ dực bảo Trung hưng Thượng đẳng thần”. Tuy không có tài liệu nào ghi rõ ràng về vị Thành hoàng làng Nguyệt Viên, song truyền thuyết dân gian địa phương và người dân ngày nay đều tin, Thành hoàng làng Nguyệt Viên là công chúa Mai Hoa - con gái vua. Vì cảm phục tài cao học rộng của ông Nghè Đờn (ở xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa ngày nay) nên khi ông từ quan về quê, bà đã bí mật tìm theo. Tuy nhiên, giữa đường bị lạc, không thể tìm thấy quê của ông Nghè Đờn, quá thất vọng, chán chường, nên bà đã gieo mình xuống sông Mã tự vẫn, thi thể trôi về đến làng Nguyệt Viên và được ông tổ họ Nguyễn làng Nguyệt Viên chôn cất tại Cồn Trạch. Sau đó, các vị chức sắc trong làng nằm mơ thấy một người con gái hiện ra nói sẽ báo đáp, phù hộ cho dân làng học hành tiến bộ, làm ăn phát đạt.

Từ đó, Nhân dân làng Nguyệt Viên lấy ngày chôn cất bà (mùng 10 tháng 2 âm lịch) làm ngày giỗ và tôn bà làm Thành hoàng làng. Về sau dựng nghè phụng thờ hương khói. Theo thời gian, nghè Nguyệt Viên ngoài thờ Thành hoàng làng còn thờ các vị tiến sĩ đỗ đạt khoa cử. Bên trong di tích có tấm bia ghi danh 11 vị tiến sĩ của làng Nguyệt Viên đỗ đạt thời phong kiến. Mở đầu là Tiến sĩ Nguyễn Trật (thời vua Lê Thần Tông) và người đỗ cuối cùng là cụ Phó bảng khoa thi Kỷ Mùi 1919 Lê Viết Tạo.

Và như một niềm tự hào về truyền thống khoa bảng, đỗ đạt, ở Nguyệt Viên ngày nay vẫn lưu truyền câu ca: “Nguyệt Viên 18 ông Nghè/ Ông cưỡi ngựa tía, ông che tán vàng”.

Dấu ấn kiến trúc truyền thống

Căn cứ nội dung khắc trên thượng lương bên trong di tích, nghè Nguyệt Viên được khởi dựng cuối thế kỷ XVI, năm Quý Tỵ, thuộc niên hiệu Quang Hưng triều vua Lê Thế Tông (1593), được trùng tu năm Đinh Hợi niên hiệu Minh Mệnh (1827) và sửa chữa tiếp vào năm Bính Thân niên hiệu Thành Thái (1896). Năm 1996, nghè Nguyệt Viên được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

Tuy được khởi dựng từ khá sớm song dấu ấn kiến trúc cuối thế kỷ XVI ở nghè Nguyệt Viên không còn nhiều, ngoài hiện vật đôi “sấu đá” được đặt ở ngay trên bậc tam cấp bước vào nghè. “Con vật được chạm trong tư thế đang chồm tới, đầu hơi ngẩng, mắt lồi, mũi thon, miệng rộng, đang há miệng ngậm viên ngọc quý... Loại sấu đá này hiện còn khá nhiều ở các di tích thời Mạc ngoài Bắc. Nó có phần mất cân đối trong bố cục, nhưng vẫn tạo một thế đẹp” (Nghè Nguyệt Viên - PGS Nguyễn Du Chi).

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, di tích nghè Nguyệt Viên hiện nay là “sản phẩm” của lần đại trùng tu thứ nhất (năm 1827) với kiến trúc 1 gian 2 chái, bố cục gần giống hình vuông. Trong đó, cấu trúc vì kèo khá đặc biệt, được ghi trong cuốn Địa chí Văn hóa Hoằng Hóa, Nxb Khoa học Xã hội, 2000: “Những người thợ xây dựng đã nâng cao và mở rộng giá chiêng ở trên câu đầu (dầm ngang chính đặt trên cùng) thành một tầng lầu thứ hai nhưng không có sàn, tạo cho không gian nội thất rộng rãi. Phía ngoài mái cũng tạo thành hai lớp, giữa hai lớp có thêm cổ diêm cao với nhiều cửa sổ con làm cho nội thất công trình sáng sủa, thoáng đãng. Loại kiến trúc hai lớp mái này được gọi là “trùng diêm”, xuất hiện cuối thế kỷ XVIII (chùa Tây Phương, Hà Tây là ví dụ), đến công trình này thì đã hoàn chỉnh hơn. Nó cao ráo, đơn giản và chắc chắn”.

Như nhiều di tích cùng thời, các mảng chạm khắc, trang trí ở nghè Nguyệt Viên cũng xoay quanh đề tài “tứ linh” quen thuộc. Trong đó, rồng (mắt lồi, mũi sư tử, mồm rộng) được chạm trên các đầu chếnh, một số rường, chạm thành từng đôi chầu mặt trời trang nghiêm, hoặc đăng đối; phượng (đầu to, mỏ quặp đang ngậm cuốn thư, đuôi seo sau gáy dài, thân nhiều lớp lông và mây xoắn, đuôi kéo dài cuồn cuộn như diềm lá đang cuốn trước gió) được thể hiện trong bố cục khỏe khoắn: toàn bộ thân uốn cong, đầu quay lại nhô cao ra ngoài. Hai con ở đầu góc đăng đối song bố cục, cách thể hiện lại không hoàn toàn giống nhau, bởi vậy tạo sự hấp dẫn người xem.

Tham quan nghè Nguyệt Viên, người xem cũng nhận ra đề tài “lân” tại đây chiếm số lượng lớn, chạm trên “nghé bẩy, rường đấu, các cốn” với nhiều tư thế: con bơi trên mặt nước, lưng cõng một vòng có hình bát quái của “Hà đồ lạc thư”, con lại trong tư thế nằm ngửa... Kỹ thuật chạm khắc với nhiều lớp tạo nên chiều sâu thu hút. Bên cạnh đó, người nghệ nhân xưa cũng khéo léo kết hợp đường nét, hình khối để vừa đủ đầy chi tiết nhưng vẫn đơn giản tinh tế, không rườm rà rối rắm.

Và theo đánh giá của PGS Nguyễn Du Chi trong bài viết Nghè Nguyệt Viên: “Chính những bức chạm đẹp ở nghè Nguyệt Viên bắt buộc chúng ta phải đánh giá lại về nghệ thuật kiến trúc và trang trí của đầu thế kỷ XIX... Về trang trí ở đây có những tác phẩm xứng đáng được lựa chọn đưa vào lịch sử nghệ thuật vì tiêu biểu cho nghệ thuật đầu thế kỷ XIX”.

Trải qua thời gian nhiều thế kỷ, đến nay nghè Nguyệt Viên đang được địa phương chăm sóc, giữ gìn, là địa điểm - “điểm tựa” tâm linh cho không chỉ người dân mà du khách xa, gần khi về với làng cổ Nguyệt Viên bên bờ sông Mã. Bác Cao Xuân Mạc, Trưởng ban quản lý di tích chia sẻ: “Từ xa xưa, cứ vào sáng mùng 1 tết, những người đỗ đạt trong làng, người theo con đường học hành, khoa cử lại ra nghè dâng hương, đàm đạo. Noi theo truyền thống đó, các cháu học sinh sau này, đứng trước mỗi kỳ thi lớn, bên cạnh sự nỗ lực cũng được bố mẹ dẫn ra nghè dâng lễ, cầu xin sự phù trợ hanh thông, may mắn... Lễ hội truyền thống nghè Nguyệt Viên diễn ra vào ngày mùng 10 tháng 2 âm lịch với nhiều hoạt động, là nơi để mỗi người dân nhớ về nguồn cội, tri ân công đức tiền nhân".

Bài và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]