(vhds.baothanhhoa.vn) - 75 năm qua, từ những ngày đầu thành lập với tên gọi Ty Thông tin Tuyên truyền, trải qua những bước thăng trầm, không ngừng lao động sáng tạo, tùy theo yêu cầu của từng thời kỳ lịch sử mà tên gọi của ngành được thay đổi cho phù hợp với nhiệm vụ cụ thể. Song, dù ở thời kỳ nào thì đội ngũ những người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa xứ Thanh cũng luôn phấn đấu hết mình hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao. Ôn lại truyền thống đầy gian khó và rất tự hào của ngành Văn hóa, toàn thể cán bộ công chức, viên chức, nghệ sĩ, diễn viên, người lao động luôn ý thức về trách nhiệm của mình, ra sức phấn đấu thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa 75 năm truyền thống văn hóa, lịch sử và khát vọng thịnh vượng

75 năm qua, từ những ngày đầu thành lập với tên gọi Ty Thông tin Tuyên truyền, trải qua những bước thăng trầm, không ngừng lao động sáng tạo, tùy theo yêu cầu của từng thời kỳ lịch sử mà tên gọi của ngành được thay đổi cho phù hợp với nhiệm vụ cụ thể. Song, dù ở thời kỳ nào thì đội ngũ những người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa xứ Thanh cũng luôn phấn đấu hết mình hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao. Ôn lại truyền thống đầy gian khó và rất tự hào của ngành Văn hóa, toàn thể cán bộ công chức, viên chức, nghệ sĩ, diễn viên, người lao động luôn ý thức về trách nhiệm của mình, ra sức phấn đấu thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Sở VH,TT&DL phối hợp thực hiện tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa.JPG

Sở VH,TT&DL phối hợp thực hiện tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa (1029 - 2019). Ảnh: Ngọc Huấn

Khi thành lập chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám, dẫu gặp nhiều khó khăn, thách thức như ngân khố trống rỗng, nạn đói nặng nề, thù trong giặc ngoài chống phá quyết liệt, nhưng nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí của văn hóa, thông tin tuyên truyền, ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tuyên bố thành lập Nha Thông tin Tuyên truyền (tiền thân của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ngày nay). Sau khi có quyết định của Chính phủ lâm thời, Ty Thông tin Tuyên truyền Thanh Hóa được thành lập, có trụ sở chính thức tại nhà Trưng bày Bác Cổ (nay là Công ty Phát hành Sách Thanh Hoá); ngay sau khi thành lập, Ngành Văn hoá Thông tin Thanh Hoá đã nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy và thực hiện nhiệm vụ "Kháng chiến - Kiến quốc". Trong 9 năm chống Pháp, nhiều hình thức hoạt động phong phú, đa dạng, sáng tạo, phù hợp với điều kiện lúc bấy giờ được tổ chức có kết quả, các ban chức năng của ngành như: Tuyên huấn, Tuyên truyền, Thông tin, Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê Nin, Biên tập báo... đã hoạt động tích cực, tuyên truyền đường lối kháng chiến với các khẩu hiệu: "Toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi", "Tất cả để chiến thắng", động viên thanh niên hăng hái lên đường tòng quân, tham gia dân công hoả tuyến, tuyên truyền chủ trương xây dựng hậu phương vững mạnh phục vụ tiền tuyến. Cụ thể là: Chống giặc đói, diệt giặc dốt, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, xoá nạn mù chữ, xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân; tuyên truyền các cuộc vận động lớn: "Tuần lễ vàng", "Công trái Quốc gia", "Lúa khao quân"; "Giảm tô, giảm tức", cải cách ruộng đất, chính sách dân tộc, tự do tín ngưỡng, giáo dục ý thức quốc phòng, nâng cao cảnh giác, bảo vệ hậu phương; xây dựng đời sống mới, phổ biến khoa học kỹ thuật bằng các hoạt động văn hoá - văn nghệ, với các phương tiện thô sơ (chòi phát thanh, loa mo, loa giấy, nong, nia kẻ khẩu hiệu), hình thức tuyên truyền chủ yếu là kẻ vẽ khẩu hiệu, sáng tác thơ ca, hò vè... Các đoàn văn công Cúc Hoa, Nam Hoa, Thanh Kỳ, Phụng Các, Âu Lạc được thành lập, các tài liệu ấn phẩm văn hoá từ các cơ sở in (tiền thân của Xí nghiệp In Ba Đình sau này), sách báo của Thư viện tỉnh... được các chiến sĩ văn hóa truyền tải tới nhân dân mọi vùng miền. Những hoạt động thiết thực, sôi động, hiệu quả đã góp phần huy động sức người, sức của của đồng bào Thanh Hóa góp phần vào thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”. Trong những năm chống Mỹ, cứu nước, với quyết tâm “tiếng hát át tiếng bom” công tác văn hóa, thông tin, tuyên truyền đã góp phần xây dựng chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong lao động sản xuất và chiến đấu.

Khi đất nước hòa bình thống nhất, công tác văn hóa đã kịp thời đẩy mạnh tuyên truyền chủ nghĩa anh hùng trong chiến đấu sang lao động, sản xuất, cải tạo dựng xây đất nước với nhiều loại hình văn hóa, thông tin đa dạng, phong phú. Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, các "chiến sĩ" văn hóa lại xung kích vào mặt trận với khí thế và quyết tâm mới. Đặc biệt, trong giai đoạn vừa qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 9 ( khóa XI) "Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" với nội dung tiên quyết: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước”, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung đầu tư thỏa đáng để đưa sự nghiệp văn hóa lên một tầm cao mới, xây dựng môi trường văn hóa của tỉnh trong sạch, lành mạnh.

Thừa ủy quyền, đồng chí Phạm Nguyên Hồng - Giám đốc Sở VH,TT&DL trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hóa.JPG

Thừa ủy quyền, đồng chí Phạm Nguyên Hồng - Giám đốc Sở VH,TT&DL trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hóa.

75 năm qua, từ những ngày đầu thành lập với tên gọi “Ty Thông tin Tuyên truyền”, trải qua những bước thăng trầm, không ngừng lao động sáng tạo, tùy theo yêu cầu của từng thời kỳ lịch sử mà tên gọi của ngành được thay đổi cho phù hợp với nhiệm vụ cụ thể. Song, dù ở thời kỳ nào thì đội ngũ những người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa Thanh Hóa cũng luôn phấn đấu hết mình hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao.

Là một ngành hoạt động đa lĩnh vực, trong 5 năm qua (2015 - 2020), ngành Văn hóa đã không ngừng phát triển, ngày càng lớn mạnh cả về thiết chế, tổ chức, trình độ quản lý, hoạt động nghiệp vụ và đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa trên các mặt công tác, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngành đã chú trọng trong công tác quản lý nhà nước; nâng cao chất lượng hoạt động các đơn vị văn hóa chuyên nghiệp; chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho các huyện, thị, thành phố, xã, phường. Từ thực tiễn và yêu cầu của sự phát triển và hội nhập, Sở VH,TT&DL đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt hàng trăm đề án, dự án, quy hoạch, kế hoạch, chương trình trên cả 4 lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình; tham gia tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn của tỉnh, của đất nước như: Năm Du lịch Quốc gia 2015 - Thanh Hóa; Lễ đón nhận Bằng di tích cấp Quốc gia đặc biệt hang Con Moong; kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa; 50 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm thực hiện Di chúc của Người; 60 năm Thanh Hóa - Quảng Nam kết nghĩa; Lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa... Bên cạnh đó, ngành đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình, hàng năm đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn; tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra các hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao, hoạt động lễ hội, công tác trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp các di tích, hoạt động nhà hàng, khách sạn, các giải thi đấu thể thao cấp tỉnh.

Cùng với đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh được ngành quan tâm, đẩy mạnh; công tác tu bổ chống xuống cấp và phục hồi, tôn tạo di tích ngày càng được quan tâm, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Sở đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích do ngành làm chủ đầu tư; lập hồ sơ xếp hạng 57 di tích cấp tỉnh, 3 di tích Quốc gia đặc biệt, 2 di tích Quốc gia; phục hồi Lăng miếu Gia miêu Triệu Tường giai đoạn 2; bổ sung 989 hiện vật; có 11 Di sản Văn hóa phi vật thể; 2 Bảo vật Quốc gia được công nhận (đến nay, toàn tỉnh có 852 di tích đã xếp hạng (1 DSVHTG, 5 DTQGĐB, 139 DTQG, 707 DT cấp tỉnh). Công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, điền dã, tư liệu hóa các di sản văn hóa phi vật thể cũng được tập trung triển khai; các lễ hội dân gian; trò chơi, trò diễn được khôi phục; các làng nghề truyền thống được phục hồi và phát triển...

Các hoạt động thư viện, bảo tàng, nghiên cứu biên soạn lịch sử, phát hành phim, chiếu bóng, biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp được nâng cao cả về chất và lượng; Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của tỉnh ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu của đời sống. Ngành VH,TT&DL đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai sâu rộng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội; khắc phục bệnh hình thức trong việc công nhận các danh hiệu văn hóa. Trong nhiệm kỳ qua, ngành VH,TT&DL đã hướng dẫn, chỉ đạo 4.001 làng, bản, tổ dân phố đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa; 1.969 cơ quan, doanh nghiệp đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa; 346 xã, phường, thị trấn đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và đạt chuẩn văn minh đô thị; tổ chức và tham gia tổ chức 2.090 cuộc liên hoan nghệ thuật quần chúng, hội thi thông tin lưu động. Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật tiếp tục đạt được nhiều thành công, tham gia 9 cuộc hội diễn, hội thi sân khấu chuyên nghiệp đạt 36 huy chương các loại; tính đến nay, toàn tỉnh có 7 nghệ sĩ nhân dân và 41 nghệ sĩ ưu tú.

Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tiếp tục được đẩy mạnh và không ngừng được nâng cao chất lượng, trong đó chú trọng bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thể thao cơ sở; thể thao thành tích cao đứng trong tốp đầu của cả nước, là địa phương có nhiều VĐV tham gia đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games 29 và SEA Game 30. Năm năm qua, VĐV thành tích cao Thanh Hóa đã tham gia thi đấu 566 giải thể thao quốc gia, quốc tế đạt 3.536 huy chương các loại; có 361 VĐV được phong cấp Kiện tướng, nhiều vận động viên giành huy chương Châu Á, thế giới; đội bóng đá nam, bóng chuyền nữ nhiều năm xếp thứ hạng cao. Tham gia Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII, năm 2018, Thanh Hóa giành vị trí thứ 4 toàn quốc, là 1/10 đơn vị đứng đầu đại hội, được Bộ VH,TT&DL tặng Cờ thi đua.

Song song với các lĩnh vực trên, lĩnh vực du lịch cũng đã gặt hái được nhiều thành công. 5 năm qua, Du lịch Thanh Hóa đón trên 37,7 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt gần 45 nghìn tỷ đồng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, chương trình trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Lĩnh vực gia đình được quan tâm, đẩy mạnh với việc xây dựng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, thành lập các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, tổ tư vấn, tổ hòa giải... Đến nay, Thanh Hóa đã có 370 mô hình phòng chống bạo lực gia đình, 1.850 tổ hòa giải, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của xã hội và gia đình trong việc xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc.

Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập ngành Văn hóa, là dịp để mỗi cán bộ công chức, viên chức - người lao động thêm tự hào và nâng cao hơn nữa trách nhiệm, lòng yêu nghề để phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là những “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa” của Đảng. Tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ VH,TT&DL, phát huy những thành tích đã đạt được trong thời gian qua, với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, phát triển”, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ngành VH,TT&DL Thanh Hóa quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, "phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân", góp phần cùng cả tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Thanh Hóa đến năm 2025 ở trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và sớm trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Phạm Nguyên Hồng

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]