(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau 5 năm ra đời Ngày Sách Việt Nam, hiệu ứng và sự lan tỏa đã tạo nên những chuyển biến tích cực về nhận thức của cộng đồng đối với việc đọc. Tuy nhiên, nâng cao ý thức đọc sách trong cộng đồng và thay đổi văn hóa đọc nói chung vẫn là câu chuyện mà hiệu quả và sự kỳ vọng vẫn còn không ít trăn trở.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngày sách Việt Nam và văn hóa đọc cộng đồng

Sau 5 năm ra đời Ngày Sách Việt Nam, hiệu ứng và sự lan tỏa đã tạo nên những chuyển biến tích cực về nhận thức của cộng đồng đối với việc đọc. Tuy nhiên, nâng cao ý thức đọc sách trong cộng đồng và thay đổi văn hóa đọc nói chung vẫn là câu chuyện mà hiệu quả và sự kỳ vọng vẫn còn không ít trăn trở.

Tự hào Ngày sách Việt Nam

Ở nhiều nước Phương Tây, điển hình là Tây Ban Nha “Ngày hội đọc sách” đã được hình thành và khởi xướng từ 80 năm trước. Nhằm tôn vinh sách và người làm sách, thế giới đã quyết định lấy ngày 23/4 hàng năm là ngày “Sách và Bản quyền thế giới”.

Còn tại Việt Nam, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Sự kiện sau khi ra đời đã thu hút sự chú ý và hưởng ứng tích cực trong cộng đồng yêu sách, yêu văn hóa đọc nói chung và những người làm sách nói riêng.

Nhắc đến câu chuyện văn hóa đọc, nhiều người hẳn nhiên sẽ nhớ đến một con số đã được công bố khiến dư luận không khỏi giật mình: “người Việt đọc chưa đến một cuốn sách mỗi năm”! Thay vì đến nhà sách, thư viện... ta lại dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người Việt trẻ say sưa với smartphone, facebook mọi lúc, mọi nơi. Và nhiều người Việt trẻ thậm chí nằm lòng phương châm: “cái gì không biết thì tra google”!

Với một xã hội mà người trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước thờ ơ, bỏ quên việc đọc sách thực sự là điều không ổn. Bởi vậy, khi Ngày Sách Việt Nam ra đời, đã có hàng loạt hoạt động được tổ chức trên khắp đất nước, đánh thức nhu cầu đọc ở mọi người dân. Từ những hội chợ sách, lễ hội sách trên phố đi bộ, trường học... gây được sự chú ý.

Các nhà trường cần tạo sân chơi về sách cho các học sinh.

Đừng để sách “ngủ quên”

Ngày sách Việt Nam năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện “Ngày Sách Việt Nam” lần thứ 5 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các hoạt động sẽ diễn ra tại các cơ quan, đơn vị xuất bản, phát hành, thư viện, trường học... với các hình thức trưng bày triển lãm, giới thiệu sách, phục vụ bạn đọc miễn phí. Tổ chức giao lưu, tọa đàm, kể chuyện về sách; giới thiệu tác giả, tác phẩm đến người đọc; tổ chức trao đổi, hiến tặng sách... hỗ trợ các thư viện, tủ sách ở vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo...

Tại Thư viện tỉnh, từ ngày 18 - 21/4 sẽ diễn ra hoạt động trưng bày, triển lãm sách. Và để khuyến khích, tạo niềm vui cho các bạn nhỏ yêu thích sách thì trong dịp này Thư viện tỉnh còn tặng quà là sách, vở và các thẻ đọc miễn phí cho học sinh ở một số trường học trên địa bàn tỉnh. Hoạt động được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy niềm vui, sở thích đọc sách ở đối tượng độc giả trẻ.

Với hàng loạt các hoạt động về văn hóa đọc sẽ diễn ra nhân Ngày Sách Việt Nam không chỉ tạo sự sôi động và ý nghĩa về Ngày hội sách. Từ đây, sẽ tạo sự lan tỏa để cộng đồng một lần nữa ý thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của sách đối với mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Thế hệ trẻ được coi là đối tượng chính quyết định sự phát triển của văn hóa đọc. Song trên địa bàn tỉnh, những hoạt động kết nối để phát triển việc đọc giữa nhà trường với các thư viện dường như vẫn còn khá hạn chế. Bà Thiều Thị Nghĩa - Trưởng phòng Bạn đọc Thư viện tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: Có một thực tế là không ít cơ sở, đơn vị giáo dục vẫn xem việc phát triển văn hóa đọc là chuyện của riêng... thư viện. Vì vậy mà những hoạt động phối hợp, tạo sân chơi về sách cho các em học sinh của các nhà trường diễn ra khá hời hợt, thiếu chủ động.

Có lẽ, đã qua rồi thời kỳ “đổ lỗi” cho việc thiếu sách, thiếu cơ sở vật chất phục vụ cho việc đọc. Thư viện tỉnh Thanh Hóa được đầu tư khang trang, nằm ở vị trí trung tâm được đánh giá là một trong những thư viện tuyến tỉnh hiện đại của cả nước; trong trường học, việc xây dựng thư viện thân thiện được coi là tiêu chí cần thiết để có thể đạt chuẩn; ở các xã, thị trấn được công nhận nông thôn mới thì đâu thể thiếu thư viện xã cũng được trang bị khá đầy đủ. Nhưng không ít thư viện các nhà trường vẫn đang được xem là “kho chứa sách”. Rồi sự vắng lặng của nhiều thư viện trung tâm các xã, huyện cũng khiến người có tâm với văn hóa đọc không khỏi bận tâm.

Dù rằng, có một thực tế, ở không ít vùng khó khăn, biên giới, hải đảo... hình ảnh những đứa trẻ say sưa cầm trên tay những cuốn sách được tặng. Dường như, với các em ngoài những cuốn sách giáo khoa phục vụ việc học thì sách “ngoài luồng” là rất hiếm. Ở nơi đó, không có internet, truyền hình cáp, những đứa trẻ cũng chẳng hiểu facebook là gì. Vậy nên, những cuốn sách quà tặng đến với chúng đã làm tròn sứ mệnh như một người bạn.

Tri thức nhân loại giống đại dương mênh mông mà những điều mỗi người biết được chỉ như hạt cát nhỏ. Chưa một quốc gia nào được vinh danh vì có tỉ lệ người dùng internet, facebook cao nhất thế giới. Song, đã có những quốc gia được ngưỡng mộ vì có tỉ lệ người đọc sách và văn hóa đọc cực kì phát triển.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]