(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi hoa đào khoe sắc báo hiệu mùa xuân về cũng là lúc bà con dân tộc Mường huyện Ngọc Lặc lại “đắm mình” trong các điệu hát xường đằm thắm, mượt mà. Hát xường không chỉ tạo không khí rộn ràng để người dân vui xuân, đón tết mà còn thể hiện tình cảm yêu thương của con người, ẩn chứa khát vọng sống lứa đôi.

Ngày xuân ngân điệu hát xường

Khi hoa đào khoe sắc báo hiệu mùa xuân về cũng là lúc bà con dân tộc Mường huyện Ngọc Lặc lại “đắm mình” trong các điệu hát xường đằm thắm, mượt mà. Hát xường không chỉ tạo không khí rộn ràng để người dân vui xuân, đón tết mà còn thể hiện tình cảm yêu thương của con người, ẩn chứa khát vọng sống lứa đôi.

Ngày xuân ngân điệu hát xườngĐội hát xường đi chúc tết các gia đình ở huyện Ngọc Lặc.

Sẽ thú vị biết mấy khi được hòa mình vào điệu hát múa pôồn pôông say đắm lòng người; điệu hát sắc bùa rộn ràng, nhộn nhịp; hay nghệ thuật diễn xướng xường giao duyên vui tươi, trong trẻo. Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến nhà Nghệ nhân Ưu tú Lê Thị Hương, thôn Minh Nguyên, xã Minh Sơn, một trong những “cây đa, cây đề” của nghệ thuật diễn xướng xường giao duyên. Lúc này, nhà của nghệ nhân Hương cũng đông vui, rộn ràng, bởi tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng hát của các chàng trai, cô gái Mường đang say sưa tập luyện. Nghệ nhân Hương cho hay: Xường giao duyên là một thể loại dân ca trữ tình, đặc sắc và tiêu biểu trong hệ thống dân ca của đồng bào Mường ở huyện Ngọc Lặc. Chẳng biết có tự bao giờ, thế nhưng tiếng hát xường đã ngấm vào máu thịt của người Mường ở đây, rồi cứ thế, họ lặng lẽ gìn giữ và trao truyền từ đời này sang đời khác.

Do đặc điểm sinh sống, lao động của người Mường ở vùng đồi núi, bởi vậy tiếng hát xường cũng theo chân đồng bào đi khắp nơi, khi thì lên nương rẫy, ra bờ suối, bìa rừng, khi lại ở ruộng lúa, nương ngô. Hát xường thì không khó, nội dung các câu hát thường có nhạc điệu giống nhau, dễ hát, dễ nhớ và gần gũi với đời sống, có thể là ca ngợi tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, ca ngợi cảnh đẹp quê hương, làng bản, đất nước, tình yêu lứa đôi... Lời ca có thể được ứng khẩu ngay tại chỗ, không theo một khuôn mẫu có sẵn mà được người hát sáng tạo một cách linh hoạt, hài hòa cho phù hợp với hoàn cảnh.

Thông thường, cuộc xường giao duyên nào cũng có hai phần: phần thứ nhất là xường Áng, với các bài xường chào, xường nài, xường xướng (chủ hát trước), xường chân đi (hay còn gọi là xường dậy nhà), xường qua cầu, xường chạm cầu, xường đổ cầu (qua hết cầu)... Ở phần thứ hai là xường cài va lên bậc (gài hoa lên bậc) hay còn gọi xường bậc trên. Xường cài va lên bậc có 12 bậc (tượng trưng cho 12 tháng trong năm) gồm các bậc, như: cu nhu, cóp nhóp, từng khêênh (đứng gần), lêu lao, lêu lồm, dờm dớm...

Xường giao duyên cũng mang tính cộng đồng và tính đoàn kết khá cao. Bởi khi hát xường sẽ có rất đông người đến nghe (cuộc xường càng nhiều người nghe càng tốt, càng hay, càng vui, bởi chính người nghe bên trai thì làm cố vấn cho chàng trai, bên gái thì làm cố vấn cho cô gái). Đây chính là điều đặc biệt của văn hóa dân tộc Mường, dù ở đâu đến, là gái hay trai, dù chưa gặp một lần, nhưng qua cuộc xường đều trở thành bạn thân thiết của nhau.

Trong mỗi cuộc xường giao duyên cũng có những cuộc xường thành công, bên nam cũng giỏi, bên nữ cũng tài thì cuộc xường có hậu. Nhưng cũng có cuộc xường không thành công với rất nhiều lý do, có thể một trong hai người không giỏi xường, hoặc không ưa thích cá tính của nhau (không hợp) nhau thì người muốn chia tay cuộc xường hát bài xường trẻ giàn (nửa đường đứt gánh) thì người kia có bài đón giàn (có thể hiểu rằng đón giàn như là sự nâng đỡ, đỡ lấy khi bị rơi từ trên giàn xuống). Cuộc xường tuy không thành nhưng cũng không làm ai phải tổn thương, xấu hổ vì kém xường, thua xường.

Với đồng bào dân tộc Mường, thì xường giao duyên đã thấm sâu vào đời sống, trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống hằng ngày. Cũng chính bởi giá trị quý báu của hát xường mà bao năm qua người Mường ở Ngọc Lặc ngày càng gìn giữ và phát huy giá trị của nó. Đặc biệt, là xường giao duyên của người Mường thuộc các xã Cao Ngọc, Thạch Lập, Minh Sơn của huyện Ngọc Lặc đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Mỗi khi tết đến xuân về, những câu hát xường lại vang lên rộn rã, cũng như một cách chúc tết độc đáo, đặc sắc, thể hiện khát vọng về một năm mới hạnh phúc, bình yên.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]