(vhds.baothanhhoa.vn) - “Tôi vẫn nghĩ mình là người may mắn, vạn sự khởi đầu nan, ngay sau khi về Đoàn Nghệ thuật Chèo Thanh Hóa năm 2013 (nay là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa), tôi đã được tạo điều kiện đến Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh học sáng tác chỉ huy kịch hát dân tộc”.

Nghệ sĩ Vũ Thiềng: Cần những “liều thuốc” kích thích sáng tạo

“Tôi vẫn nghĩ mình là người may mắn, vạn sự khởi đầu nan, ngay sau khi về Đoàn Nghệ thuật Chèo Thanh Hóa năm 2013 (nay là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa), tôi đã được tạo điều kiện đến Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh học sáng tác chỉ huy kịch hát dân tộc”.

Nghệ sĩ Vũ Thiềng: Cần những “liều thuốc” kích thích sáng tạoTiết mục hòa tấu đàn tranh giúp Vũ Thiềng giành Huy chương Vàng trong Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc năm 2017 tại Thanh Hóa.

Nghệ sĩ Vũ Thiềng là “con nhà nòi”, nên anh có nhiều lợi thế. Anh đến với chèo vì cả bố mẹ đều là diễn viên trong ngành. Do điều kiện kinh tế khó khăn lúc bấy giờ, mẹ anh đã phải chuyển việc sang Nhà in Ba Đình. Những câu hát í ì i ngấm dần ngấm dần khiến anh biết ê a làn điệu chèo từ rất sớm. "Quyết định học ngành piano, Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Thanh Hóa, rồi lại về Đoàn Nghệ thuật Chèo, nhưng tôi chưa bao giờ tiếc những ngày tháng phải tự mày mò học hát các làn điệu truyền thống. Đó là cái duyên và hơn hết là điều mà bố tôi mơ ước. Tôi nộp hồ sơ về đoàn đánh đàn organ, nhưng phải kiêm cây, thế là tự mày mò học đàn tam thập lục, ngồi trong dàn nhạc”, nghệ sĩ Vũ Thiềng chia sẻ.

Làm nghệ thuật truyền thống có biết bao nhiêu khó khăn, chỉ có sự đam mê mới níu chân các nghệ sĩ ở lại. Vũ Thiềng là một người nhanh nhạy khi anh có thu nhập nghề tay trái hơn hẳn nghề tay phải. Ngoài giờ hành chính, anh đi dẫn chương trình, đi chơi đàn, tổ chức sự kiện... Từ những trải nghiệm anh càng thấu hiểu khó khăn của nghệ sĩ truyền thống. Để hát hay chơi đàn piano… học 3 tháng đã có thể ra kiếm sống, thì luyện đàn tranh, đàn nhị, đàn bầu… biết bao nhiêu cho nhuyễn, cho ngọt. Vì luyện tập là một chuyện, hơn hết là năng khiếu, là tâm hồn của người nghệ sĩ. Anh nói: “Nếu không có sự dìu dắt, động viên của bố, tôi có thể đã không chịu được áp lực, đã bỏ nghề từ lâu lắm rồi”.

Tôi nhớ đến Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc năm 2017, tổ chức tại Thanh Hóa, là nơi tôn vinh những người dưới “hố” nhạc, không bao giờ được đứng trên sân khấu biểu diễn, nên Vũ Thiềng đã đăng ký tham gia. Khi đang biểu diễn, anh bị văng móng đàn, nhiều người hoảng hốt thấy rõ, nhưng cuối cùng anh đã hoàn thành tốt bài biểu diễn và giành Huy chương Vàng. Dù trước đó, nhiều người có nghi ngờ về khả năng chơi đàn tranh của anh. Anh chia sẻ: “Đó là cuộc thi đầy cảm xúc. Tôi và những đồng nghiệp vẫn hy vọng sẽ có thêm nhiều cuộc thi như vậy để người làm nghề như chúng tôi được trải nghiệm, được thăng hoa”.

Một bộ môn kén người nghe, để tạo nên một tác phẩm hay lại càng khó. Làm mới kiểu gì thì cũng phải giữ được tính đặc trưng của chèo. Để làm được điều đó, những làn điệu chèo là một phần trong hơi thở của chính anh. Có lẽ thế mà nghệ sĩ Vũ Thiềng rất đa năng, anh sáng tác chèo, chơi tất cả các loại nhạc cụ dân tộc, hát chèo và làm tất cả những gì mình có để phục vụ cho nghệ thuật chèo được phát triển.

Mấy ai giữ được tình yêu nghề ấy như Vũ Thiềng. Anh chia sẻ: “Tôi sợ cứ tình hình dịch bệnh COVID-19 thế này, các bạn trẻ sẽ bỏ nghề mất. Tiền lương chưa đủ cho các bạn ấy thuê nhà. Không biểu diễn, các nghệ sĩ không còn chuyên tâm với nghề, thời gian luyện đàn, luyện hát ít đi. Nhãn tiền là ở ngay Nhà hát Nghệ thuật truyền thống nhiều người có chuyên môn cao, nhưng không chịu khó học hỏi mà mai một dần”.

Khi đảm nhận vị trí Phó trưởng Đoàn dân ca dân vũ (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống), anh lại càng ý thức hơn về nghề, trân trọng nghề của mình. Anh tâm sự: “Dù là truyền thống nhưng cần phải thay đổi. Có điều, cái khó nó bó cái khôn, không có kinh phí dựng vở, không xã hội hóa, không có người xem, liệu nghệ sĩ có đủ tâm thế sáng tạo”?.

Tôi hiểu đây là khoảng thời gian khó khăn của tất cả các nghệ sĩ, trong đó có Vũ Thiềng. “Có những khi tôi thấy mọi thứ đang ngoài tầm kiểm soát. Gần 2 năm vừa rồi tôi cũng chẳng có một thu nhập nào ngoài lương. Anh em nghệ sĩ không thuộc biên chế nhà nước đã phải đi làm đủ thứ nghề, không liên quan đến nghệ thuật. Nhìn thấy xót xa lắm, nhưng biết sao được, có thực mới vực được đạo".

“Những ngày này chúng tôi đang gấp rút luyện tập chương trình để Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn tham dự Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc 2021 tại Hải Phòng trong tháng 11-2021. Đã lâu lắm rồi mới có không khí hội diễn, liên hoan…, vì thế mà anh em rất hăng say luyện tập. Với nghệ sĩ chúng tôi, lúc này còn niềm vui nào hơn được sống trong đời sống nghệ thuật”.

Được biết Vũ Thiềng đang được xét tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú lần thứ 10. “Ai đó nói nghệ sĩ thì cần gì danh hiệu, nhưng nếu mọi cố gắng của mình được công nhận, đó sẽ là “liều thuốc” kích thích sự hưng phấn trong sáng tạo nghệ thuật”, nghệ sĩ Vũ Thiềng chia sẻ.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]