(vhds.baothanhhoa.vn) - Trẻ tuổi và đầy nhiệt huyết, đam mê với bộ môn nghệ thuật tuồng truyền thống, nghệ sĩ Đỗ Thị Ngư, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa đã có nhiều vai diễn để đời, ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng. 

Nghệ sĩ trẻ nỗ lực gìn giữ nghệ thuật tuồng

Trẻ tuổi và đầy nhiệt huyết, đam mê với bộ môn nghệ thuật tuồng truyền thống, nghệ sĩ Đỗ Thị Ngư, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa đã có nhiều vai diễn để đời, ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng.

Nghệ sĩ trẻ nỗ lực gìn giữ nghệ thuật tuồng

Nghệ sĩ Đỗ Thị Ngư trong vai Dương Vân Nga (vở Hoàng đế Lê Đại Hành).

Trò chuyện với chị Ngư sau một buổi luyện tập cho vở diễn, chúng tôi cảm nhận được niềm đam mê bộ môn nghệ thuật tuồng của người nghệ sĩ trẻ. Dù ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào, chị cũng có thể nhập vai, hát, múa một đoạn tuồng, hay nói chuyện về tuồng một cách say sưa.

Chị bảo: “Tôi sinh ra ở xã Đa Lộc (Hậu Lộc), từ nhỏ đã yêu thích hát ca, mê đắm những câu dân ca của bà, của mẹ. Thế nên, chẳng biết tự bao giờ, cái “máu” nghệ thuật đã ngấm vào trong tôi. Suốt quá trình còn là học sinh THCS, THPT, tôi tích cực học hỏi múa, hát các làn điệu dân ca và thường xuyên tham gia biểu diễn khi nhà trường tổ chức hoạt động văn nghệ. Thế nhưng, khi đó tôi chỉ nghĩ ca hát cho vui vậy thôi, chứ đâu có ước mơ hay dự định trở thành nghệ sĩ, đứng trên sân khấu và gắn bó với nghệ thuật. Nhưng rồi, đúng là định mệnh, tình cờ tôi được các nghệ sĩ của Đoàn nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa bây giờ) “để mắt” trong một lần đi tuyển diễn viên tại địa phương”.

Nghệ sĩ trẻ nỗ lực gìn giữ nghệ thuật tuồng

Trong suốt quá trình theo nghệ thuật tuồng, nghệ sĩ Đỗ Thị Ngư luôn cháy hết mình với những vai diễn.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, tính đến nay, nghệ sĩ Đỗ Thị Ngư đã gắn bó với môn nghệ thuật này hơn 30 năm. Trải qua bao khó khăn vất vả của những tháng ngày mồ hôi, nước mắt đổ trên sàn tập, mong muốn của chị là được sống trọn với đam mê và cống hiến cho khán giả những vai diễn, vở diễn tuyệt vời. “Với tôi nghề này phải học hỏi nhiều lắm. Dù được đào tạo bài bản từ trường học, nhưng khi trải nghiệm trên sân khấu thì mọi thứ bắt đầu từ con số 0. Diễn viên trẻ chúng tôi phải khổ luyện, ngoài các khóa tập luyện với các nghệ sĩ, đêm về chúng tôi phải tự diễn, tìm hiểu kỹ nhân vật, tình tiết để hóa thân vào vai diễn như thế nào cho tốt nhất”, chị Ngư tâm sự.

Suốt mấy chục năm qua, vừa học vừa diễn, vừa nghiên cứu và sáng tạo không ngừng, chị Ngư đã khắc phục được những hạn chế của mình để hóa thân vào vai diễn và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng với vai Triệu Thị Trinh từng đoạt Huy chương Vàng (năm 2003), vai Lan trong vở “Núi rừng mở rộng vòng tay” đoạt Huy chương Bạc (năm 2010). Và mới đây, chị xuất sắc giành Huy chương Vàng với vai Dương Vân Nga trong vở “Hoàng đế Lê Đại Hành” (năm 2022)…

Nói về dự định sắp tới, chị Ngư trải lòng: “Thực ra, nghề nào cũng có những vất vả, khó khăn riêng. Nhưng với những loại hình nghệ thuật truyền thống nhất là nghệ thuật tuồng, người nghệ sĩ sẽ càng vất vả, thiệt thòi hơn do kén khán giả, kén người yêu thích. Đấy là chưa kể, với nghệ thuật tuồng, không dễ gì có được một vai diễn hay, chất lượng mà không đổ nhiều công sức. Tuy nhiên, khó đến mấy, nếu lớp trẻ như mình không tiếp tục theo nghề, tiếp tục cống hiến thì ai sẽ duy trì bộ môn sân khấu dân tộc này cho các thế hệ mai sau? Vì thế, mình vẫn cứ bền bỉ làm việc, học hỏi và mong những đóng góp của mình có ích trong việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống mà cha ông để lại”.

Chia sẻ về công tác gìn giữ, phát triển nghệ thuật tuồng truyền thống, NSND Hàn Văn Hải, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa cho biết: “Trong suốt những năm qua, lớp diễn viên, nghệ sĩ đoàn tuồng, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, trong đó có nghệ sĩ Đỗ Thị Ngư đã luôn nỗ lực cống hiến để làm “sống lại” bộ môn nghệ thuật này. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, tuồng đang mất dần “chỗ đứng” vì nhiều khán giả nhất là lớp trẻ “quay lưng” lại với tuồng. Bởi vậy, để giúp nghệ sĩ trẻ yên tâm công tác, cống hiến cho nghệ thuật tuồng, cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng về chế độ đãi ngộ, được tạo điều kiện tham gia các hội diễn, liên hoan nghệ thuật… Bởi xét đến cùng, người trẻ chính là tương lai của nghệ thuật, âm nhạc truyền thống, trong đó có tuồng”.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]