(vhds.baothanhhoa.vn) - Xứ Thanh - vùng đất địa linh nhân kiệt! Điều đó đã được minh định bằng những đóng góp, vị thế của đất và người quê Thanh trong tiến trình hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đi qua những thăng trầm, biến động của lịch sử, còn đó đến hôm nay một hệ thống di sản văn hóa đậm đặc giá trị. Mỗi di sản vật thể, phi vật thể đều chứa đựng dấu ấn lịch sử, tâm huyết của tiền nhân và là niềm tự hào và trách nhiệm của hậu thế. Nhận thức được giá trị và ý nghĩa của di sản, trong thời gian qua, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương. Điều này càng được khẳng định rõ nét trong giai đoạn 2015 - 2020, với nhiều thành tựu quan trọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngời sáng hành trình định vị Thanh Hóa

Xứ Thanh - vùng đất địa linh nhân kiệt! Điều đó đã được minh định bằng những đóng góp, vị thế của đất và người quê Thanh trong tiến trình hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đi qua những thăng trầm, biến động của lịch sử, còn đó đến hôm nay một hệ thống di sản văn hóa đậm đặc giá trị. Mỗi di sản vật thể, phi vật thể đều chứa đựng dấu ấn lịch sử, tâm huyết của tiền nhân và là niềm tự hào và trách nhiệm của hậu thế. Nhận thức được giá trị và ý nghĩa của di sản, trong thời gian qua, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương. Điều này càng được khẳng định rõ nét trong giai đoạn 2015 - 2020, với nhiều thành tựu quan trọng.

Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa (1029 - 2019) được tổ chức công phu, trang trọng. (Ảnh: Ngọc Huấn)

Nỗ lực cho công tác bảo tồn

Thanh Hóa hiện có 1.535 di tích đã được kiểm kê và bảo vệ. Trong số đó, có 1 Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ; 5 di tích Quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Lam Kinh; di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật khu di tích Bà Triệu; di tích khảo cổ học hang Con Moong và các di tích phụ cận; di tích lịch sử đền thờ Lê Hoàn; di tích danh lam thắng cảnh Sầm Sơn); 139 di tích quốc gia và 706 di tích cấp tỉnh. Cùng với đó còn có 8 bảo vật quốc gia. Dẫn ra như vậy để thấy rằng, số lượng di sản của xứ Thanh thực sự rất lớn.

Sự xuất hiện, ra đời của hệ thống di sản ở xứ Thanh đều gắn với những giai đoạn của lịch sử dân tộc. Là Khu di tích Bà Triệu mà tên tuổi của vị Vua Bà dù đã hơn 1.700 năm trôi qua vẫn vang danh thiên cổ với câu nói khẳng khái đầy oanh liệt trước giặc Ngô xâm lược tàn bạo: “Tôi chỉ muốn cưỡi gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”. Một đền thờ Lê Hoàn nơi thờ đức vua Lê Đại Hành có công “phá Tống bình Chiêm vang danh Đại Cồ Việt”. Thành Nhà Hồ sừng sững còn đó đâu chỉ là dấu tích của một vương triều nhiều khát vọng, mà vẫn đang từng ngày kể lại câu chuyện về sự phi thường của trí tuệ và sức mạnh con người. Hay một Lam Kinh - vùng đất căn bản - kinh đô tâm linh của vương triều Hậu Lê kéo dài bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Còn đó một khu di tích lăng, miếu Triệu Tường, đất quý hương Gia Miêu, nơi phát tích của các đời vua chúa nhà Nguyễn với công cuộc mở mang bờ cõi phương Nam... Có lẽ, hiếm có nơi nào mà bước chân đến đâu, ta đều bắt gặp những dấu tích lịch sử - sự hiện hữu của di sản. Từng lớp, từng lớp trầm tích văn hóa cứ đan xen lên nhau như phù sa dòng sông quê mẹ, là cội nguồn sức mạnh vô hình cho những phấn đấu, quyết tâm.

Di sản là niềm tự hào, kiêu hãnh đồng thời là trách nhiệm của người xứ Thanh. Trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị đã được cha ông gây dựng, vun đắp. Khi mọi thứ đều “sợ thời gian” thì các di tích trăm năm, ngàn năm cũng không thể nằm ngoài quy luật tất yếu. Và bài toán về công tác di sản vẫn luôn được đặt ra với không chỉ ngành VH,TT&DL mà còn cả sự cộng đồng trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền cùng nhân dân.

Để công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn toàn tỉnh được thực hiện thống nhất, hàng năm, UBND tỉnh Thanh Hóa đều dành một phần ngân sách cho công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp các di tích. Tính từ năm 2015 đến tháng 10/2020, đã có 187 tỷ đồng được tỉnh dành để hỗ trợ cho khoảng 170 di tích.

Bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách phải kể đến nguồn xã hội hóa trong công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Theo thống kê, kinh phí xã hội hóa ước tính gấp từ 5 - 7 lần nguồn vốn của Nhà nước. Với việc cộng đồng trách nhiệm, nhà nước và nhân dân cùng làm đã tạo nên kết quả rõ nét trong bức tranh di sản, đặc biệt là diện mạo sau khi được trùng tu, phục dựng, tôn tạo của các di tích trọng điểm: Khu di tích Lam Kinh, đền Bà Triệu, đình làng Phú Điền, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh... Không chỉ bảo tồn những giá trị văn hóa của tiền nhân, các di tích sau khi được trùng tu, tôn tạo đang từng bước được phát huy, trở thành điểm đến văn hóa - sản phẩm du lịch cho người dân, du khách trở về tri ân, chiêm bái, ngưỡng vọng công đức người xưa.

Khu di tích và Lễ hội Lam Kinh được bảo tồn và phát huy, là điểm đến không thể thiếu cho du khách khi về xứ Thanh.

Phát huy những giá trị trao truyền

Bên cạnh 1.535 di tích, xứ Thanh còn là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc. Chính điều này đã tạo nên sự đặc sắc trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân xứ Thanh. Là những lễ hội, trò chơi, trò diễn... tạo thành bức tranh di sản văn hóa phi vật thể đa sắc với đầy đủ 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể: Tiếng nói - chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian. Đến thời điểm hiện tại, kiểm kê bước đầu, Thanh Hóa sở hữu 663 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 529 di sản đang tồn tại.

Và chỉ trong 5 năm, từ 2015 - 2020, Thanh Hóa đã có 11 di sản được Bộ VH,TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Trò Xuân Phả; Lễ hội Pôồn Pôông; Ngũ trò Viên Khê - Dân ca dân vũ Đông Anh; Lễ hội Cầu Ngư; Lễ hội Trò Chiềng; Lễ hội đền Độc Cước; Nghề đúc đồng cổ truyền làng Trà Đông; Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy (Như Thanh); Xường giao duyên của dân tộc Mường (Ngọc Lặc); Lễ hội Mường Ca Da; Lễ hội đền Mưng... Mỗi di sản văn hóa phi vật thể là một sắc màu lung linh tạo nên bức tranh văn hóa xứ Thanh đa sắc màu đậm đặc giá trị. Với những giá trị di sản văn hóa đã được khẳng định, sự nỗ lực của ngành chuyên môn, con số di sản văn hóa phi vật thể của xứ Thanh được Bộ VH,TT&DL đưa vào danh mục chắc chắn không dừng lại ở 11 di sản. Khi di sản được quan tâm, nhìn nhận đúng mức, câu chuyện bảo tồn những giá trị văn hóa trao truyền của cha ông, thiết nghĩ, sẽ hiệu quả hơn.

Thanh Hóa tự hào là địa phương sở hữu số lượng di sản vật thể và phi vật thể lớn bậc nhất cả nước. Vậy nhưng, Thanh Hóa cũng tự hào là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về công tác quản lý, tổ chức lễ hội trong thời gian qua. Đã có những điểm đến - lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, tạo ấn tượng tốt: Lễ hội Lam Kinh; Lễ hội đền Bà Triệu; Lễ hội Mai An Tiêm... góp phần “định vị” một hình ảnh xứ Thanh trong lòng du khách.

Định vị 990 năm Thanh Hóa

Trên hành trình định vị hình ảnh đất và người xứ Thanh trong hàng chục năm qua, đại lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa (1029 - 2019) là một mốc son chói ngời.

Với sự trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh, vào cuộc nghiên cứu nghiêm túc của các nhà khoa học đã xác định thời điểm ra đời của danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương trong tiến trình lịch sử dân tộc. Và năm 2019, vừa tròn 990 năm tên gọi Thanh Hóa chính thức xuất hiện. Thành công của kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa là kết quả của chuỗi những hoạt động ý nghĩa: Triển lãm “Thanh Hóa xưa và nay” với gần 10 nghìn hiện vật, hình ảnh được nỗ lực sưu tầm, tìm kiếm mang đến cho người dân, khách tham quan những góc nhìn về sự phát triển, đóng góp của vùng đất, con người xứ Thanh trong lịch sử dân tộc; cuộc thi tìm hiểu “990 năm Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương”; và Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa diễn ra tại Quảng trường Lam Sơn với chương trình nghệ thuật sân khấu hóa được dàn dựng công phu, chủ đề “Tỏa sáng cùng non sông đất nước” đã tạo ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người dân, du khách trong và ngoài tỉnh. Đó là sự kiện chính trị - văn hóa huy động được sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Và thành công của Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa trở thành động lực tinh thần to lớn để Thanh Hóa thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể là một hành trình dài, từ giai đoạn này nối tiếp giai đoạn khác, từ thế hệ trước truyền lại thế hệ sau. Tin rằng, tình yêu di sản, sự biết ơn tiền nhân, trí tuệ và trách nhiệm đối với thế hệ mai sau, mỗi người dân, các cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành VH,TT&DL sẽ cùng chung tay trách nhiệm để kho tàng văn hóa xứ Thanh trường tồn cùng thời gian, lan tỏa giá trị tốt đẹp, góp phần đưa nền văn hóa dân tộc Việt tiếp tục hội nhập, tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại. Tự hào về những kết quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, cũng đồng thời là động lực để ngành VH,TT&DL tỉnh Thanh Hóa đề ra những mục tiêu, quyết tâm cho nhiệm kỳ tới.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]