(vhds.baothanhhoa.vn) - Không phải là giáo viên nhưng trong sự nghiệp “trồng người” của mình, ông đã có hàng nghìn học viên, người nhỏ tuổi nhất ở bậc tiểu học, người cao tuổi nhất đã ngoài 70. Cả đời ông đã dành tâm huyết, trí lực cho việc nghiên cứu và truyền dạy chữ Nôm Dao. Ông chính là nghệ nhân Phùng Quang Du ở khu phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc (Ngọc Lặc).

Người giữ “hồn” văn hóa Dao

Không phải là giáo viên nhưng trong sự nghiệp “trồng người” của mình, ông đã có hàng nghìn học viên, người nhỏ tuổi nhất ở bậc tiểu học, người cao tuổi nhất đã ngoài 70. Cả đời ông đã dành tâm huyết, trí lực cho việc nghiên cứu và truyền dạy chữ Nôm Dao. Ông chính là nghệ nhân Phùng Quang Du ở khu phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc (Ngọc Lặc).

Người giữ “hồn” văn hóa Dao

Ông Du còn lưu giữ nhiều sách cổ bằng chữ Nôm Dao. Ảnh: Phong Vân

Ông Du là người có uy tín trong cộng đồng người Dao Hạ Sơn, là người thầy tâm huyết được nhiều học sinh yêu quý. Nếu không hẹn trước thì khó có thể gặp được ông, bởi dù đã ở tuổi 73 nhưng ông vẫn miệt mài, rong ruổi đến những bản làng xa xôi nhất trong tỉnh mở các lớp học chữ Nôm cho người Dao (được gọi tắt là chữ Nôm Dao). Thanh Hóa là tỉnh có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người Dao là một trong 3 dân tộc có chữ viết. Tuy nhiên, người biết đọc, biết viết chữ Nôm Dao ngày càng ít. Không muốn chữ viết của dân tộc mình bị lãng quên, ông Du đã dành nhiều thời gian và công sức để “phổ cập” chữ Nôm Dao cho thế hệ trẻ.

Từ năm 8 tuổi, cậu học trò Quang Du đã được ông nội và cha, đều là những giáo viên dạy chữ Nôm Dao, dạy cho biết đọc và viết chữ Nôm Dao. Càng lớn chàng thanh niên Du càng thuấm nhuần tư tưởng, đạo đức, giáo lý trong các cuốn sách cổ và thuộc làu những bài hát dân ca truyền thống. Những năm tháng đó đã bồi đắp tình yêu và lòng đam mê tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa dân tộc Dao, nhất là việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ. Và cũng để tiếp nối công việc “cao quý” của ông cha, ông Du dành nhiều thời gian, công sức tự đi tìm hiểu, nghiên cứu, tích lũy thêm kiến thức cho bản thân. Theo ông Du, trong văn hóa tín ngưỡng của người Dao thì mỗi dòng họ, chi họ đều có gia phả ghi chép đầy đủ lý lịch cũng như vai trò và công đức của tổ tiên, ông bà, cha mẹ và một phần của gia đình hay dòng họ. Gia phả được viết bằng chữ Nôm Dao. Do đó, nếu không biết chữ Nôm Dao sẽ không đọc được gia phả, không hiểu được nguồn gốc của mình. Chưa kể, trong các dòng họ đều có những cuốn sách quý ghi chép về nghi lễ, văn hóa, tập quán, những điều răn dạy của cha ông ngàn đời. Ông nói “kho tàng thơ ca, truyện cổ, văn học, nét đẹp tín ngưỡng... của người Dao là “báu vật” và nhiệm vụ của ông là để cho thế hệ con cháu và càng nhiều người biết đến “báu vật” này càng tốt.

Để văn hóa người Dao không bị mai một, nghệ nhân Du cùng với những người có uy tín tìm đến từng nhà để trò chuyện, vận động lớp trẻ đi học. Ông nói về cái hay, cái đẹp của văn hóa, tập quán và đặc biệt là sự quý giá của ngôn ngữ dân tộc mình. Ông khơi dậy và thắp lên ngọn lửa đam mê về tiếng nói, chữ viết trong tâm hồn các cháu nhỏ. Nỗ lực của ông là duy trì và thành lập các lớp học Nôm Dao - “chìa khóa” để bảo tồn nền văn hóa dân tộc. Tâm huyết của ông Du được tiếp thêm sức mạnh, năm 2013 Thanh Hóa có chủ trương bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số. Dưới sự giúp đỡ của Ban Dân tộc tỉnh, Hội Dân tộc học và Nhân học Thanh Hóa, tại bản người Dao Hạ Sơn, ông Du đã cùng một số người biết chữ Nôm Dao họp bàn về việc bảo tồn tiếng nói và chữ viết của người Dao. Chính ông là một trong những nghệ nhân tham gia biên soạn thành công bộ sách chữ Nôm Dao. Đây là bộ sách chữ Nôm Dao đầu tiên của cả nước được phê chuẩn.

Bộ chữ gồm có 9 quyển với khoảng 1.400 chữ, giới thiệu kiến thức cơ bản về chữ Nôm Dao; giáo dục con người về đạo đức, lối sống, cách đối nhân xử thế, những kinh nghiệm quý báu được đúc kết trong lao động, sản xuất... qua đó, giúp bà con dân tộc Dao đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau trong công việc và cuộc sống. Bộ sách đã được đưa vào giảng dạy trong cộng đồng người Dao tại các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Mường Lát... từ năm 2016 đến nay. Hiện ông Phùng Quang Du đang lưu giữ hàng trăm loại sách, tư liệu quý bằng chữ Dao có tuổi đời hàng trăm năm, trong đó có khá nhiều sách cổ từ thời xưa của ông để lại, như: “Hiền văn”, “Nghìn tự văn”, “Vạn niên”, “Đại sư ca” (dùng trong Tết nhảy của người Dao), “Lục hạt” (xem ngày tháng của người Dao cổ)...

Năm 2016, ông tham gia lớp nâng cao trình độ chữ Nôm Dao tại Trường Đại học Hồng Đức. Sau khi có chứng chỉ cùng với “giáo án” cụ thể, ông Du ngày càng miệt mài và tận tâm hơn với sự nghiệp “phổ cập” chữ Nôm Dao. Các lớp học chữ mà ông tổ chức thường sáng điện vào buổi tối, khi người lớn không còn phải làm việc trên nương, trẻ em đã học xong cái chữ trên lớp, mọi người đến lớp để học tiếng nói, con chữ của dân tộc mình. Chữ Nôm Dao là kiểu chữ tượng hình, do vậy người học phải nhận biết được từng nét chữ, tập viết nhiều lần đối với những chữ nhiều nét hoặc ghép lại từ nhiều chữ. Để học sinh nhớ nhanh, nhớ lâu, thầy Du kiên trì cầm tay chỉnh từng nét bút. Riêng học viên “luống tuổi”, thầy nhẫn nại chỉ dạy từng chữ, ghi chép cẩn thận để mọi người dễ nhớ, dễ thuộc. Với những người muốn tìm hiểu về các nghi lễ, bài cúng, bài hát... của người Dao, thầy Du thậm chí còn đến tận nhà cho mượn sách giảng dạy và chỉ bảo. Một điều đặc biệt nữa ở lớp này là thầy dạy miễn phí. Thậm chí, trước đây khi tự vận động mở lớp, ông còn hỗ trợ học sinh khó khăn cái ăn, chỗ ở. Sau này, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước mà ông và học sinh người Dao đã đỡ phần nào khó khăn trong những chuyến “gieo chữ” nơi bản làng xa xôi. Ông cho biết: “Cha ông mình dạy chữ cho bà con cũng không lấy tiền, tôi cũng tiếp nối để giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống của cha ông. Ra đường, được mọi người kính trọng chào bằng “thầy”, đó là niềm tự hào và vinh dự không gì có thể mua được”.

Dưới sự hỗ trợ của chính quyền, ở tuổi 73 ông Phùng Quang Du cùng với những nghệ nhân người Dao khác vẫn miệt mài, cần mẫn đến từng bản làng xa xôi nhất ở các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Mường Lát... dạy học và đọc chữ Nôm Dao. Ông không thể nhớ hết số học viên, nhưng khi nào vẫn còn người chưa biết viết, biết đọc chữ Nôm Dao thì khi đó thầy Du còn truyền dạy.

Phong Vân


Phong Vân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]