(vhds.baothanhhoa.vn) - Dù đã 78 tuổi, nghệ nhân Lê Trung Tại ở thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) vẫn không ngừng học hỏi và miệt mài truyền dạy, thắp lên ngọn lửa tình yêu với nghệ thuật chèo cho thế hệ trẻ, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. 

Người “thắp lửa” đam mê với chèo

Dù đã 78 tuổi, nghệ nhân Lê Trung Tại ở thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) vẫn không ngừng học hỏi và miệt mài truyền dạy, thắp lên ngọn lửa tình yêu với nghệ thuật chèo cho thế hệ trẻ, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Tại ở khu phố Tân Sơn, thị trấn Bút Sơn cũng đúng lúc ông đang hướng dẫn vở chèo mới viết cho đội văn nghệ của khu phố. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về nghệ thuật chèo, ông phấn khởi trút bầu tâm sự về cái “nghiệp” mà mình đã theo đuổi và gắn bó hơn nửa đời người.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất được mệnh danh là cái nôi của nghệ thuật chèo truyền thống. Từ những ngày còn thơ bé, ông được theo mẹ đi xem hát trống quân, hát chèo do dân làng biểu diễn. Dần dà, những làn điệu đó đã ngấm sâu vào ông từ lúc nào không biết. Và ông nhận ra mình có đam mê thực sự với chèo, nên đã tích cực theo chân các cụ cao niên trong làng tìm hiểu, học hỏi sâu hơn về bộ môn nghệ thuật truyền thống này, rồi bắt đầu rèn luyện từ cách hát, cách lấy hơi, nhả chữ đến cách luyến láy sao cho đúng chuẩn hát chèo và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương.

Người “thắp lửa” đam mê với chèo

Nghệ nhân Lê Trung Tại, thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) xem lại những ca khúc chèo do mình sáng tác.

Sau này, khi đã am hiểu và có vốn kiến thức về chèo, ông Tại đã tham Câu lạc bộ chèo núi Ngọc, phường Tào Xuyên (TP Thanh Hóa) và được bầu làm phó chủ nhiệm. Từ đó, ông càng tích cực truyền cảm hứng, kinh nghiệm, tình yêu chèo giúp các thành viên của câu lạc bộ thêm hiểu, thêm yêu nghệ thuật chèo, góp phần bảo lưu, gìn giữ nét đẹp văn hóa của địa phương.

Cái khó của nghệ thuật hát chèo là ở chỗ trong chèo có rất nhiều làn điệu, đòi hỏi người truyền dạy phải nghiêm túc, tỉ mỉ, chính xác, phải truyền tải được cho người học cảm xúc khi hát để có thể bộc lộ được nội tâm của nhân vật và cái hồn của làn điệu. Do đó khi truyền dạy, ông luôn cẩn trọng uốn nắn từng câu chữ, phải nhấn nhá cho hay, cách đánh phách, đi đứng, biểu cảm khuôn mặt phù hợp với từng làn điệu, câu hát… sau đó khớp lại thành một bài hoàn chỉnh.

Dù đến với chèo là vì niềm đam mê và tự học hỏi, tự tìm hiểu, nhưng khi chèo đã ngấm vào “máu thịt”, ngoài say sưa với những câu hát, ông Tại còn tự sáng tác những làn điệu chèo để các thành viên trong Câu lạc bộ núi Ngọc và nhiều đội chèo ở địa phương tập luyện, tham gia các chương trình biểu diễn trong và ngoài tỉnh. Ông bảo rằng, muốn theo nghệ thuật truyền thống thì chỉ quyết tâm thôi là chưa đủ. Phải không ngừng tạo thêm sức sống mới cho các làn điệu chèo. Vậy nên, từ những làn điệu chèo cổ, ông còn biên soạn lời, dùng chèo để chuyển tải thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới Nhân dân. Những làn điệu chèo cổ xưa được ông đặt lời mới, lồng ghép cho phù hợp với thực tiễn sao cho dễ đi vào lòng người. Đến nay, ông đã viết hàng trăm ca cảnh chèo, khúc ca chèo, chèo ngắn như: Chiếc nhẫn hồi môn, Con đường mới, Chủ tịch xã, Sóng biển quê tôi… Những ca khúc này khi tham gia biểu diễn đều đạt giải cao. Bản thân ông cũng nhận được nhiều bằng khen, giấy khen tại các hội diễn trong và ngoài tỉnh.

Nói về những cống hiến của nghệ nhân Tại, ông Nguyễn Cao Thiên, Phó trưởng Ohòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoằng Hóa chia sẻ: Trước nguy cơ mai một của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, những người như ông Tại đã và đang góp phần giữ lửa đam mê, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa để những làn điệu chèo tiếp tục vang xa trong đời sống hiện đại. Thời gian qua, huyện đã tích cực quan tâm, chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống, trong đó có nghệ thuật chèo. Nhất là chú trọng đến việc tổ chức các lớp tập huấn cho các thành viên câu lạc bộ của địa phương về các làn điệu dân ca và chèo; đồng thời tổ chức các liên hoan dân ca và chèo, đặc biệt vào dịp đầu Xuân năm mới và các sự kiện của địa phương, của tỉnh.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]