(vhds.baothanhhoa.vn) - Sinh ra và lớn lên ở làng Nhân Cao, xã Thiệu Quang (Thiệu Hóa), từ thuở ấu thơ, những câu hát chèo chải, điệu múa đèn chạy chữ (CC MĐCC) đã như dòng nước nguồn tắm mát tâm hồn nghệ nhân Nguyễn Thị Thủy. Để rồi từ khi có cơ duyên gắn bó với nghệ thuật diễn xướng dân gian này, chị đã nguyện dành tâm huyết cả đời giữ gìn và truyền dạy cho những thế hệ sau.

Nguyễn Thị Thủy - nghệ nhân nặng lòng với chèo chải

Sinh ra và lớn lên ở làng Nhân Cao, xã Thiệu Quang (Thiệu Hóa), từ thuở ấu thơ, những câu hát chèo chải, điệu múa đèn chạy chữ (CC MĐCC) đã như dòng nước nguồn tắm mát tâm hồn nghệ nhân Nguyễn Thị Thủy. Để rồi từ khi có cơ duyên gắn bó với nghệ thuật diễn xướng dân gian này, chị đã nguyện dành tâm huyết cả đời giữ gìn và truyền dạy cho những thế hệ sau.

Nguyễn Thị Thủy - nghệ nhân nặng lòng với chèo chảiTiết mục múa đèn chạy chữ của làng Nhân Cao.

Theo các cụ cao niên trong làng Nhân Cao thì không ai biết CC MĐCC có từ bao giờ. Chỉ biết được rằng, CC MĐCC gắn liền với lễ hội Ngư võng phường của làng, được tổ chức từ ngày mùng 8 đến 12 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, trò diễn tuy đã bị mai một nhưng vẫn còn đọng mãi trong tâm thức người dân nơi đây, để rồi những nghệ nhân đi trước vì yêu mà nỗ lực gìn giữ, truyền dạy và xây dựng đội ngũ kế cận. Cứ thế, mỗi người một chút công sức mà trò diễn dân gian CC MĐCC được giữ gìn và bảo tồn cho đến hôm nay.

Cơ duyên nghệ nhân Nguyễn Thị Thủy đến với CC MĐCC là khi chị làm dâu trong gia đình nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Chua. Cụ Chua một thời là diễn viên có tiếng trong đội múa của làng, đã từng tham gia nhiều chương trình nghệ thuật lớn trong và ngoài tỉnh. Bản thân cụ đã từng đạt Huy chương Vàng của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vì có tiết mục múa đèn xuất sắc khi tham gia Liên hoan văn nghệ quần chúng toàn quốc khu vực III, năm 1979. Sẵn có tư chất ca hát cùng với sự yêu thích, được chỉ dạy tận tình từ mẹ, chị Thủy nhanh chóng nắm giữ “linh hồn” của CC MĐCC. Thời gian sau đó, chị được đi lưu diễn cùng đội, được đứng trên sân khấu lớn, trở thành tài năng trẻ được các nghệ nhân trau dồi, truyền thụ kinh nghiệm sân khấu và “ngón diễn” trong nghề.

Theo chị Thủy và các cụ cao niên trong làng thì CC MĐCC là sự kết hợp hài hòa giữa hát chèo chải cổ và múa đèn. Trong đó, hát chèo chải cổ gồm 4 bài là: Hát giảo chải, hát múa quạt, hát chèo thuyền, hát giáo chân sào. Nội dung các bài hát trên nhằm ca ngợi công ơn Đức thánh cả và Thành hoàng làng cũng như thể hiện ước vọng của Nhân dân về một cuộc sống ấm no, bình an và hạnh phúc. Phần 2 là MĐCC, gồm hát giáo đèn, hát chúc, hát mừng, vừa hát kết hợp với tổ khúc múa đèn, xếp thành 5 chữ Nhất, Nhị, Tam, Tứ, Ngũ, mỗi chữ gắn liền với những câu thơ, lời văn mang ý nghĩa về sự đoàn kết, thịnh vượng, ấm no của người dân làng. Kết thúc màn diễn là hình ngôi sao 5 cánh do các diễn viên xếp thành. Thông thường người hát múa chèo chải được mặc áo mớ ba thắt lưng xanh, đội khăn vàng dây, mặc váy lụa đen, chân đi hài, tay cầm đạo cụ gồm mái chèo sơn son, quạt, cờ…

“Việc khó nhất của MĐCC đó là người diễn viên múa phải kết hợp nhiều kỹ năng, động tác vừa thể hiện vẻ đẹp của điệu múa vừa giữ vững đèn đội trên đầu, không làm cho nến bị tắt mà vẫn giữ được phong thái của một diễn viên. MĐCC làng Nhân Cao có điểm giống và khác so với múa đèn Đông Anh (Đông Sơn), đó đều là sự phối hợp giữa các động tác múa và đội đèn, điểm riêng nhận diện là đèn đội đầu ở làng Nhân Cao gồm có 5 cái cốc gắn lên một cái đĩa, bên trong mỗi cốc đều có thắp nến”, chị Thủy cho biết thêm.

Duy trì và giữ gìn trò diễn CC MĐCC là điều không hề dễ, nhất là với một người phụ nữ làm nông, phải lo toan việc gia đình, chăm sóc bố mẹ già như chị Thủy. Tuy vậy, việc gia đình chị vẫn đảm đang, việc giữ nghề chị không thể không làm. Duy trì hoạt động đội văn nghệ, sau khi “ngắm” trúng người có khả năng về ca múa, chị Thủy cùng với tổ chức đoàn thể đến nói chuyện, vận động tham gia. Hầu hết sau các buổi trò chuyện thân tình ấy, người dân làng đã hiểu rõ hơn về trò diễn dân gian CC MĐCC và thêm trách nhiệm về việc giữ gìn di sản quý báu cha ông để lại. Ngoài ra, chị Thủy còn đa dạng hóa các hoạt động của đội, khơi dậy tinh thần sống vui, sống khỏe và trách nhiệm. Hiện, đội múa duy trì 18 người, là những người dân trong làng sáng cầm nông cụ ra đồng, tối cầm đèn, cầm trống đi tập luyện. Họ là những diễn viên phong trào tham gia vì nhiệt huyết truyền lửa từ những nghệ nhân dân gian như chị Thủy. Điệu múa của họ có thể chưa thuần thục, uyển chuyển, nhưng với chị Thủy việc họ đồng ý tham gia đã là một thành công. Chị cầm tay chỉ từng điệu, truyền dạy những “ngón nghề” giống như trước đây mẹ chị và các nghệ nhân đi trước đã cầm tay mà truyền dạy cho chị. “Mình học được thì mình phải truyền nghề và truyền cả nhiệt huyết, để mọi người thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ đối với việc giữ gìn và phát huy di sản cha ông. Giống như bài học tôi được học từ chính mẹ và các nghệ nhân đi trước vậy”, chị Thủy tâm sự.

Tâm huyết của chị Thủy đã được mọi người ghi nhận. Thành quả ai cũng nhìn thấy. Đó là cùng với sự chỉ bảo của chị Thủy và các cụ cao niên trong làng, đội văn nghệ làng Nhân Cao đã có nhiều tiết mục biểu diễn gây ấn tượng với người xem và đạt nhiều giải thưởng tại các sự kiện lớn, các kỳ liên hoan, hội diễn của huyện, tỉnh như: Giải nhì tại Liên hoan văn hóa các dân tộc Thanh Hóa lần thứ XIV năm 2012; Giải A tại Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII tuyên truyền, cổ động chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020–2025... Bản thân chị Thủy cũng đạt nhiều giải thưởng như: Giải nhất tại Hội diễn nghệ thuật tuổi trẻ toàn huyện năm 1985; Giải giọng hát hay tại Liên hoan Tiếng hát người cao tuổi huyện Thiệu Hóa năm 2017...

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]