(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Là một nhà giáo dạy toán, do yêu thích lịch sử ông Nguyễn Diên Niên đã chuyển hẳn sang nghề nghiên cứu lịch sử và sự say mê nghiên cứu của ông quả thật rất thận trọng, được mọi người khâm phục. Sau nhiều năm nghiên cứu năm 2013 ông đã xuất bản tập sách “Suy ngẫm về 20 năm một chớp mắt của lịch sử đầu thế kỷ XV (1407 - 1427)” do Nxb Tri thức ấn hành.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhà sử học Nguyễn Diên Niên: Suy ngẫm về 20 năm - Một chớp mắt của lịch sử đầu thế kỷ XV (1407 - 1427)

(VH&ĐS) Là một nhà giáo dạy toán, do yêu thích lịch sử ông Nguyễn Diên Niên đã chuyển hẳn sang nghề nghiên cứu lịch sử và sự say mê nghiên cứu của ông quả thật rất thận trọng, được mọi người khâm phục. Sau nhiều năm nghiên cứu năm 2013 ông đã xuất bản tập sách “Suy ngẫm về 20 năm một chớp mắt của lịch sử đầu thế kỷ XV (1407 - 1427)” do Nxb Tri thức ấn hành.

Tập sách chỉ khoảng 150 trang nhưng trong đó đã gói gọn một giai đoạn lịch sử đầu thế kỷ XV với nhiều biến cố to lớn như sự thất bại của Nhà Hồ, tội ác tày trời của giặc Minh - một thảm họa đen tối của dân tộc ta và cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn bi tráng đầy chất anh hùng và nhân văn của Bình Định vương Lê Lợi để từ đó đưa ra sự đánh giá đầy nhiệt huyết và công tâm của mình đối với giai đoạn lịch sử này.

Về sự thất bại của Nhà Hồ, ông Nguyễn Diên Niên đã đồng tình với nhận định của những nhà nghiên cứu tiền bối cho rằng Hồ Quý Ly là một người tài, có nhiều cải cách lớn trong lịch sử nước nhà nhưng vì không thu phục được lòng dân mà thể hiện tiêu biểu là lời của Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng đã phát biểu khi ông họp quan quân bàn việc đánh giặc: “Thần không sợ đánh chỉ sợ lòng dân không theo” và khi Hồ Quý Ly nhận ra điều thiếu sót ấy thì tất cả đều đã quá muộn. Đó là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của vương triều Đại Ngu do chính Hồ Quý Ly đã lập nên.

Chỉ mười tám ngày sau khi gia tộc Hồ Quý Ly bị bắt về Trung Quốc, nước Đại Việt đã mất vào tay nhà Minh. Khi nhận ra bộ mặt giả nhân, giả nghĩa của giặc Minh, cả nước Việt đã nổ ra nhiều cuộc khởi nghĩa để chống lại ách đô hộ của chúng như các cuộc nổi dậy của Trần Ngỗi, Trần Qúi Khoáng (con và cháu của Thượng hoàng Trần Nghệ Tông)... nhưng do lực lượng quá chênh lệch nên cuối cùngđều bị thất bại. Trong khoảng thời gian ấy ở phủ Thanh Hóa đã dấy lên lời đồn đại Rồng thần nước Việt đã xuất hiện đó là chúa trại Lam Sơn Lê Lợi. Do biết thế mình còn yếu, Lê Lợi hết sức giấu kín hình tích, không lộ tăm tiếng khi giặc đang mạnh, vua càng ẩn trong bóng tối không dám khinh thường. Quả nhiên, Khởi nghĩa Lam Sơn đã nổ ra vào đầu năm Mậu Tuất (1418). Theo nhà sử học Nguyễn Diên Niên đây là sự kiện lịch sử đáng nhớ của 20 năm đầu thế kỷ XV. Ông cho rằng tuy lực lượng ban đầu của nghĩa quân quá mỏng, chỉ có 200 quân thiết đột, 200 dũng sĩ, 300 nghĩa sĩ tổng cộng 700 quân. Đạo binh mang tên đạo quân phụ tử (phụ tử chi binh) với 50 tướng võ, tướng văn và một số quân làm hậu cần, tất cả không quá 1.000 người. Nghĩa quân đã chiến đấu thật dũng cảm, phải lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh, thậm chí nhiều khi lực lượng quá chênh lệch phải rút chạy nhưng tuyệt nhiên lối đánh không phải là lối đánh của du kích mà là dưới sự chỉ huy của một vị tướng có tài thao lược, có sự bài binh bố trận hẳn hoi. Đặc biệt, sự kiện Lê Lai tự nguyện xin đổi áo cho chủ tướng, cưỡi ngựa đem quân xông vào trại giặc miệng thét lớn “Ta là chúa Lam Sơn đây” khiến lũ giặc ào đến quật ngã ông rồi trói chặt vác chạy về thành Tây Đô. Khi chúng điếng người biết bị lừa một cú ngoạn mục thì Lê Lợi đã rút quân về nơi núi rừng hẻo lánh để nghỉ ngơi, thu nạp thêm quân sĩ chờ thời cơ.

Bằng sự nghiền ngẫm nhiều năm nhà sử học Nguyễn Diên Niên đã đi đến khẳng định, Lê Lợi đã một mình chỉ đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ông đã tóm tắt thời gian nghĩa quân hoạt động ở vùng thượng du Thanh Hóa với gần 20 trận đánh lớn nhỏ đều do Lê Lợi đích thân chỉ đạo. Đồng thời khẳng định: Với Khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi là đỉnh cao của cuộc kháng chiến, đỉnh cao của lòng yêu nước, khát vọng cứu dân, cứu nước, đỉnh cao của trí tuệ, bởi ngày đêm ông chỉ vắt óc tìm cách giải bài toán vô cùng khó mà người có trí tuệ tầm thường không tài nào giải nổi, đó là phải đánh thắng giặc.

Căn cứ vào tám tư liệu chuyên chép về cuộc gặp gỡ giữa Lê Lợi và Nguyễn Trãi đó là bài tựa “Ức Trai thi tập” viết năm 1480 của Trần Khắc Kiệm, Nguyên chú bài thơ “Minh lương” của vua Lê Thánh Tông, chế văn của Tương Dực Đế (1510 - 1516), Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Việt sử thông giám cương mục, Thế phả họ Nguyễn, Sơn Nam lịch triều đăng khoa khảo và Lịch triều đăng khoa bị khảo; nhà sử học Nguyễn Diên Niên đã đi đến kết luận là năm 1426 Nguyễn Trãi đã tìm đến doanh trại Lỗi Giang gặp Lê Lợi để dâng Bình Ngô sách và ông đã được chủ tướng đặc cách tin dùng giao cho chức thừa chỉ. Ông rất vui lòng vì ngòi bút và nghiên mực cùng tài văn chương mà chủ tướng sai bảo, ông đã thảo thư nghị hòa với Vương Thông (có tới 60 bức) ngoài ra còn có những đạo dụ gửi ra dân: Công việc bận rộn này ông luôn phải ngồi ở lầu hai với bút, nghiên chờ đợi chủ tướng ở lầu một đangquan sát thành Đông Quan xem bọn giặc hành động như thế nào để ông có ý tưởng mà sai thừa chỉ thảo thư cho Vương Thông. Cuối cùng sau thất bại của Liễu Thăng, Vương Thông phải chấp nhận ra hàng và xin được về nước an toàn, do đó mà Hội thề Đông Quan chưa từng được diễn ra lần nào trước đó trong lịch sử dân tộc. Như vậy cùng với mưu kế đánh vào Nghệ An làm bàn đạp tấn công ra Bắc của Nguyễn Chích và mưu kế nghị hòa của Nguyễn Trãi vào năm Đinh Mùi (1427) là hai sự kiện đặc sắc dẫn đến toàn thắng củaKhởi nghĩa Lam Sơn.

Với suy ngẫm nhiều năm trong cuộc đời làm nghiên cứu, nhà sử học Nguyễn Diên Niên đã đưa ra cho độc giả một kiến giải hết sức mới mẻ và mạnh dạn đó là khẳng định tài năng lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn của Bình Định Vương Lê Lợi. Đến năm 1426 được Nguyễn Trãi dâng Bình Ngô Sách ở doanh trại Lỗi Giang. Lê Lợi đã thu nạp ông, giao cho chức thừa chỉ, chuyên môn viết thư, thảo lịch nghị hòa với tướng giặc. Với tài năng văn chương cái thế, với tấm lòng nhân nghĩa “Mưu phạt tâm công” Nguyễn Trãi và các tướng sĩ cùng với Lê Lợi đã đưa cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đến ngày toàn thắng, mở cuộc thái bình thịnh trị gần bốn trăm năm cho triều hậu Lê và đất nước Đại Việt.

Trần Thị Liên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]