(vhds.baothanhhoa.vn) - Dù dự phần ở cả thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn nhưng nhà văn Nguyễn Văn Đệ được yêu quý và nhắc đến nhiều nhất vì những trang ký sự đầy chất văn học và bộn bề đời sống. Với 2 cuốn ký, gồm: Vàng dưới biển xanh (in chung với Lê Đình Cánh, 1988), Mắt biển xanh (NXB Hội Nhà văn, 2003) và 7 bài ký đạt giải thưởng ở Trung ương, trong đó, có 3 tác phẩm đạt giải cao nhất, gồm: Bãi cá giữa vụ cá (1986); Một chuyến đi biển (1997), Tiền chùa (2002), ông đã ghi tên mình vào danh sách những người viết ký thành công.

Nhà văn Nguyễn Văn Đệ: Một bút ký hay là phải có cảm xúc lớn

Dù dự phần ở cả thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn nhưng nhà văn Nguyễn Văn Đệ được yêu quý và nhắc đến nhiều nhất vì những trang ký sự đầy chất văn học và bộn bề đời sống. Với 2 cuốn ký, gồm: Vàng dưới biển xanh (in chung với Lê Đình Cánh, 1988), Mắt biển xanh (NXB Hội Nhà văn, 2003) và 7 bài ký đạt giải thưởng ở Trung ương, trong đó, có 3 tác phẩm đạt giải cao nhất, gồm: Bãi cá giữa vụ cá (1986); Một chuyến đi biển (1997), Tiền chùa (2002), ông đã ghi tên mình vào danh sách những người viết ký thành công.

Nhà văn Nguyễn Văn Đệ: Một bút ký hay là phải có cảm xúc lớnNhà văn Nguyễn Văn Đệ.

Với nhà văn Nguyễn Văn Đệ, “viết ký không hề khó, nhưng để có một tác phẩm ký hay lại quá khó”. Sinh ra lớn lên ở xã Ngư Lộc (Hậu Lộc), những day dứt, trăn trở trong trang văn ông đều dành viết về biển và những con người gắn bó với biển cả.

Trong cuộc trò chuyện ngắn, ông chia sẻ: “Ký cũng như truyện ngắn, là phải có vấn đề. Nếu truyện ngắn, tiểu thuyết từ một vấn đề người viết vừa dò dẫm, vừa xây dựng, thậm chí để tự câu chuyện dẫn dắt thì với người viết ký, khi đã có vấn đề, phải hình dung ra câu chuyện. Trong “Một chuyến đi biển”, bắt đầu là hồi ức của ngư dân: “Thế là cơn bão biển đột ngột và khủng khiếp đã qua đi một thời gian. Tất cả cảnh náo loạn nơi trùng khơi, cảnh dáo dác trông chồng chờ con nơi bờ biển ngày ấy cũng đã lắng xuống ở cái làng chài Ngư Lộc đau thương một thời này”. Cơn bão năm 1996 đã qua đi và từ khoảng tối ấy, nhân vật ông Thình lại nghĩ: “Trong lúc chờ nhà nước cho dân vay vốn đóng tàu to đánh cá xa bờ, tôi định sắm một chiếc bè nhỏ đi câu, bà thấy có nên không?”. Và ông quyết định “Câu cá dưa vốn ít mà ăn chắc, hơn nữa năm nay biển sóng lớn nhiều, ngư trường biến động, đáy biển bị cào xới, chắc sẽ nhiều cá dưa. Với lại bóng cá dưa đang đắt giá nhất, nó mà trúng cho một vụ thì có mà một vốn bốn mươi lời chứ chả chơi”. Vốn là người “Thuộc mặt biển như thuộc lòng bàn tay và đáy biển ông cũng thuộc như sân nhà mình”. Để rồi từ chuyến đi câu cá dưa ấy, ông đã bắt được cá thủ vàng, một con cá thủ vàng cho bóng bán hàng trăm triệu. Hay như trong “Tiền chùa” (2002) là cuộc chạy đua làm dự án “Đánh bắt xa bờ”. “Sau mấy năm triển khai chương trình, không một người dân giỏi giang nghề biển nào vay được tiền của nhà nước để sắm tàu lớn, lưới to ra khơi mà số tiền hơn trăm tỷ của chương trình này ở Thanh Hóa hầu hết đều lọt vào tay những con buôn ranh mãnh hoặc những kẻ cơ hội”. Những câu chuyện đời sống, miếng cơm manh áo của con người được đặt ra, đó là vấn đề để nhà văn “khoan thăm dò và đào sâu”.

Đôi khi chuyện đơn giản, vấn đề không lớn, nhân vật không mấy sâu sắc, nhưng dưới ngòi bút của nhà văn thì những chi tiết nhỏ vẫn có thể tạo ra những tác phẩm có giá trị cao. Nhà văn Nga, M.Gorki nói: “Đôi khi chi tiết nhỏ làm nên tác phẩm lớn. Thậm chí có lúc chúng phải đứng lên vai những người khổng lồ”. Đọc những trang ký của Nguyễn Văn Đệ ta thấy ông thường “lợi dụng” những chi tiết để phân tích về hiện tượng. Trong bút ký “Tiền chùa”, từ câu chuyện thảm họa Hậu Lộc với cơn bão số 6 năm 1996 có tới gần 200 ngư dân bị chết và mất tích, trong đó riêng xã Ngư Lộc có 50 người ra khơi không trở về, có gia đình mất tới 3 người. Nhiều chi tiết ám ảnh người đọc. Người mẹ nhận được thi thể con trai mình là vì đứa con của bà chỉ có 4 ngón tay; người nhận được chồng bởi trước lúc ra khơi chị đã thắt dây quần cho chồng, cái dút quần bằng sợi nilon với nút thắt riêng biệt... Nhà văn Nguyễn Văn Đệ chia sẻ: “Tôi nắm bắt chi tiết bằng nguồn thông tin gián tiếp hoặc trực tiếp. Bởi không phải sự việc gì nhà văn cũng trực tiếp chứng kiến, dự phần mà có những chi tiết do sự tìm hiểu, phán đoán của tác giả... “Ký là sự nhức nhối của trí tuệ” (GS Hoàng Ngọc Hiến), để có một bài ký hay vất vả lắm, người viết phải suy nghĩ nhiều lắm. Chứ truyện ngắn hay có khi chỉ tình cờ gặp một cái tứ, gặp một vấn đề hoặc gặp một câu chuyện”.

Tuy vậy, từ những chi tiết nhà văn có quyền hư cấu. Viết về ông Nhụ trong “Bãi cá giữa vụ cá”: “Chỉ bằng cái tai giàu kinh nghiệm của người đi biển, ông Nhụ đã kịp nhận ra thủy triều đã lên hết cỡ. Đó là khi những điều kiện vừa đủ cho phép những người đánh cá đối có thể bủa lưới”. Với đoạn tả ông Nhụ, thuyền trưởng vừa vây được tía cá vào vòng lưới, ông liền hô mọi người: Kéo cờ lên. “Chúng tôi đang không hiểu lấy cờ đâu ra thì ông đã tuột cái áo màu đỏ chót mà ông vẫn buộc trên đầu đã ướt sũng”. Tấm áo đẫm mồ hôi là lá cờ của người lao động. Đánh cá xong mà bảo giơ tay lên hay giơ chèo, giơ buồm cũng là rất bình thường. “Bắt” được chi tiết ấy cái áo để đẩy lên thành biểu tượng, đó chính là tài năng của nhà văn.

Có người cho rằng, người viết ký rất cần đến sức khỏe, bởi sự đòi hỏi của thể loại văn học báo chí này. Nhà văn Nguyễn Văn Đệ cho biết: Tiếp cận thực tế, là điều vô cùng cần thiết. Nhưng để có một tác phẩm hay là nhờ tài năng của người viết chứ không chỉ do đời sống... Ngoài phông văn hóa, nhà văn phải có nhu cầu viết những điều mình day dứt, muốn nói những điều cần phải nói ra. Hầu hết các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Văn Đệ đạt giải cao tại các cuộc thi, được bạn đọc đón nhận ông đều viết trong thời gian rất ngắn, có khi chỉ mất một đêm. Chính việc nắm ngay cảm xúc, viết ào ra, không để nó kịp nguội... mà những trang văn của ông luôn nóng hổi. “Giống như tình yêu, không thổ lộ ra không chịu được. Để có một bút ký hay thì phải có cảm xúc lớn, yêu và kịp thời với nó, và không bị thúc bách như một nhiệm vụ”, ông chia sẻ.

“Đã 1 năm nay rồi tôi không viết được tác phẩm ký nào, phần vì sức khỏe. Viết để cho hay là khó, khó nhất là cuộc sống không cung cấp cho mình tư liệu hay. Phải nói thẳng ra rằng, từ cổ chí kim, sáng tác văn học, các tác phẩm thật hay, những tác phẩm để đời vẫn là những tác phẩm sáng tác mà nhà văn tạo dựng được từ những vấn đề, những câu chuyện và những nhân vật bi ai, khốc liệt, hoặc quá lắm thì bi tráng chứ viết về những điều đang hân hoan, những nhân vật hào sảng, hay những thành tựu... để hay, thật khó. Khó lắm”, ông nói.

Hiện tại ông đặt ra kế hoạch: “Trong 5 năm tới, tôi cố gắng viết xong 3 cuốn tiểu thuyết; và tập hợp, sửa chữa, nâng cao để in thành một cuốn bút ký”.

Đã gần 20 năm, sau cuốn “Mắt biển xanh” nhưng đọc những trang bút ký của nhà văn Nguyễn Văn Đệ người ta vẫn xúc động, vẫn thấy những nhân vật đang hiện hữu. Đó là những cặp mắt ngơ ngác của ngư dân lúc trôi trong lòng biển, là những nỗi đau khi người thân bị mất đi, là cả sự hân hoan khi có được mẻ cá giá trị. Ông lý giải: “Nhiều tác phẩm bút ký hiện nay viết chưa có sức thuyết phục người đọc, kém hấp dẫn. Nhiều bài, tác giả chỉ tóm lược từ những bản báo cáo, hay cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo với người dân mà chưa chịu khai thác sâu, chưa sáng tạo trong lối viết”.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]