(vhds.baothanhhoa.vn) - Cứ mỗi độ tháng 5 về, lòng mỗi người dân Việt lại rưng rưng nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới với lòng khâm phục và kính yêu vô hạn.

Nhớ Bác, lòng ta trong sáng hơn

Cứ mỗi độ tháng 5 về, lòng mỗi người dân Việt lại rưng rưng nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới với lòng khâm phục và kính yêu vô hạn.

Nhớ Bác, lòng ta trong sáng hơn

“Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh” (Tranh sơn dầu của họa sĩ Lê Thị Thanh).

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là mạch nguồn cảm xúc bất tận trong các tác phẩm văn học nghệ thuật. Có một đặc điểm chung dễ thấy là dù tiếp cận ở nhiều góc độ, dưới nhiều hình thức thể hiện thì hình ảnh Bác vẫn luôn chân thành và cảm động. Cố nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Con nghe Bác, tưởng nghe lời non nước/ Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau...”; “Mỗi khi lòng ta xao xuyến, rung rinh/ Môi ta thầm kêu Bác: Hồ Chí Minh!/ Và mỗi trận, mỗi mùa vui thắng lợi”... Bác Hồ không chỉ là lãnh tụ mà còn là hiện thân của tâm hồn, trí tuệ dân tộc Việt Nam hôm qua và hôm nay.

Nhớ Bác, lòng ta trong sáng hơn

“Bác Hồ trên núi Trường Lệ”. (Tranh của họa sĩ Hoàng Hoa Mai)

Dù chưa có vinh dự được gặp Bác Hồ, nhưng qua tờ báo “Chống giặc” số ra ngày 23-2-1947 có đưa tin Bác thắp hương ở lăng miếu Triệu Tường, nhà thơ Vũ Quang Trạch không giấu nổi cảm xúc tự hào đến thiêng liêng. Bài thơ “Mãi còn xuân ấy Bác ơi!” ra đời cũng từ cảm xúc ấy. Qua thể thơ lục bát, bên cạnh niềm tự hào về xứ Thanh có lăng miếu Triệu Tường, nơi phát tích vương triều nhà Nguyễn, nhà thơ Vũ Quang Trạch còn thể hiện tình cảm của lớp hậu thế trân trọng và biết ơn Người:

“Mùa xuân ấy Bác thắp hương

Đình Gia Miêu, miếu Triệu Tường quê ta

Bảy lăm năm đã đi qua

Giờ con được tỏ lòng Cha giữa lòng”.

Ngoài ra, khi nhớ về giờ phút thiêng liêng Bác Hồ đọc “Tuyên ngôn độc lập”, nhà thơ Vũ Quang Trạch còn viết “Có mùa xuân ấy... Bác ơi!”:

“Giữa cam go chiến tranh

Bền chí, anh minh kết tầm lịch sử

Hương tròn khói

Lời non sông... Người mở

Bác đi mãi xa rồi

Con mới tỏ... Bác ơi!”.

Thuộc lớp những cây viết trẻ nhưng thầy giáo hiệu trưởng Phạm Dũng đã dành nhiều tình cảm của mình khi sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh cho biết: “Hồ Chủ tịch là vĩ nhân. Công dân đất Việt nói chung và nghệ sĩ nói riêng đều muốn thể hiện tình cảm của mình tới Người. Và tôi cũng không phải ngoại lệ”. Trong số những bài thơ đã in, tôi còn nhớ những câu thơ: “Đêm nghe chuyện kể lắng sâu/ Người đi muôn nẻo vẫn màu quê hương/ Áo nâu và món cà trường/ Bóng hình lãnh tụ thân thương đất này” (Đêm nghe chuyện kể về Người, in trong tập “Mình khuất bóng mình”, NXB Thanh Hóa, 2019). Ngoài ra, anh khoe với tôi về 2 bài thơ vừa mới sáng tác đó là: “Sống mãi phút giây ấy”, và “Dâng người khúc ca”.

Đề tài, sáng tác về Bác Hồ là hiện tượng “nói mãi không cùng”. Nhạc sĩ Đỗ Hoài Nam người có nhiều ca khúc được giới nhạc sĩ xứ Thanh yêu thích. Anh chủ yếu viết về tình yêu với những cảm xúc thật tinh khôi. Nhưng vô tình đọc được bài thơ của Trương Bằng, một tác giả người Sơn La mà anh đã sáng tác nên ca khúc “Mãi mãi ơn người”. Với phong cách dân gian, sâu lắng: “Bác là niềm tin là khát vọng Việt Nam. Tổ quốc đồng bào là máu ở trong tim, là lẽ sống đến tận cùng hơi thở. Cả cuộc đời Bác dành cho tất cả. Dân tộc Việt Nam mãi mãi ơn Người. Cả cuộc đời Bác dành cho tất cả. Bác là niềm tin là khát vọng Việt Nam”. “Lần đầu tiên chạm vào đề tài lãnh tụ, tuy vậy, với tình cảm sự trân trọng của một công dân đất Việt, nguồn cảm hứng cứ tự nhiên đến với tôi”, nhạc sĩ Hoài Nam chia sẻ.

Nhớ Bác, lòng ta trong sáng hơn

Nhạc sĩ Đỗ Hoài Nam thể hiện ca khúc “Mãi mãi ơn Người” anh vừa mới sáng tác và thu thanh.

Hoàng Hoa Mai là họa sĩ có rất nhiều tranh vẽ về Bác. Ấn tượng với người thưởng thức là tác phẩm “Bác Hồ với cây chì đỏ” (tác phẩm tham gia Triển lãm toàn quốc năm 1990); “Bác Hồ trên núi Trường Lệ” (tham dự Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, 2010) và “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập năm 1945” (Triển lãm tại Hà Nội năm 2009). Ông chia sẻ: "Vẽ nhiều tranh về Bác mà tôi vẫn thấy thiếu, thấy khó. Mỗi bức tranh vẽ Bác tôi phải nghiên cứu tìm tòi tư liệu, và dành nhiều thời gian thể hiện. Có tác phẩm tôi phải dành tới vài ba năm mới hoàn thành”.

Là họa sĩ trẻ, Lê Thị Thanh yêu thích đề tài Bác Hồ từ khi biết chữ, biết đọc sách. Nhớ về lần đầu tiên đặt bút vẽ đề tài lãnh tụ, bức tranh “Bác Hồ với thiếu nhi” (năm 2010) bằng chất liệu sơn dầu, họa sĩ Lê Thị Thanh chia sẻ: “Giờ đây nhìn lại những nét vẽ còn có chút ngây ngô nhưng tôi vẫn thấy đầy cảm xúc. Chính cách phối màu tự nhiên đã tạo nên hình ảnh Hồ Chí Minh luôn tỏa sáng”. Sau này, Lê Thị Thanh có thêm nhiều tác phẩm vẽ Hồ Chủ tịch nhưng tất cả đều là tranh đồ họa.

Những ngày tháng 5 này, nhớ về Bác, mỗi chúng ta đều có những cảm xúc riêng. Đó có thể là sự biết ơn, sự trân trọng hay niềm tự hào... Bác là nguồn cảm hứng bất tận để các văn nghệ sĩ nỗ lực khám phá, tìm tòi, sáng tác nghệ thuật để có một tác phẩm xứng đáng với sự mong chờ, kỳ vọng của công chúng.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]