(vhds.baothanhhoa.vn) - Với trách nhiệm và nhiệt huyết tuổi trẻ, thanh niên dân tộc miền núi xứ Thanh đã có những cách làm hay nhằm phát huy, giữ gìn và lan tỏa giá trị văn hóa cộng đồng đến với nhiều người hơn nữa, nhất là những người trẻ.

Những người trẻ giữ gìn văn hóa dân tộc

Với trách nhiệm và nhiệt huyết tuổi trẻ, thanh niên dân tộc miền núi xứ Thanh đã có những cách làm hay nhằm phát huy, giữ gìn và lan tỏa giá trị văn hóa cộng đồng đến với nhiều người hơn nữa, nhất là những người trẻ.

Những người trẻ giữ gìn văn hóa dân tộcĐoàn viên, thanh niên xã Phượng Nghi tập luyện các điệu múa dân tộc.

Năm nay, chương trình giao lưu văn nghệ của hội trại hè xã Phượng Nghi (Như Thanh) thu hút rất đông khán giả đến xem và cổ vũ. Nét đặc sắc của chương trình văn nghệ năm nay là sự xuất hiện của nhiều tiết mục văn nghệ dân gian của đồng bào dân tộc Mường. Đây cũng là cách mà đoàn viên, thanh niên trong xã lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc đến với đông đảo mọi người.

Đầu tư các tiết mục văn nghệ, đoàn viên, thanh niên đã tham khảo các nghệ nhân dân gian đang sống trên địa bàn hướng dẫn để thực hiện. Em Lù Thị Mai, 15 tuổi chia sẻ: Tham gia các tiết mục văn nghệ, điều quý nhất mà em cảm nhận được chính là những kiến thức về giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn, được nhìn thấy các nghệ nhân trình diễn để thấy yêu văn hóa dân tộc mình hơn. Trước đây, em và các bạn chỉ được nghe kể qua lời của các bà, các mẹ, nay có dịp thực hành trực tiếp thế này, em thấy rất vui.

Mai cùng các bạn của mình đã mặc trang phục dân tộc, hát tiếng Mường và trình diễn nhiều tiết mục văn nghệ mang đậm màu sắc dân tộc. Đồng thời, cũng là dịp để những người trẻ như Mai hiểu và cùng chung tay bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Những người trẻ giữ gìn văn hóa dân tộcAnh Bùi Anh Sơn - một trong những thanh niên nhiệt huyết trong việc bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc.

Anh Bùi Anh Sơn, Bí thư đoàn xã Phượng Nghi, cho biết: Xã có nhiều dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc có một nét riêng về văn hóa, lễ hội, phong tục. Thời gian qua, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã đã phát huy được vai trò trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tích cực, chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc mình.

Bản thân anh Sơn cũng là một người tích cực, năng nổ trong việc bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc. Anh Sơn chia sẻ: Văn hóa dân tộc Mường ở Như Thanh rất đa dạng, phong phú và mang nhiều nét độc đáo, đặc sắc. Trong đó, các loại hình múa dân gian đã phản ánh đời sống sinh hoạt, sản xuất, tâm tư tình cảm, tín ngưỡng, văn hóa… của đồng bào dân tộc Mường. Nhạc cụ biểu diễn cũng rất đa dạng, có kèn, nhị, sáo, cồng chiêng… Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ hiện nay đã không còn mặn mà trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc Mường, người hiểu và biết cặn kẽ văn hóa Mường chủ yếu là người già.

Suy nghĩ và trăn trở, với trách nhiệm của một người trẻ, trách nhiệm của một bí thư đoàn xã, anh Sơn đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu và thực hiện dự án “Khôi phục và phát triển nét đẹp văn hóa dân tộc Mường phục vụ du lịch cộng đồng, hướng đi mới trong phát triển kinh tế của địa phương”, tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa” năm 2021. Theo đó, để việc bảo tồn và gìn giữ phát huy hiệu quả thì phải gắn với phát triển du lịch cộng đồng địa phương. Trong đó, cùng gắn kết các trọng điểm du lịch của huyện, phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Đây cũng chính là nơi để du khách trải nghiệm văn hóa, thưởng thức ẩm thực, mua bán các sản vật đặc trưng địa phương…

Bên cạnh đó, anh Sơn khuyến khích đoàn viên, thanh niên trong thôn thường xuyên mặc trang phục dân tộc tham gia các hoạt động, sự kiện của đoàn, địa phương. Nỗ lực giữ gìn những nét văn hóa độc đáo trong đời sống sinh hoạt qua hoạt động hiếu, hỉ. Mặt khác, tổ chức chương trình văn nghệ, cuộc thi với nhiều tiết mục văn nghệ dân gian, trò chơi dân gian, ẩm thực… Được biết, trong thời gian tới đoàn xã Phượng Nghi dự định sẽ thành lập 2 CLB liên thế hệ giữ gìn văn hóa đồng bào dân tộc tại thôn Bái Đa 1 và Bái Đa 2, với sự tham gia của các nghệ nhân là người truyền dạy và thế hệ trẻ là người tiếp thu, bảo tồn, phát huy tiếp những giá trị văn hóa dân tộc truyền thống.

Với những cách làm thiết thực, nhiều người trẻ đã và đang có những cách làm hay, mô hình hiệu quả, để cùng chung tay giữ gìn, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc.

Bài và ảnh: Phan Vân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]