(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam, cuộc khởi nghĩa Bà Triệu là một dấu son không thể phai mờ. Tinh thần quật khởi, khí thế sôi sục đấu tranh của Nhân dân ta trong những ngày tháng hào hùng ấy vẫn in đậm dấu ấn trong mỗi tên đất, tên làng và trong trái tim biết bao thế hệ.

Phát huy giá trị Khu di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu (Bài cuối): Về nơi in đậm dấu ấn cuộc khởi nghĩa Bà Triệu

Trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam, cuộc khởi nghĩa Bà Triệu là một dấu son không thể phai mờ. Tinh thần quật khởi, khí thế sôi sục đấu tranh của Nhân dân ta trong những ngày tháng hào hùng ấy vẫn in đậm dấu ấn trong mỗi tên đất, tên làng và trong trái tim biết bao thế hệ.

Mảnh đất Yên Thôn, xã Định Tiến (Yên Định), nơi đã sinh ra Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (còn gọi là Bà Triệu) những ngày này đang nhộn nhịp không khí để chuẩn bị cho lễ rước kiệu, tế lễ tại di tích lịch sử văn hóa nghè Trúc (nơi thờ thần Quản gia Đô Bác và phối thờ Bà Triệu) vào ngày 21-2 (âm lịch) hàng năm, để bày tỏ lòng biết ơn đối với Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh. Vượt qua con đường quanh co dốc đá chúng tôi tìm đến nghè Trúc nằm trên đỉnh núi Quan Yên. Qua trao đổi với ông Bùi Minh Dán, người đã 20 năm trông coi nghè được biết: Theo lịch sử ghi lại, năm 226, Triệu Thị Trinh được sinh ra trong gia đình hào trưởng tiếng tăm. Mảnh đất Yên Thôn đã nuôi nấng bà những năm tháng đầu đời, để rồi sau này Bà trở thành vị nữ tướng làm rạng danh quê hương. Với người dân ở đây, câu chuyện về Anh hùng dân tộc Thị Trinh, người con gái giỏi võ và có chí lớn đã cùng anh trai mình là Triệu Quốc Đạt đứng lên dấy binh khởi nghĩa chống lại giặc Ngô vẫn luôn được nhắc nhớ và in đậm trong tâm thức của biết bao thế hệ. Bởi vậy, mà từ xa xưa nơi đây đã có ngôi đền được Nhân dân lập nên để thờ phụng Bà. Theo truyền thuyết kể lại rằng, xưa kia tại làng Quan Yên có một ngôi đền do Nhân dân trong vùng xây nên để tưởng nhớ công đức của Bà. Tuy nhiên, trải qua thời gian ngôi đền chỉ còn lại vết tích là những tảng đá vùi mình trong cát. Ghi nhận công ơn và những đóng góp của bà đối với dân tộc, Nhân dân trong vùng đã phối thờ Bà tại nghè Trúc - nghè thờ Thành Hoàng làng. Vào năm 2017, sau trận mưa lũ lịch sử, nghè Trúc bị sập hoàn toàn. Ngay sau đó, Nhân dân đã tự nguyện góp công, góp của xây dựng nghè Trúc mới kiên cố như ngày nay.

Phát huy giá trị Khu di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu (Bài cuối): Về nơi in đậm dấu ấn cuộc khởi nghĩa Bà Triệu

Đền thờ Bà Triệu ở làng Yên Dân, xã Trung Thành (Nông Cống).

Tại xã Trung Thành (Nông Cống), hiện cũng có 2 ngôi đền linh thiêng cùng thờ Bà Triệu. Bà Lê Thị Thủy, cán bộ văn hóa xã Trung Thành cho biết: Từ xa xưa người dân ở trong thôn đã lập nên ngôi đền thờ Bà Triệu ở làng Yên Dân, ngay tại chân núi Nưa, nơi có khoảng đất rộng và cũng là nơi Bà dấy binh khởi nghĩa. Trải qua thăng trầm của thời gian, do chiến tranh, thời tiết, ngôi đền đã bị xuống cấp. Đến năm 1992, được sự đóng góp của Nhân dân và làng Yên Dân, di tích đền Bà Triệu tại đây đã được khôi phục và tôn tạo có được diện mạo như ngày hôm nay.

Tại làng Đông Yên, cũng có ngôi đền thờ Bà Triệu. Đền ngự trên lưng chừng núi Nưa, có diện tích khá nhỏ, nhưng cách bài trí rất đẹp và thường xuyên được Nhân dân đến dọn dẹp, nhang khói. Hàng năm, để ghi nhớ công lao của bà và các thế hệ đi trước, vào ngày 22-2 âm lịch Nhân dân ở hai làng Yên Dân và Đông Yên đều tổ chức lễ hội đền Bà Triệu một cách trang trọng và thành kính. Nếu là năm chẵn thì lễ hội sẽ được tổ chức tại làng Đông Yên, năm lẻ thì tổ chức tại làng Yên Dân.

Phát huy giá trị Khu di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu (Bài cuối): Về nơi in đậm dấu ấn cuộc khởi nghĩa Bà Triệu

Khu mộ ba ông tướng họ Lý, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc).

Từ núi Quan Yên đến Ngàn Nưa, nghĩa quân Bà Triệu tiến về căn cứ Bồ Điền, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc). Tại đây Bà được sự giúp sức của 3 anh em họ Lý. Họ đều là những người giỏi võ nghệ, văn võ toàn tài nổi tiếng khắp vùng đã có công giúp Bà Triệu triệu tập binh sĩ và chiến đấu chống lại giặc Ngô. Chứng kiến sự hy sinh của Bà Triệu, ba anh em họ Lý đã cùng nhau lựa chọn hy sinh ngay dưới chân núi Tùng để giữ trọn lời thề, vào ngày mùng 6 tháng 3 (âm lịch) năm Mậu Thìn (248). Hiện tại, ba ngôi mộ của 3 anh em họ Lý nằm sát dưới chân núi Tùng được côn trùng bao thành khu mộ thiêng. Khu mộ có không gian thoáng mát, linh thiêng, và hiện nay đã được trùng tu, tôn tạo lại khá khang trang. Từ cổng mộ vào là khuôn viên của khu mộ nằm trong một không gian được xây tường bao thấp bảo vệ. Trong khuôn viên chung, ba ngôi mộ được phân bố thành một hàng ngang. Ở phía trước của ngôi mộ giữa nằm trên trục thần đạo đặt một bàn thờ đá hình chữ nhật, dùng để đặt đồ tế lễ. Phía sau là nhà bia được thiết kế vuông bốn mặt, mái đổ đặc, dán ngói mũi hài. Phía trong đặt một tấm bia “Kỷ niệm bia chí” dựng năm 1928. Nội dung bia ngợi ca công đức của Bà Triệu. Ngoài ra, ở phía trước cổng ra vào hai bên trục thần đạo đặt 2 tượng voi chầu bằng đá xanh. Những năm qua, Nhân dân làng Phú Điền luôn tin rằng, cùng với Bà Triệu, ba ông tướng họ Lý luôn phù trợ để làng vượt qua tai ương, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lăng, và gìn giữ sự bình yên.

Cuộc khởi nghĩa Bà Triệu là một trong những bản hùng ca trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam vẫn còn sáng mãi. Những bài học được rút ra từ cuộc khởi nghĩa vẫn còn nguyên giá trị để thế hệ sau học tập và noi theo.

Nhóm PV CT-XH


Nhóm PV CT-XH

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]