(vhds.baothanhhoa.vn) - Sáng 20/9/2019 (tức 22 tháng 8 năm Kỷ Hợi) tại Sân Rồng khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa) đã diễn ra Lễ kỷ niệm 601 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 591 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang, tưởng niệm 586 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi và lễ hội Lam Kinh năm 2019.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát huy hào khí Lam Sơn

Sáng 20/9/2019 (tức 22 tháng 8 năm Kỷ Hợi) tại Sân Rồng khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa) đã diễn ra Lễ kỷ niệm 601 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 591 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang, tưởng niệm 586 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi và lễ hội Lam Kinh năm 2019.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy đánh trống khai hội Lam Kinh năm 2019.

Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Đỗ Minh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Phát - Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Lê Thị Thìn - Ủy viên BTV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kì; cùng hàng vạn người dân và du khách muôn phương thành kính cùng theo chân về khu di tích dâng hương, dự hội.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa dâng hương trong chính điện Lam Kinh.

Ngược thời gian theo dòng lịch sử dân tộc hơn 600 năm về trước. Lợi dụng sự rối ren của triều đình phong kiến nước ta, nhà Minh ở phương Bắc với mưu đồ thôn tính đã đưa đại quân tràn qua biên giới vào lãnh thổ nước Việt. Trước sức mạnh của kẻ thù, triều đình phong kiến nhà Hồ (nước Đại Ngu) khi ấy dù cố gắng nhưng do không được lòng dân ủng hộ dẫn đến nhanh chóng thất bại trước quân xâm lược. Với dã tâm bành trướng, giặc Minh một mặt ráo riết sắp đặt bộ máy chính quyền cai trị, mưu đồ biến Đại Việt trở thành một phần lãnh thổ của nhà Minh ở phương Bắc. Mặt khác, chúng không ngừng ra sức vơ vét của cải vật chất, bóc lột sức người, đày đọa dân ta đến bên bờ chết chóc, tất cả chỉ để thỏa mãn sự tham lam tàn bạo.

Khi ấy, nơi núi rừng Lam Sơn xứ Thanh, Lê Lợi với trí dũng và tài năng, đức độ hơn người đã thu phục nhân tâm, khiến cho hào kiệt bốn phương tìm về đây hội ngộ, cùng bàn kế sách diệt giặc xâm lược. Và “Hội thề Lũng Nhai” đã vang lên lời nguyện quyết chí đồng tâm. Ấy là 10 năm “nếm mật nằm gai” gian khổ khôn cùng nhưng trên dưới một lòng, nguyện vì mục tiêu đánh đuổi kẻ xâm lược, rửa mối hận mất nước. Năm 1427, với chiến thắng Chi Lăng; Xương Giang; Cầu Trạm nghĩa quân Lam Sơn do Bình Định Vương Lê Lợi lãnh đạo đã buộc giặc Minh xâm lược phải ký “Hội thề Đông Quan”, đem 30 vạn tàn binh ra khỏi lãnh thổ nước Việt. Năm 1428 Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi vua ở Điện Kính Thiên, lập ra vương triều Hậu Lê.

Sau 5 năm trị vì, vua Lê Thái Tổ băng hà khiến cho thần dân tiếc thương. Theo di nguyện, thi hài vua được đưa về Lam Kinh an táng trong sơn lăng. Trước đó, sau khi lên ngôi, song song với việc xây dựng kinh đô nơi đất Thăng Long thì vua Lê Thái Tổ đồng thời đã dành nhiều tâm huyết để xây dựng một Lam Kinh ở đất tổ Lam Sơn với ý nghĩa như một kinh đô thờ tự của nhà Hậu Lê. Chính vì vậy, sau này các vua và hậu thời Lê sơ khi mất cũng được đưa về an táng tại đây. Lam Kinh trở thành khu di tích tâm linh, được giữ gìn và bảo vệ nghiêm cẩn. Với đầy đủ giá trị về lịch sử, kiến trúc, tâm linh... năm 2012, khu di tích Lam Kinh chính thức được công nhận là Khu Di tích Quốc gia đặc biệt.

Dù gần 6 thế kỷ trôi qua với tiếp nối những thăng trầm, biến động của lịch sử dân tộc, song không vì thế mà người dân xứ Thanh nói riêng, nhân dân cả nước quên đi câu ca nhắc nhớ “hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”. Lễ hội Lam Kinh là dịp để hậu thế tưởng nhớ, tri ân công đức của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, người có công đặt nền móng vững chắc cho vương triều Hậu Lê thịnh trị.

Theo đó, lễ hội truyền thống Lam Kinh năm 2019 diễn ra ngay tại Sân Rồng với các nghi thức tế lễ, dâng hương, đọc chúc văn... trang nghiêm, thành kính, thể hiện lòng biết ơn đấng tiền nhân. Cùng với đấy, phần hội vô cùng đặc sắc với chương trình sân khấu hóa chủ đề “Hào khí Lam Sơn tỏa sáng trường tồn” hội tụ các tiết mục văn hóa, văn nghệ, trò diễn dân gian vô cùng đặc sắc do các nghệ sĩ, diễn viên chuyên và không chuyên đến từ Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa, Nhà hát Lam Sơn và làng Xuân Phả thể hiện.

Biểu diễn cồng chiêng trong lễ hội Lam Kinh.

Lễ hội Lam Kinh năm 2019 diễn ra trong ba ngày (từ 21 - 23/8 âm lịch) thu hút hàng vạn người dân và du khách về di tích tham quan, dâng hương, vãn cảnh. Cảm nhận chung của du khách khi về đây chính là không khí thành kính, trang nghiêm mà vẫn tươi vui, lành mạnh với nhiều hoạt động văn hóa thể thao, mua bán, trao đổi sản vật địa phương... Đó là kết quả của sự nỗ lực trong việc tăng cường công tác phối hợp quản lý giữa sở, ngành, BQL khu di tích và chính quyền địa phương. Cùng với đó, việc mỗi người dân thay đổi, nâng cao ý thức đã góp phần quan trọng vào thành công của lễ hội.

Thu Trang - Thu Thủy


Thu Trang - Thu Thủy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]