(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm qua, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả tích cực, phát huy quy chế dân chủ cơ sở, tác động tích cực đến các phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá”, “Làng văn hoá”, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Qua đó góp phần gìn giữ và phát huy phong tục tập quán tốt đẹp trong cộng đồng dân cư.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong thực hiện nếp sống văn hóa

Những năm qua, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả tích cực, phát huy quy chế dân chủ cơ sở, tác động tích cực đến các phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá”, “Làng văn hoá”, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Qua đó góp phần gìn giữ và phát huy phong tục tập quán tốt đẹp trong cộng đồng dân cư.

Từ lâu, hương ước, quy ước đã có tác dụng duy trì lối ứng xử chuẩn mực trong cộng đồng làng, xã, giúp hạn chế, đẩy lùi những hủ tục, tập quán lạc hậu, gìn giữ và phát huy các giá trị tốt đẹp, xây dựng nếp sống văn minh. Tuy nhiên, việc xây dựng, thực hiện bản cam kết đặc biệt này đang bộc lộ không ít tồn tại, hạn chế. Vì vậy Quyết định 22/2018/QĐ-TTg ngày 8/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước là giải pháp để những bản thỏa thuận chung này thực sự có chiều sâu, phát huy được sức mạnh trong đời sống cộng đồng. Trên cơ sở hướng dẫn của Sở VH,TT&DL, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch thực hiện sát với tình hình thực tế, gắn kết cộng đồng ở từng nơi.

Phong trào văn nghệ phát triển rộng khắp ở nhiều địa phương có vai trò quan trọng của hương ước, quy ước.

Thôn Phú Đa, xã Tuy Lộc, huyện Hậu Lộc với 153 hộ/527 nhân khẩu được hình thành trên cơ sở của nhiều lần sáp nhập. Tháng 4/2008 thôn Cui sáp nhập với thôn Phú Đa thành thôn Đa Cui; tiếp theo đó tháng 3/2018 thôn Đa Cui sáp nhập với thôn Đa Tiến thành thôn Phú Đa. Ông Đỗ Văn Luyến - Trưởng thôn Phú Đa cho biết: Để tạo sự đoàn kết cho nhân dân sau khi sáp nhập thì một trong những vấn đề được người dân rất quan tâm, đó là thống nhất có một quy ước, hương ước thôn (làng).Tuy nhiên khi sáp nhập thì số lượng người dân tăng lên và cũng không tránh khỏi tư tưởng cục bộ, trái chiều từ một số ít người dân ở các thôn với nhau khi đều muốn giữ hương ước chung của thôn mình. Trên quan điểm chỉ đạo của huyện, xã, việc xây dựng quy ước, hương ước làng phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đạo đức xã hội, phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư; hương ước chung của thôn Phú Đa đã được thông qua gồm 3 chương, 24 điều. Theo đó, nhiều hủ tục lạc hậu được xóa bỏ; việc cưới, việc tang thực hiện theo nếp sống mới...

“Thuận lợi của xã khi thực hiện quy ước, hương ước ở các thôn sáp nhập, đó là sáp nhập từ 11 thôn thành 6 thôn, đồng thời cũng là 6 làng văn hóa. Các thôn đều khai trương xây dựng thôn, làng văn hóa nên sáp nhập thuận lợi hơn rất nhiều. Sau một năm sáp nhập, các thôn đã phát huy tốt việc thực hiện các quy ước, hương ước làng, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tình làng nghĩa xóm ngày càng được thắt chặt. Việc thực hiện quy ước, hương ước gắn với việc bình xét danh hiệu gia đình văn hóa vào dịp cuối năm. Chính vì có sự ràng buộc như vậy nên những mặt tốt được phát huy, những việc làm vi phạm sẽ chịu trách nhiệm trước cộng đồng dân cư. Từ khi sáp nhập, phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương chất lượng hơn rất nhiều”, ông Mai Văn Quân - Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết thêm.

Ở huyện Thiệu Hóa, việc thực hiện hương ước, quy ước không những góp phần phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc mà còn là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. 100% thôn, làng trong huyện đã xây dựng được hương ước, quy ước. Các hương ước, quy ước được xây dựng theo phương châm “Lấy sức dân cùng Nhà nước chăm lo cuộc sống của nhân dân”, đề cao vai trò, trách nhiệm của mỗi gia đình, dòng họ đối với việc tuyên truyền, giáo dục con cháu các quy định của pháp luật trong việc thực hiện nếp sống văn hoá. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được thực hiện tốt. 13 lễ hội trên địa bàn huyện đều được tổ chức theo hướng văn minh, tiết kiệm, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”;...

Qua một năm có hiệu lực, Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng hương ước, quy ước đã tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Trên cơ sở hướng dẫn của Sở VH,TT&DL Thanh Hóa về việc rà soát hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, ban hành công văn chỉ đạo hướng dẫn các thôn, làng, tổ dân phố tiến hành rà soát hương ước, quy ước, tổng hợp số liệu theo đúng trình tự, thủ tục và quy định. 27/27 huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát hương ước. Một số huyện có 100% thôn, làng, khu phố có hương ước, quy ước được phê duyệt như TP Thanh Hóa, TX Bỉm Sơn, huyện Hoằng Hóa, huyện Lang Chánh... Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm hướng dẫn các thôn, làng xây dựng hương ước, quy ước gắn với nội dung trọng tâm của phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây đựng đời sống văn hóa” và quy chế dân chủ ở cơ sở. Đối với vùng nông thôn đã bổ sung các nội dung thực hiện hương ước, quy ước với việc thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hương ước, quy ước cấp huyện và cấp xã đều bố trí cán bộ, công chức, viên chức phụ trách việc tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ phê duyệt hương ước, quy ước. Hầu hết các huyện đều lồng ghép tập huấn nghiệp vụ công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước cho đội ngũ cán bộ, công chức với việc tập huấn, nghiệp vụ chuyên môn như huyện Quan Sơn, Bá Thước. Việc theo dõi, giám sát thực hiện hương ước, quy ước được giao cho thôn, làng thực hiện. Một số địa phương thành lập đoàn kiểm tra, thẩm định hương ước, quy ước thôn, bản, khu phố trên địa bàn như các huyện: Nga Sơn, Bá Thước, Tĩnh Gia, Lang Chánh... Việc xem xét, đánh giá việc thực hiện hương ước, quy ước được thực hiện hàng năm trong các cuộc họp thôn, làng, Ngày đại đoàn kết toàn dân tộc...

Có thể khẳng định hương ước, quy ước đang dần chiếm địa vị pháp lý quan trọng trong đời sống xã hội, trở thành công cụ hỗ trợ và bổ sung cho pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội tại cộng đồng dân cư. Trên cơ sở kế thừa, có chọn lọc nội dung, hình thức xây dựng, các bản hương ước, quy ước trước đây, các thôn, bản, khu dân cư ở Thanh Hóa đã vận dụng sáng tạo, xây dựng nên những bản hương ước, quy ước mới có nội dung cũng như bố cục phù hợp với đặc trưng vùng miền, phong tục tập quán, mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư để các thành viên trong cộng đồng tự giác, tự nguyện thực hiện.

Phương Anh


Phương Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]