(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong kho tàng di sản văn hoá phong phú và đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, các di sản văn hoá nghệ thuật thời Lý có vai trò hết sức quan trọng bởi quy mô kiến trúc, kỹ thuật xây dựng và nghệ thuật điêu khắc, trang trí... Tỉnh Thanh tự hào có nhiều di tích lịch sử, kiến trúc danh tiếng thời Lý, đã và đang được tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị những di sản văn hoá đặc sắc này...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quan tâm trùng tu, tôn tạo di tích thời Lý

Trong kho tàng di sản văn hoá phong phú và đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, các di sản văn hoá nghệ thuật thời Lý có vai trò hết sức quan trọng bởi quy mô kiến trúc, kỹ thuật xây dựng và nghệ thuật điêu khắc, trang trí... Tỉnh Thanh tự hào có nhiều di tích lịch sử, kiến trúc danh tiếng thời Lý, đã và đang được tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị những di sản văn hoá đặc sắc này...

Xã Hoằng Sơn (Hoằng Hoá) nơi có di tích lịch sử, văn hoá quốc gia đền thờ Lê Phụng Hiểu. Đây là một đại tướng nhà Lý, phụng sự ba triều vua đầu tiên của nhà Lý đó là vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông và Lý Thánh Tông. Lê Phụng Hiểu là người có công rất lớn trong việc phò vua Lý Thánh Tông tức Lý Phật Mã lên ngôi. Hiện, ngôi đền này còn lưu giữ nhiều đồ thờ cổ thời Lý và có tới 23 sắc phong.

Tuy nhiên, qua đi thời gian, một số hạng mục của ngôi đền đã bị hư hỏng và xuống cấp. Ông Lê Hùng Mạnh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Sơn cho biết: Sau khi được công nhận di tích cấp quốc gia vào năm 2002, di tích này đã phải tu bổ nhiều lần nhưng chủ yếu bằng nguồn kinh phí của địa phương, trong đó xuống cấp nghiêm trọng ở khu 3 gian và 5 gian. Cách đây vài tháng, ở khu 5 gian và 3 gian, mái lại tiếp tục bị tụt xuống, địa phương lại trích ngân sách 10 triệu đồng để nâng cấp, tu bổ.

Khó khăn ở chỗ, kinh phí xã thì có hạn, nguồn xã hội hoá cũng không được nhiều, chính vì vậy việc tu sửa cũng không thể được trọn vẹn trong khi đó, di tích năm nào cũng thêm sự xuống cấp.Được biết, trước đây, đã có dự án về trùng tu, tôn tạo di tích thời Lý trong đó đền thờ Lê Phụng Hiểu được phân bổ gần 40 tỷ đồng nhưng vì nhiều lý do nên dự án này đã không thực hiện được. Cuối năm 2017, một lần nữa, đền thờ Lê Phụng Hiểu lại có tên trong danh sách được trùng tu, tôn tạo với nguồn kinh phí gần 30 tỷ đồng trong đó kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh là 8 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Điều mong muốn nhất hiện nay của chính quyền, nhân dân xã Hoằng Sơn đó là việc trùng tu, tôn tạo đền thờ Lê Phụng Hiểu sớm được triển khai, thực hiện.

Đền thờ Lê Phụng Hiểu xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa).

Cùng với đền thờ Lê Phụng Hiểu, di tích lịch sử văn hoá quốc gia đền thờ Lý Thường Kiệt ở xã Hà Ngọc (Hà Trung) trong những năm qua cũng đã được quan tâm trùng tu, tôn tạo. Đây là ngôi đền thờ người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, một danh tướng đời nhà Lý. Trải qua hàng trăm năm nhưng ngôi đền này vẫn giữ được nét nguyên sơ với nhiều chứng tích lịch sử, văn hoá. Hiện ngôi đền vẫn còn lưu giữ nhiều đồ thờ của Lý Thường Kiệt đó là mũ, đôi hài, kiếm lệnh...

Vào năm 2015, trước sự xuống cấp của ngôi đền, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định tu sửa cấp thiết, tuy nhiên trong quá trình hạ giải thì phát hiện sự xuống cấp nghiêm trọng với nhiều cột bị mối mọt, mái ngói bị hỏng gần như hoàn toàn nên UBND huyện Hà Trung đã dừng lại việc tu sửa cấp thiết và xin tỉnh trùng tu, tôn tạo lại đền thờ Lý Thường Kiệt. Tại Văn bản số 8214 của UBND tỉnh Thanh Hoá đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích này với quy mô đầu tư gồm tu bổ, tôn tạo các hạng mục tiền bái và hậu cung, thời gian dự kiến thực hiện trong hai năm 2017 và 2018. Ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung cho biết: Đến thời điểm này, việc trùng tu, tôn tạo các hạng mục cơ bản sắp xong và sẽ cố gắng hoàn thành vào lễ khai ấn đền (ngày 25 tháng giêng năm 2019).

Cùng với đền thờ Lê Phụng Hiểu, Lý Thường Kiệt, Thanh Hoá còn nhiều cổ tự danh tiếng thời Lý đó là chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, chùa Báo Ân, chùa Hương Nghiêm... Những di tích này đã và đang tiếp tục được quan tâm trùng tu, tôn tạo. Còn nhớ, tại Hội thảo quốc tế “Nghệ thuật và văn hoá thời Lý ở Việt Nam”, giáo sư, tiến sĩ Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hoá quốc gia đã nói: “Các di sản văn hoá nghệ thuật thời Lý có vai trò hết sức quan trọng. Vấn đề là, cho đến nay, sau hàng nghìn năm, đã có không ít di sản văn hoá phi vật thể bị thất truyền, nhiều di tích lịch sử, kiến trúc đã và đang bị hư hỏng, xuống cấp. Chính vì vậy rất cần có những giải pháp hữu hiệu và đồng bộ để tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị những di sản văn hoá đặc sắc này...”.

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]