(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngư dân xã đảo Nghi Sơn từ xưa cho đến nay chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh cá biển. Dùng thuyền mành chạy buồm vươn ra khơi xa hàng tháng trời câu cá và mực; dùng thuyền con đánh bắt tôm, cá trong vùng lộng, từ Hòn Mê trở vào. Cư dân nơi đây là những người giàu kinh nghiệm đi biển và đánh bắt cá ở vùng biển Nam Thanh - Bắc Nghệ, qua giao lưu, tiếp biến với bên ngoài thông qua đường biển đã đem đến cho sắc thái văn hóa nơi đây phong phú và độc đáo.

Sắc thái văn hóa của cư dân xã đảo Nghi Sơn

Ngư dân xã đảo Nghi Sơn từ xưa cho đến nay chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh cá biển. Dùng thuyền mành chạy buồm vươn ra khơi xa hàng tháng trời câu cá và mực; dùng thuyền con đánh bắt tôm, cá trong vùng lộng, từ Hòn Mê trở vào. Cư dân nơi đây là những người giàu kinh nghiệm đi biển và đánh bắt cá ở vùng biển Nam Thanh - Bắc Nghệ, qua giao lưu, tiếp biến với bên ngoài thông qua đường biển đã đem đến cho sắc thái văn hóa nơi đây phong phú và độc đáo.

Sắc thái văn hóa của cư dân xã đảo Nghi SơnCù lao Biện - xã đảo Nghi Sơn.

Làng chài Nghi Sơn xưa, nay là xã đảo Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn là bán đảo cổ, núi đất và đá, cách đất liền gần 1 km, xưa gọi là Cù lao Biện - Biện Sơn, hoặc hòn Biện Sơn, Đảo Biện. Cù lao Biện như một vòng tay khổng lồ, ôm gọn trong lòng nó vụng nước sâu, kín gió, vừa là nơi giao thương hàng hóa, vừa điểm đỗ lý tưởng cho tàu thuyền neo đậu tránh gió bão.

Biện Sơn hội đủ các yếu tố về tự nhiên như vịnh sâu, kín gió, gần đất liền, có đặc sản quý hiếm vừa là thương cảng trên con đường hàng hải quốc tế và hành trình ven biển của tàu thuyền trong nước. Sách Đồng Khánh dư địa chí cho biết: “Đảo Biện Sơn: ở ngoài cửa biển Biện Sơn. Trên sóng biển nhô lên ngọn núi đảo, dưới núi có chỗ thuyền bè có thể dừng đậu được, gọi là Ngọc Úc (Vũng Ngọc). Tàu thuyền công tư đi biển đều có thể ghé vào vũng này để tránh gió to sóng lớn. Ở chỗ sườn núi bằng phẳng có khu dân cư, gọi là phường Biện Sơn. Đồn cửa Biện đóng tại đây. Nay trên đỉnh và sườn núi vẫn có pháo đài, có quân trú phòng đóng giữ”.

Cù Lao Biện có lịch sử hình thành từ lâu đời. Tương truyền khi An Dương Vương cùng con gái bị Triệu Đà đuổi đến đây, được thần Kim Quy hiện lên mách bảo, ông đã quay lại chém Mỵ Châu rồi rẽ nước đi ra biển. Trọng Thủy đến giếng Ngọc biết rõ sự tình, bèn nhảy xuống giếng tự tử. Máu Mỵ Châu hòa vào nước biển, trai ăn nước ấy biến thành ngọc trai. Ngọc trai ở vùng biển này chỉ rửa nước giếng Ngọc mới trong sáng. Dưới chân núi Ngọc, hãy còn giếng Ngọc, ghi dấu thiên bi tình sử thời Âu Lạc. Đại Nam Nhất thống chí cho biết: “Hòn Biện Sơn ở ngoài cửa Bạng 7 dặm thuộc huyện Ngọc Sơn, nổi vọt lên ở giữa biển; dưới núi về phía tây nam có giếng Tẩy ngọc (rửa ngọc), trên đỉnh núi phía bắc có đền Mỵ Nương công chúa, dưới đền là vũng Ngọc, sản xuất ngọc trai. Đời Lê có đặt trường lấy ngọc ở đây”. Nơi đây còn có đền thờ Trần Quý Phi (còn gọi đền Vua Bà) bảo hộ, che chở cho ngư dân trên Cù lao Biện vượt sóng gió trùng khơi, mang về những khoang cá nặng. Vua Khải Định sắc phong bà làm Thượng đẳng thần tối linh. Năm 1789, Nguyễn Huệ lấy Biện Sơn làm căn cứ hải quân hợp cùng các đạo quân trên bộ lập thành phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn và thần tốc kéo ra Thăng Long đập tan quân Thanh xâm lược. Những giếng nước trên đảo do nghĩa quân Tây Sơn khơi mạch vẫn còn đó, là nguồn nước ngọt quý giá không bao giờ cạn ở đảo này.

Phía Đông Bắc Đảo Biện là quần đảo Mê bao gồm 18 hòn đảo lớn nhỏ, được gọi là “thập bát mã sơn”. Vùng biển nơi đây có nhiều rạn, cồn, là nơi cư trú của các loài cá nổi như: lầm, ve, trích, trỏng...; các rạn đá ngầm là nơi trú ngụ cho các loại tôm hùm, hải sâm, trai ngọc, cá mú, cá song... - những loài hải sản quý hiếm. Phía Nam đảo Mê có vụng Quyển từ xưa tới nay là nơi trú ngụ của nhiều loại tôm và được sách Đại Nam nhất thống chí gọi là “Đó tôm” bởi ở đây tôm nhiều vô kể, và còn có nhiều loài cá, sản lượng khai thác đạt năng suất cao.

Là nơi giao thương hải quốc tế, điểm đỗ thuận tiện của các con thuyền vào Nam ra Bắc đã đem đến cho Cù lao Biện nhiều cơ hội để tiếp xúc, giao lưu văn hóa, kinh tế với các nước trong khu vực và thế giới cùng với sự thiên di và cộng cư của một bộ phận cư dân khác tụ cư trên đảo Biện.

Cư dân Cù lao Biện chuyên nghề chài lưới và có tổ chức đặc thù đó là làng thủy cơ. Thời Nguyễn gọi là Phường tứ chiếng Biện Sơn và là một trong số 13 tổng thủy cơ ở xứ Thanh. “Thủy cơ”, “phường”, “vạn” là địa bàn cư trú của dân chài đánh cá. Địa bàn là mặt nước trên các cửa biển, dòng sông. Địa giới dựa vào quy ước do các làng chài ngầm thỏa thuận về quãng sông, mặt nước mỗi làng quản lý, khai thác. Cuộc sống các vạn chài phiêu dạt, nay đây mai đó bấp bênh theo những chiếc thuyền và bè mảng lênh đênh trên sóng nước.

Về các dòng họ ở Nghi Sơn có một số đặc điểm: Dòng họ gốc có từ lâu đời tụ cư tại làng. Một số dòng họ vì những lý do rất khác nhau tụ hợp về. Họ là những người đi đánh cá ở các vùng biển khác bị bão gió làm đắm thuyền bè trôi dạt vào làng, lưu tán do lánh nạn, hoặc do đói kém tụ hợp lại, đi kiếm ăn sinh sống rồi ở lại. Mỗi gia đình thuộc phường tứ chiếng Biện Sơn xưa sống trong một con thuyền lớn, ngoài ra còn có một vài chiếc thuyền con - thuyền chài để buông lưới, quăng chài đánh cá. Một gia đình thuyền chài có 5 - 7 người, nhiều thế hệ chung sống trong một con thuyền. Trai gái 16 - 17 tuổi đã dựng vợ, gả chồng. Kết hôn trong làng thủy cơ, hiếm khi kết hôn với người trên bờ ở trong đất liền.

Trước năm 1945, cư dân đảo Biện quần tụ trong vụng biển. Làng chài Biện Sơn có sổ hương ẩm để quản lý các lễ tiết và sự phân bổ cho từng giáp, từng dòng họ. Trong mỗi giáp có nhiều dòng họ, mỗi họ bao gồm nhiều con thuyền. Điều khác biệt với các làng, vạn chài khác là cư dân phường tứ chiếng Biện Sơn vừa có thuyền để chài lưới, lại vừa có đất trên đảo để ở và chôn cất người chết. Phường tứ chiếng Biện Sơn có hương ước, lệ tục quy định những điều người dân được làm và kiêng kỵ, quy định về sự cưu mang giúp đỡ lẫn nhau khi gặp hoạn nạn trên biển và ở đất liền, nghĩa vụ đóng góp của các chủ thuyền, chủ mảng hằng năm lo những công việc lớn trong làng, quy định về trọng lão, bảo vệ nguồn nước, thưởng và phạt quy định đối với những người tới sinh sống. Có hội đồng ngũ vị hương đảm nhiệm công việc nội trị của làng.

Hằng năm, cứ đến rằm tháng 7 âm lịch là chuyển mùa cá. Xưa, vào những ngày này, các chủ thuyền, chủ chài lưới tập hợp những người đi biển, gọi là “trai bạn thuyền” để đánh giá những việc trong năm, thỏa thuận giữa chủ thuyền và thợ bạn bàn bạc, giao ước với nhau về quyền lợi, nghĩa vụ và các quan hệ ràng buộc cho suốt cả một mùa cá tới. Những điều thỏa ước đã trở thành quy ước của các vạn chài, được chủ thuyền tới các thành viên tự giác thực hiện.

Về phân công lao động, đàn ông đánh cá, phụ nữ bán cá, sinh đẻ và lo việc hậu cần cho cả gia đình, có một số phụ nữ ra biển đánh cá nhưng số này rất ít.

Ngôi nhà trên đảo của vạn chài nhỏ và tạm bợ: cột bằng kèo tre, mái lá, vách thưng bằng tre, nứa. Vật dụng là mấy chiếc giường, chõng làm bằng tre, ngày hè hoặc đêm đông giá lạnh chỉ có chiếu cói, vừa làm chăn, vừa làm chiếu. Nhà nào dư dả có thêm chăn mỏng hay vải buồm cũ màu nâu bạc làm chăn đắp. Mỗi gia đình có chum hoặc vại để đựng nước lấy về từ ở giếng làng. Họ thường uống nước lã, khi có việc đình đám hoặc đón khách xa thì mới dùng lá vối, hay lá các loại cây mọc trên núi Ngọc lấy về phơi khô, nấu nước và uống bằng bát. Ngư dân thích uống rượu do họ tự nấu, mua hoặc đổi hải sản với đất liền. Đàn ông hút thuốc lào, đàn bà ăn trầu quanh năm. Những lúc giá rét ra biển đánh cá hoặc xuống nước, họ thường uống “nước mắm cốt” để cho ấm người. Đi biển dài ngày, lương thực không dư dật bao nhiêu, họ mang theo nhiều muối, bí ngô, thuốc lào, rượu trắng... những thứ tối cần thiết đối với ngư dân.

Cuộc sống lao động vất vả cực nhọc trên biển cả đã tạo cho cư dân Đảo Biện những nét độc đáo về hình thể như: vai u, lưng gồ, đi đứng có dáng khum khum, “ăn sóng nói gió”, phóng khoáng. Họ thích ăn gỏi (đồ biển sống) với gia vị cay, mặn (rượu, ớt...). Họ có bản lĩnh kiên cường, không chịu khuất phục, tin ở chính mình và luôn vượt lên gian khó.

Với địa thế bốn bề là biển Đông rộng lớn, nguồn sống chính của họ dựa vào biển cả, cư dân Cù lao Biện luôn tôn thờ các vị thần linh. Trên đảo có chùa thờ Phật, đền thờ Quang Trung, Tứ vị Thánh Nương, miếu thờ rắn và đền thờ Cá Ông cầu mong các vị thần biển giúp họ đánh bắt được nhiều tôm cá, cuộc sống bình an. Đặc biệt, lễ hội cầu ngư tổ chức vào ngày cá Ông dạt vào vụng Ngọc phản ánh tục thờ cá Voi của ngư dân Cù lao Biện. Trong lễ hội vào tháng giêng, gắn với lễ hội cầu ngư, cư dân Cù lao Biện cùng với việc tổ chức đua thuyền, họ còn biểu diễn “chèo cạn”, vừa chèo thuyền vừa hát các điệu hát cổ.

Về ngôn ngữ của cư dân trên đảo, cho đến ngày nay mặc dù đã thay đổi và Việt hóa rất nhiều, nhưng đâu đó vẫn bắt gặp thổ ngữ cổ mà chắc chắn là không phải là ngôn ngữ Việt - Mường. Chính tên gọi “cù lao” - Đảo Biện là ảnh hưởng của ngôn ngữ Malayo-Polinesian. Đoạn đèo dốc từ đất liền vượt qua biển và leo trèo lên đảo, dân Đảo Biện gọi là “lố” chứ không gọi là đèo, dốc như cách gọi phổ biến trong vùng. Những mũi đá nhô ra biển gọi là ghành Quyển, ghành Hàn. Trong giao tiếp, người dân Nghi Sơn thường phát âm nhanh, nhẹ, không nặng và lặng trầm như cư dân các làng biển tỉnh Thanh, phải chăng đó là dấu ấn còn lưu lại do giao lưu và tiếp biến với ngôn ngữ của các thương thuyền ghé qua hay lưu trú trên Đảo Biện?.

Với các giếng nước cổ dùng đá tự nhiên xếp khít từng lớp, không trát mạch kiểu “giếng vuông”. Người dân trên đảo cho biết những giếng này là do quân sĩ thủy binh Tây Sơn xây nên là công trình độc nhất vô nhị trên đảo mang phong cách giếng Chăm.

Cư dân xã đảo Nghi Sơn có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời. Đảo Biện nằm ở vị trí cuối non, đầu bể, xa đất liền nhưng luôn cởi mở, giao lưu và tiếp nhận với bên ngoài. Cư dân Đảo Biện vừa là cư dân bản địa hoặc có một bộ phận là bên ngoài, nhưng chủ yếu do giao lưu và tiếp nhận với bên ngoài thông qua giao thương hàng hải và dần được Việt hóa. Chính điều đó đã đem đến cho Cù lao Biện sắc thái văn hóa độc đáo. Dấu ấn đó còn lưu lại qua văn hóa tộc người, phương thức sản suất, ngôn ngữ, di tích, tín ngưỡng... ở xã đảo Nghi Sơn hôm nay.

Bài và ảnh: Hoàng Minh Tường (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]